Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột ván cờ hòa

Một ván cờ hòa

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc- một quốc gia châu Á- đã chủ trì cuộc họp với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương. Thật chẳng theo một mô hình “đa phương” nào hết. Nhưng sáng kiến này của Trung Quốc đã không thành công.

Thật ra đây chỉ là một động thái nhằm kết nối các quốc gia đặc thù trên “vành đai” biển. Mục đích của Bắc Kinh như tuyên bố là mong muốn giúp đỡ các nước này về kinh tế và an ninh, để tiếp thêm sức mạnh cho họ. Thế nhưng cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao được coi là bước khởi đầu đã kết thúc chóng vánh và tẻ nhạt.

Hôm 30/5, Hãng Reuters cho hay, Trung Quốc và các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã khởi động và kết thúc một hội nghị và đã không thể đạt được đồng thuận về hiệp ước an ninh. Cuộc họp diễn ra tại Fiji – một đảo quốc gồm 322 đảo, tại châu Đại Dương, thuộc phía nam Thái Bình Dương, phía đông Vanuatu, phía tây Tonga và phía nam Tuvalu. Các nước tham gia gồm: Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu.

Trong khi các vị ngoại trưởng ngơ ngác hỏi nhau, rằng chúng ta đến đây để làm gì? Đây có phải là một liên minh kiểu mới hay không? Sắp tới sẽ hình thành một tổ chức quốc tế nào không? Tại sao Trung Quốc lại là nước đứng ra nhóm họp?… thì ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã giải thích rất đơn giản. Ông Vương nói: “Các bạn không nên “quá lo lắng” về mục đích hội nghị. Đây chỉ là cuộc gặp mặt bình thường giữa các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc”.

Thật ra thì không đơn giản như thế! Căn cứ vào dự thảo chung và kế hoạch hành động 5 năm mà Trung Quốc gửi tới các quốc đảo cho thấy Bắc Kinh muốn tìm kiếm một thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực.

Mặc dù diễn ra tẻ nhạt nhưng ông Vương Nghị cho rằng: các quốc đảo đã nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác, có điều cần thảo luận sâu sắc thêm để tạo ra sự đồng thuận cao hơn. Trong 5 lĩnh vực có vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Lĩnh vực an ninh chưa được nhắc tới lần này.

Phát biểu với các nhà báo tại Fiji, ông Vương nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ công bố lập trường riêng và những đề xuất hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận, tham vấn sâu và liên tục để hình thành sự đồng thuận hơn trong hợp tác”.

Về động cơ của Trung Quốc khi ngày càng với tay dài hơn tới các quốc đảo Thái Bình Dương, ông Vương tỏ ra “thiện chí”. Rằng, Trung Quốc muốn hỗ trợ cả các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và vùng Caribbe. Ông có lời “khuyên”: “Các bạn đừng quá lo lắng và cũng đừng quá căng thẳng vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc, cũng như tất cả các nước đang phát triển khác. Chúng ta chỉ có một mục đích là tiến tới sự hòa hợp, công bằng và tiến bộ hơn của toàn thế giới”.

Nói thế khác nào Trung Quốc đã là “vua” của thế giới rồi. Mấy quốc đảo nhỏ bé, nghèo nàn ở Thái Bình Dương nhằm nhò gì?

Sau hội nghị, các quan chức Trung Quốc buộc phải thừa nhận đã không thuyết phục được các quốc đảo khu vực này ký một thỏa thuận chung. Tại Suva, ngoại trưởng Vương Nghị cố vớt vát thể diện. Ông này nói, 10 quốc đảo đã nhất trí về một hiệp định khung cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở Trung Quốc trong khuôn khổ dự án “Một vành đai, một con đường”. Văn kiện này sẽ được công bố trong những tuần tới.

Hội nghị tại Fiji lần này là thêm một nước cờ của Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Nhưng coi như một ván cờ hòa. Trước đó Bắc Kinh đã có tính toán riêng với từng nước. Hồi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon, sát bên cạnh nước Úc. Thỏa thuận với Salomon là cách để Bắc Kinh cắm chân về quân sự ở trong khu vực.

Khi Bắc Kinh ngày càng bành trướng tới các khu vực trên thế giới, Mỹ và các nước phương Tây hết sức quan ngại. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương hãy thận trọng, chớ nên có các thỏa thuận “mập mờ” với Trung Quốc.

Còn mấy nước ở sát nách Trung Quốc và khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông thì quá rõ chân tướng Bắc Kinh. Muốn hòa bình, hữu nghị, hòa hợp, công bằng thì hãy tử tế ngay với các nước láng giềng đi. Một quốc gia ngang nhiên chiếm đảo của nước khác, gây căng thẳng trên Biển Đông, lại đi rao giảng hòa bình, an ninh ở chân trời góc biển xa xôi.

Qua sự kiện hội nghị tại Fiji đủ thấy các quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương cũng không dễ để Bắc Kinh “xoa đầu”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới