Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế tư nhân vẫn là động lực…? 

Kinh tế tư nhân vẫn là động lực…? 

Việc khởi tố, bắt giam một số doanh nhân thời gian gần đây dường như đang tạo ra hiệu ứng lo ngại cho thị trường và nhà đầu tư. Nhưng một vài đơn vị không thể đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance có cuộc trò chuyện với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Gần đây, một số doanh nhân nổi tiếng như: Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn… vướng vào lao lý. Là người nhiều năm gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông có suy nghĩ gì?

TS Vũ Tiến Lộc: Đây là một vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, của môi trường kinh doanh hiện nay, nhưng đó không phải là bức tranh hay hình ảnh chung của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, vì vậy xã hội và nhà nước nên có một cái nhìn công bằng. Pháp luật phải nghiêm minh với những doanh nghiệp làm ăn sai trái, nhưng công luận và xã hội cần phải công bằng và bao dung với đội ngũ doanh nhân thì tinh thần khởi nghiệp mới được thúc đẩy. Nếu coi doanh nhân là “con ma, con hủi” thì chắc chắn đất nước không thể phát triển được.

Do đó, ở bình diện chung, tôi vẫn muốn nhận quan điểm rằng dù là hiện tại hay tương lai, kinh tế tư nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế. Trong suốt hành trình Đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã có đóng góp xứng đáng, đưa hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo và đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình. Các hiện tượng như FLC hay Tân Hoàng Minh… là những hiện tượng đau lòng nhưng chỉ là cá biệt.

Nhưng ít nhiều, các vụ việc này cũng sẽ có tác động tới thị trường. Ông có cho rằng, vụ việc này sẽ khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại trước các quyết định đầu tư không?

Đúng là như vậy! Thực tế cho thấy, hiện nay, đang có xu thế chững lại, không dám làm. Ngay những việc đúng, ích nước, lợi dân nhưng quy định pháp luật chưa có phép hoặc còn chồng chéo thì ở cả doanh nghiệp và cán bộ công chức cũng không dám làm. Sợ sai là tâm lý phổ biến. Đây cũng là lý do đầu tư công khó giải ngân, nhiều dự án dậm chân tại chỗ, bất động sản tăng giá vì thiếu nguồn cung… Gỡ được thể chế là gỡ được tất cả, nếu không thì đôn đốc đến mấy cũng không ai dám làm.

Doanh nghiệp kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công, sẽ có những lúc thất bại, vậy nên cần đối xử với làm sao để họ thấy họ luôn được hỗ trợ, được ủng hộ. Khi doanh nghiệp khó khăn, họ cũng cần được chia sẻ, tất nhiên trên tinh thần tuân thủ nghiêm pháp luật. Vừa qua, chứng khoán, bất động sản tăng nóng cũng là một biểu hiện của tâm lý thích đầu cơ thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh dài hạn, đó là vì doanh nghiệp sợ rủi ro. Do đó, để thu hút nguồn lực vào sản xuất kinh doanh thì người đầu tư cần có niềm tin vào thị trường. Sự suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, chứ không hẳn là tốc độ tăng trưởng.

Trên thực tế, nhiều ý kiến nói có những doanh nghiệp là “sân sau” của quan chức nên mới được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi không tán đồng với cách tiếp cận vấn đề tiêu cực như vậy. Thực tế, có thể có tình trạng một số quan chức bắt tay với doanh nghiệp sân sau tạo ra các nhóm lợi ích”. Và hậu quả “nhóm lợi ích” gây ra, không dừng lại ở những mất mát mà còn đưa đất nước và chế độ đứng trước những nguy cơ, hậu quả khôn lường. Nhưng đó không phải là tất cả, không thể dựa vào một hoặc một số trường hợp không rõ ràng để kết luận cho tất cả.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng sân sau? Làm thế nào để công cuộc phòng chống tham nhũng khu vực tư trở nên hiệu quả? Làm thế nào để người tài không trở thành “củi”?

Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm phải tập trung cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng thì mới có thể chống tham nhũng từ gốc rễ. Bên cạnh đó, cần cải cách tiền lương cho toàn bộ cán bộ công chức để họ có thể sống được tiền lương. Điều đó sẽ giúp họ đề cao trách nhiệm của mình trong công việc.

Ngoài ra, trong việc tập trung chống tham nhũng, bên cạnh việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, thì cũng phải bảo vệ được các cán bộ dám nghĩ dám làm.

  • Theo ông, đâu sẽ là những trọng tâm về cải cách thể chế trong thời gian tới?

Giải pháp phòng chống tham nhũng lâu dài là tập trung cải cách thể chế, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ cho sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, của thị trường.

Trước tiên, về thể chế chung, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó là tiếp tục xoá bỏ những chồng chéo trong hệ thống pháp luật kinh doanh, khơi thông dòng chảy cải cách, tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

Với thị trường tài chính – bất động sản, thời gian tới, những vấn đề về thể chế cần phải điều chỉnh là: kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường quản lý tốt hơn về thị trường chứng khoán… nhưng đừng bóp nghẹt thị trường. Chính phủ cần điều chỉnh không giật cục, tạo điều kiện hạ cánh mềm, để cân bằng, ổn định.

Ông đã nhắc tới thị trường bất động sản như một điển hình cần điều chỉnh, vậy theo ông, làm thế nào để thị trường bất động sản có thể phát triển lành mạnh?

Mục tiêu của nhà nước là xây dựng thị trường bất động sản bền vững, an toàn nhưng bối cảnh hiện nay, không có sự an toàn tuyệt đối mà chỉ có thể tuân theo phương thức quản trị rủi ro. Quan điểm này sẽ giúp chúng ta có định hướng để đưa ra biện pháp cụ thể.

Về quản lý nhà nước, cần tăng cường quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, có cơ chế điều tiết phù hợp, sửa đổi các luật liên quan, tăng cường minh bạch thị trường, xây dựng ngay pháp lý bất động sản kiểu mới cùng các thiết chế tài chính phi ngân hàng khác…; tạo điều kiện thúc đẩy, bổ sung và cụ thể hóa các loại hình bất động sản mới; xếp hạng tín nhiệm, duy trì kỷ luật với các doanh nghiệp bất động sản phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần đề cao các chuẩn mực, đề cao trách nhiệm xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao khả năng quản trị, nâng cao tầm vóc. Các hiệp hội trở thành định chế quan trọng cùng với quản lý nhà nước góp phần nâng cao trình độ doanh nghiệp, nâng cao minh bạch, đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực chuyên môn, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xây dựng nền tảng tư vấn và công khai giao dịch trên nền tảng của hiệp hội. Vai trò của hiệp hội rất quan trọng và cần được đề cao hơn nữa trong thời gian tới.

Cuối cùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị xử lý hình sự sẽ khiến cho hệ thống doanh nghiệp rơi vào khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế, do đó việc bảo vệ các doanh nghiệp là rất quan trọng.

Trên thế giới, khi nhiều doanh nghiệp bị đổ vỡ, Chính phủ sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp. Nhà nước ta chưa làm được như thế thì cũng nên có tổ công tác đặc biệt, ngắn hạn giúp trấn an doanh nghiệp, giúp họ tìm ra giải pháp, bảo vệ nhà đầu tư. Việc xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm thì vẫn nghiêm minh còn việc bảo vệ doanh nghiệp vẫn phải bảo vệ.

  • Về phía doanh nghiệp, lúc này họ nên ứng xử thế nào để vượt qua những khó khăn này?

Thời điểm này là một cuộc thử lửa với doanh nghiệp trước nhiều biến cố dồn dập. Cuộc “thử lửa” với Covid-19 đã rất cam go, nhưng thử thách lần này còn lớn hơn, bởi niềm tin là thứ phải xây dựng rất lâu nhưng mất đi lại rất nhanh chóng. Qua khó khăn lần này, chắc chắn các doanh nghiệp cũng đã ngộ ra nhiều điều hơn, thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh, hướng tới kinh doanh bài bản, ít phiêu lưu hơn, bớt tham vọng làm giàu xổi ngày một ngày hai. Tinh thần khởi nghiệp vẫn phải được thúc đẩy, nhưng phải chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm xã hội và nhân văn hơn. Nói một cách ví von là để chuyển đổi kinh tế xanh thì tấm lòng phải “đỏ”, kinh doanh trong môi trường ảo nhưng đạo đức phải là thật.

Cùng với đó, với doanh nghiệp, việc giữ vững niềm tin vào thị trường và thể chế là điều cực kỳ quan trọng, trên cơ sở đó xây dựng một mô hình kinh doanh mới chuyên nghiệp hơn để thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nhân văn.

Cuối cùng với doanh nghiệp, tôi có 3 điều muốn nói với các doanh nghiệp hiện nay là “nghĩ thật, nói thật, làm thật”, chữ “thật” là trung tâm của động thái của các doanh nghiệp, là điểm tựa để bảo vệ sự thành công của doanh nghiệp và giữ niềm tin của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới