Monday, May 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐộng thái “lấy lệ”?

Động thái “lấy lệ”?

“Chúng tôi kêu gọi Anh nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, đình chỉ mọi hình thức tiếp xúc chính thức với Đài Loan, dừng gửi tín hiệu sai lầm tới các phần tử đòi ‘Đài Loan độc lập’”.

Ông Hands gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm tới hòn đảo này năm 2016

Ba tháng kể từ sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi, dư luận đỡ vướng bận thời gian cho câu chuyện Biển Đông.

Nói cho cùng, cũng hết mức rồi còn gì. Cùng với những cuộc khẩu chiến căng thẳng cảnh báo “lằn ranh đỏ”, Bắc Kinh đã triển khai cuộc tập trận quy mô lớn, dài ngày, mô phỏng cấm vận, bao vây Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi. Thêm một lý do khác, là Trung Quốc bấn bíu vào việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội 20 của Đảng CSTQ.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, dư luận sẽ lại phải quan tâm trở lại vấn đề Đài Loan.

Vì sao? Vì hai tháng cuối năm sẽ là thời gian hòn đảo này thành “điểm đổ bộ” của các quan chức, nghị sĩ phương Tây – điều mà Trung Quốc coi như sự thách thức, đi ngược với quan điểm “một Trung Quốc” mà các quốc gia phương Tây đã khẳng định.

Liên quan câu chuyện này, về phía London, tờ Guardian đầu tháng 8 đã đưa tin rằng: các nghị sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh dự định tới thăm Đài Loan vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12, nhằm “thể hiện sự ủng hộ của Anh” với hòn đảo.

Trong khi sự kiện này chưa diễn ra, thì ngày 6/11, chính phủ Anh cho biết, trong tuần sẽ cử Quốc vụ khanh về chính sách thương mại Anh Greg Hands tới thăm hòn đảo gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và đồng chủ trì đối thoại thương mại thường niên giữa Anh và Đài Loan.

Vẻ như London lường trước phản ứng của Trung Quốc, nên cùng với nhấn mạnh “khía cạnh kinh tế” nhằm thực hiện “cam kết của Anh với việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh và Đài Loan”, “Quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn sẽ giúp chúng ta đảm bảo sự thành công của nền kinh tế trong những thập kỷ tới”, thông tin chuyến đi của ông Hands chỉ được tiết lộ chừng mực, mặc cho sự thòm thèm của cánh báo chí và dư luận. Có lẽ cũng vì thế, việc ông Hands, ngoài tư cách quốc vụ khanh, còn là nghị sĩ, như cũng được giới chức Anh làm “mờ” đi một cách cố ý.

Nhưng với Bắc Kinh, thể cũng là đủ để khởi động trở lại những giận dữ chùng xuống từ hơn ba tháng nay. Bằng chứng là liền sau đó, vào ngày 7/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường kỳ, đã tuyên bố: “Trung Quốc kêu gọi Anh nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, đình chỉ mọi hình thức tiếp xúc chính thức với Đài Loan, dừng gửi tín hiệu sai lầm tới các phần tử đòi ‘Đài Loan độc lập’”.

Chẳng phải chuyên gia quốc tế cũng có thể nhận thấy, phản ứng của Trung Quốc về chuyến công du của ông Hands không dữ dằn, gay gắt như những gì họ từng làm cách đây 3 tháng, khi thể hiện sự cay cú trước và sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi cũng như các đoàn quan chức, nghị sĩ phương Tây cấp tập bay tới hòn đảo này sau đó. Nó thiên vê thủ tục. Nó khiến người ta liên hệ tới sự “chiếu lệ”. Sự chiếu lệ này có thể suy ra do hai khả năng:

Thứ nhất, hàm quốc vụ khanh (hàm bộ trưởng) như ông Hands ghé Đài Loan lâu nay có mà đầy, tức mà làm gì để mang cái ấm ức vào người? Đó là chưa kể, cũng ông Hands từng ghé hòn đảo này cách đây 6 năm về trước, sau đó, mọi việc cũng trôi vào quên lãng.

Thứ hai, mang “lằn ranh đỏ” ra đe, sau đó, triển khai các động thái rắn đến như vụ bà Pelosi thăm Đài Loan tháng 8 năm nay, còn chưa ăn ai; vụ ông Hands mà làm căng rồi để chùng xuống, không làm gì, thiên hạ họ cười cho.

Thế nên, phản ứng, thể hiện sự khó chịu thì vẫn phải làm để thể hiện lập trường, nhưng ngôn từ thì…vừa phải thôi, “kêu gọi” thôi, để dư luận khỏi ồn ào, thậm chí còn mỉa mai sự bất lực của Trung Quốc trước các động thái khiêu khích của phương Tây.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới