Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngCuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và hồ sơ Biển Đông

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN và hồ sơ Biển Đông

Trong tuyên bố hôm 16/4/2022, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết “Tổng thống Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington D.C vào ngày 12-13/5 tới. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 28-29/3 nhưng đã bị hoãn lại do các nước thành viên ASEAN không nhất trí được về lịch trình, lãnh đạo một số nước thành viên ASEAN không thể tới dự Hội nghị theo đề xuất của Mỹ.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN không thể tổ chức, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Biden có thể xao lãng khu vực Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông trước tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là xung đột quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, thông báo của Nhà Trắng về thời điểm mới tổ chức Hội nghị đã làm tiêu tan mối lo ngại này. Trong phát biểu hôm 16/4, bà Jen Psaki nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của khối này trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực và kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN”.

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, việc Washington công bố lịch trình mới cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN thể hiện sự coi trọng các nước ASEAN của chính quyền Tổng thống Biden. Đây là sự tiếp nối những gì Washington và đích thân ông Biden đã triển khai với ASEAN kể từ khi nhậm chức. Sau 4 năm Tổng thống Mỹ không tham dự các hội nghị với ASEAN, tháng 10/2021, Tổng thống Biden đã tham dự một Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN. Tại cuộc họp thượng đỉnh đó, ông Biden đã công bố các sáng kiến trị giá 102 triệu USD nhằm mở rộng sự can dự của Mỹ đối với ASEAN trong các vấn đề như COVID-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và nhiều vấn đề khác.

Giới quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức đang đặt ra cho cả Mỹ lẫn ASEAN như: (i) căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và xuất hiện những lo ngại về việc khủng hoảng Ukraine có thể tạo tiền lệ xấu cho những hành động phiêu lưu quân sự mới của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trong cạnh tranh Mỹ – Trung; (ii) sự chia rẽ giữa các nước thành viên ASEAN về phản ứng của tổ chức này đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar hậu đảo chính quân sự; (iii) việc ASEAN không “đồng thanh” lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine – một sự tương phản hoàn toàn với việc phương Tây đồng loạt lên án Moskva. Đây cũng chính là những nội dung mà Tổng thống Biden cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN cần thảo luận tìm tiếng nói chung tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Mỹ coi Đông Nam Á là một nhân tố rất quan trọng trong những nỗ lực của Washington nhằm đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong phát biểu hôm 16/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: “Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tác mạnh, đáng tin cậy của Đông Nam Á. Những nguyện vọng chung của chúng ta đối với khu vực sẽ tiếp tục củng cố cam kết chung của chúng ta về việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, an toàn, kết nối và kiên cường”.

Điều đáng chú ý là sau hơn 2 tuần Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng, chính quyền Mỹ đã công bố thời gian mới cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Giới quan sát cho rằng ông Lý Hiển Long đóng vai trò quan trọng thúc đẩy việc Washington sớm lên kế hoạch mới cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN khi nhanh chóng quyết định thăm Mỹ để gặp Tổng thống Biden ngay sau Hội nghị thượng định không tổ chức được vào cuối tháng 3 như dự kiến ban đầu. Xem ra ông Lý Hiển Long đang tranh thủ phát huy vai trò “đầu tàu” thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN-Mỹ.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, giới phân tích nhận định tại Hội nghị, chắc chắn phía Mỹ sẽ tái khẳng định lại lập trường của nước này như đã thể hiện trong công hàm của Mỹ gửi lên Liên hợp quốc và Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ năm 2020 và được làm rõ thêm trong tài liệu nghiên cứu “Ranh giới trên biển” do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 1/2022. Theo đó, Washington nhấn mạnh yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không có căn cứ pháp lý quốc tế; khẳng định Mỹ sẽ đứng về phía các nước ven Biển Đông để bảo vệ cục diện dựa trên pháp lý ở Biển Đông. Về cơ bản quan điểm pháp lý của Mỹ và các nước ven Biển Đông (trừ Trung Quốc) là giống nhau, kể cả đối với phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016.

Theo thời gian biểu mới, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra vài ngày sau cuộc tổng tuyển cử ở Philippines để xác định xem ai sẽ kế nhiệm ông Rodrigo Duterte làm Tổng thống của quốc gia đồng minh quốc phòng lâu năm của Mỹ này. Philippines đang ở tuyến đầu trong tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông. Thế nhưng, trong gần 6 năm cầm quyền, ông Duterte đã tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc bất chấp sự phản đối ngoại giao của Manila về sự xâm phạm của các tàu tuần duyên Trung Quốc và các tàu khác trong vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trong số 10 nước ASEAN thì Philippines và Singapore được coi là 2 nước có nhiều điểm chung gắn kết nhất với Mỹ về an ninh trên Biển Đông, trong đó Philippines là đồng minh theo hiệp ước phòng thủ chung còn Singapore tuy không phải là đồng minh song lại có quan hệ quân sự mật thiết nhất với Mỹ trong các nước ASEAN (căn cứ Changi của Singapore là nơi Mỹ triển khai luân phiên tàu tác chiến ven biển và máy bay giám sát P-8 Poseidon tại Biển Đông; cũng là nước duy nhất trong ASEAN được trang bị máy bay chiến đấu F-35).

Giới chuyên gia cho rằng hai nước này sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong ASEAN giúp Mỹ can dự sâu thêm vào Biển Đông trong chiến lược kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ có thể qua Hội nghị thượng đỉnh lần này để đưa ra những thông điệp với chính quyền mới của hai nước định hướng cho hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Mỹ và 2 nước này cũng như giữa Mỹ-ASEAN để ứng phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Việc cùng Philippines tổ chức tập trận với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua là một động thái cụ thể về sự tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng giữa Washington và Manila và nhằm phát đi một tín hiệu cho chính phủ mới ở Philippines.

Hai là, khía cạnh hợp tác kinh tế, một vấn đề được các nước ASEAN quan tâm hàng đầu trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh lần này không chỉ đáp ứng nhu cầu của Washington trong việc khôi phục và tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN thông qua các biện pháp tổng hợp kể từ khi chính quyền Biden “trở lại” Đông Nam Á, mà còn phù hợp với kỳ vọng này của các nước ASEAN.

Giới phân tích nhận định khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mà chính quyền Mỹ đưa ra trong chiến lược khu vực hôm 11/02/2022 nhằm sử dụng ASEAN như một bước đột phá để bao vây Trung Quốc. Đây là điều cần thiết giúp các nước từng bước giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ở khu vực. Trong đại dịch Covid-19, thương mại của Trung Quốc với ASEAN lại có xu hướng tăng trưởng ngược lại (năm 2021 tăng 28,1% so với năm 2020). Nếu chính quyền Biden không có những bước đi quyết liệt trong lĩnh vực kinh tế thì các nước ASEAN sẽ lại càng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần này có thể là chỉ dấu về một kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ-ASEAN. Theo đó, chính quyền Washington, tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh một số cơ chế khác trong khu vực như nhóm “Bộ Tứ”, liên minh AUKUS… ra đời trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển. Theo một số nguồn tin, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này ASEAN sẽ được trao quy chế Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ, điều sẽ thể hiện sự đánh giá cao của khối đối với việc chính quyền Biden tăng cường can dự và cam kết với ASEAN cũng như kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai bên.

Chiến lược của Mỹ đối với khu vực, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN nhận được sự hoan nghênh của chính phủ nhiều nước và hầu hết người dân trong khu vực. Theo kết quả một cuộc khảo sát, sự ủng hộ của những người được hỏi ở các nước ASEAN đối với sự gia tăng ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Mỹ trong khu vực đã tăng từ 52,1% trong năm 2021 lên 62,6% vào năm 2022.

Điều đáng lưu ý là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN được tổ chức ngay trước cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần thứ 2 của nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) dự kiến diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 5/2022. Giới quan sát nhận định chắc chắn có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai diễn đàn này trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN là một cấu thành quan trọng.  Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang ở giữa quá trình thay đổi mạnh mẽ và một cuộc chiến lớn ở châu Âu. Cả hai bên cần gặp gỡ trực tiếp để định hình lại mối quan hệ giữa hai bên thích ứng với tình hình mới. Kết quả Hội nghị thượng đỉnh thành công đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chỉ riêng việc Mỹ cùng các nước ASEAN nỗ lực để tổ chức được cuộc họp đặc biệt này đã gửi tới Bắc Kinh một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Mỹ cùng các nước ASEAN thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực, trong đó có việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Quoc Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới