Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTổng thống đắc cử Philippines: Ủng hộ phán quyết của tòa trọng...

Tổng thống đắc cử Philippines: Ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong Vụ kiện Biển Đông

Ông Ferdinand Marcos Jr, người mới được bầu làm tổng thống mới của Philippines, tuyên bố sẽ bảo vệ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Tổng thông đắc cử Ferdinand Marcos Jr của Philippines tuyên bố sẽ bảo vệ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông giàu tài nguyên, một trong những tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất có kim ngạch thương mại hàng năm lên tới hàng nghìn tỉ USD. Các quốc gia và khu vực như Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng đã tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông.

Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế Thường trực ở La Hay. Theo phán quyết này, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông không có cơ sở lịch sử.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte của Philippines đã gạt sang một bên phán quyết này để đổi lấy các cam kết thương mại và đầu tư của Trung Quốc với Philippines. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng Bắc Kinh đã không thực hiện những lời hứa của mình.

Trong tuyên bố mạnh mẽ nhất của mình về căng thẳng lâu nay giữa Philippines và Trung Quốc, ông “Bongbong” Marcos nói rằng ông sẽ không “cho phép các quyền về đại dương và bờ biển của chúng ta bị chà đạp dù chỉ một milimet. Chúng ta có một phán quyết quốc tế rất quan trọng có lợi cho chúng ta. Chúng ta sẽ sử dụng nó để tiếp tục bảo vệ quyền lợi lãnh thổ của mình. Đây không phải là đòi hỏi mà là chủ quyền quốc gia của chúng ta”.

Ông Marcos cũng đồng thời nói: “Chúng ta không thể gây chiến với họ. Đó là điều chúng ta không cần nhất lúc này”.

Ferdinand Marcos Jr, biệt danh “Bongbong”, đã giành được hơn một nửa số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 9/5 và được bầu làm Tổng thống với số phiếu cách biệt rất rõ, đánh dấu sự trở lại đáng chú ý của gia tộc Marcos. Người cha cùng tên của ông, đã cai trị Philippines trong 20 năm đã bị lật đổ vào năm 1986 vì tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Với tư cách là tổng thống đắc cử, “Bongbong” Marcos sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30/6 tới đây.

Tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập

Người bạn đồng hành của ông, bà Sara Duterte cũng đã giành chiến thắng trong cuộc đua tranh chức phó tổng thống một cách áp đảo tuyệt đối. Cả hai người đều tán thành các chính sách quan trọng của đương kim Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, Marcos đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ không tiếp tục “phong cách có hơi phi chính thống” của ông Duterte trong lĩnh vực ngoại giao. Ông Duterte thường xuyên khiến giới ngoại giao bất an với những phát ngôn bốc đồng và tính cách thất thường.

Marcos cho biết ông sẽ tìm cách đạt được sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai nước này đang cạnh tranh để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ mới ở Manila. Ông nói: “Trong lĩnh vực địa chính trị, chúng ta là những nhân vật nhỏ, phải đối mặt với những gã khổng lồ. Chúng ta cần phải đi con đường của mình, Tôi không tán thành tư duy cũ thời Chiến tranh Lạnh, tức là nếu không ở trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô thì tất phải ở trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ”. Ông nói.” Chúng ta phải tìm ra một chính sách đối ngoại độc lập và làm bạn với mọi người. Đó là con đường duy nhất”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines và gia đình Marcos rất gắn bó với nhau. Washington coi ông Marcos Sr (cha) là đồng minh thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Với sự ủng hộ của Mỹ, Marcos Sr đã có thể cai trị thuộc địa cũ của Mỹ trong suốt 20 năm. Năm 1986, đối mặt với làn sóng phản đối của quần chúng, theo gợi ý của Washington, Marcos Sr phải đi sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ).

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục diễn ra trong khu vực, Washington đã cam kết duy trì liên minh an ninh với Manila, trong đó bao gồm hiệp ước phòng thủ lẫn nhau và bản ghi nhớ cho phép quân đội Mỹ tàng trữ thiết bị và vật tư quốc phòng tại nhiều căn cứ của Philippines.

Theo Chester Cabalza, (Viện Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế) có trụ sở tại Manila, Biển Đông là một trở ngại chính trong quan hệ Manila – Bắc Kinh cần phải được loại bỏ. Ông nói: “Nếu Marcos không làm gì với Tập Cận Bình, thì Bắc Kinh sẽ ngày càng chiếm thế thượng phong trong mối quan hệ chiến lược của chúng ta với Trung Quốc”.

Trung Quốc bực bội trước sự thay đổi lập trường của ông Marcos

Truyền thông Trung Quốc “QQ.com” ngày 27/5 đã đăng bài “Tổng thống Philippines thay đổi thái độ với Trung Quốc, công khai yêu sách lãnh thổ, PLA tuốt kiếm cảnh cáo ở Biển Đông”. Bài báo mạnh mẽ chỉ trích sự thay đổi của ông Marcos về chính sách với Trung Quốc.

Bài báo viết: “Cách đây nửa tháng, trong một tuyên bố liên quan đến Trung Quốc, ông Marcos tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời nỗ lực nâng quan hệ Trung Quốc – Philippines lên một tầm cao mới. Khi đó, ông đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc đối với đề xuất thực hiện chính sách đối ngoại độc lập của Philippines, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành tham vấn toàn diện với Trung Quốc về việc nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Philippines trong tương lai.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Marcos cũng nói ông không muốn thấy những tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ vì Philippines; vì vậy, khi có mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines, ông sẽ không chọn cách yêu cầu Mỹ giúp đỡ. Về vấn đề Biển Đông, Marcos có thể sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Duterte là không công nhận hiệu lực của “Vụ kiện Trọng tài Biển Đông”, và có kế hoạch đạt được một hiệp nghị song phương với Trung Quốc để có được một tình huống đôi bên cùng có lợi và cùng thắng.

Tuy nhiên, trong chưa đầy một tháng, thái độ của tân Tổng thống Marcos đối với Trung Quốc đã có một sự thay đổi lớn như vậy, nguyên nhân đằng sau rất đáng để xem xét. Trên thực tế, Marcos không phải là “phe thân Trung Quốc” kiên định. Dù trong quá trình tranh cử hay sau khi thắng cử, những lời nói và việc làm của ông đều phục vụ lợi ích chính trị của chính ông và lợi ích quốc gia của Philippines.

Với tư cách là đồng minh của Mỹ, Philippines không thể hoàn toàn ngả theo Trung Quốc, việc Philippines có thể thu được lợi ích kinh tế và thương mại dồi dào từ Trung Quốc cũng khiến lãnh đạo nước này cần có quan hệ tốt với Trung Quốc. Đi qua đi lại giữa Trung Quốc và Mỹ để tối đa hóa lợi ích mới là điểm tựa chính trong chiến lược đối ngoại của Philippines.

Một loạt các hành động gần đây của chính phủ Philippines đều xoay quanh điểm tựa này. Sau khi Marcos đắc cử, ông liên tục thể hiện thiện chí đối với Trung Quốc, đồng thời Philippines cũng tham gia vào hai tổ chức mà Bắc Kinh cho là “chống Trung Quốc” do Mỹ đứng đầu là “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” (IPEF) và “Quy tắc bảo mật xuyên biên giới” (Cross-border Privacy Rules System, CBPR), nhằm giúp các nước phương Tây kiềm chế Trung Quốc về kinh tế và an toàn thông tin. Để không kích động quá mức Trung Quốc, Philippines về cơ bản đã không đưa ra những phát biểu quá khích về vấn đề chống Trung Quốc khi tham gia vào các tổ chức chống Trung Quốc do Mỹ đứng đầu.

Tất nhiên, một nước nhỏ duy trì sự cân bằng mong manh giữa các nước lớn, điều này đòi hỏi các chính trị gia phải có kiến ​​thức chính trị cao. Thái độ cứng rắn của Marcos đối với vấn đề Biển Đông bộc lộ sự khiếm khuyết của ông, vì vấn đề Biển Đông rất quan trọng đối với Philippines, Trung Quốc lại không nhượng bộ, hai bên có thể thực hiện “cùng thắng” theo mô thức “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ông Marcos hoàn toàn không cần phải khơi lại vụ kiện trọng tài Biển Đông nhằm đạt được một mục đích nhất định bằng cách gay gắt với Trung Quốc. Ông ta cần hiểu rằng, bất cứ lời lẽ hay việc làm nào định phá vỡ cân bằng trong vấn đề Biển Đông đều gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Chỉ một ngày sau khi ông Marcos đưa ra những nhận xét cứng rắn về Trung Quốc, trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo từ 8 giờ đến 13 giờ ngày 28/5, Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại một số vùng biển của Biển Đông, cấm máy bay và tàu biển đi vào. Năm 2016, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã đến Biển Đông để gây áp lực buộc Trung Quốc công nhận vụ trọng tài Biển Đông, kết cục thất bại. Nay ông Marcos nêu lại vụ kiện này, liệu có tàu sân bay Mỹ dám đến ủng hộ ông ta?”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã chính thức lên tiếng. Theo QQ, trước cam kết của ông Marcos trong việc bảo vệ phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông, ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trực tiếp tuyên bố quan điểm của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông không thay đổi và vụ kiện trọng tài Biển Đông không có hiệu lực. Uông Văn Bân cũng nhấn mạnh “Trung Quốc và Philippines là hai nước láng giềng hữu nghị, hai nước đã thiết lập cơ chế liên lạc và tham vấn để giải quyết các khác biệt liên quan; hai bên sẽ xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực”.

QQ bình luận: Sự bất đồng giữa các quốc gia là khó tránh khỏi. Trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng thắng, giữa hai quốc gia có không gian rộng để biến khủng hoảng thành cơ hội. Trong quá trình này, cần cảnh giác sự bất đồng bình thường giữa các nước trong khu vực đang bị các quốc gia, thế lực có động cơ xấu bên ngoài khu vực lợi dụng, biến thành cái cớ để can thiệp vào tình hình khu vực và tìm kiếm bành trướng bá quyền. Mỹ chính là chuyên gia trong việc tạo ra các cuộc khủng hoảng, tìm cách can thiệp và thu lợi, ông Marcos nên thể hiện đầy đủ sự tỉnh táo, đề phòng Mỹ thừa cơ nhúng tay vào.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới