Các chuyên gia quốc tế đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức cho Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ cùng 12 đối tác gần đây công bố khởi động thảo luận?
Trong chuyến công du Đông Bắc Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23.5 đã khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) có sự tham gia thảo luận của 12 đối tác. Các đối tác tham gia thảo luận gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sigapore, Thái Lan, Brunei, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand. Đến ngày 26.5, Mỹ công bố đảo quốc Fiji ở khu vực nam Thái Bình Dương cũng tham gia thảo luận IPEF.
IPEF không phải hiệp ước kinh tế mà là khuôn khổ để thảo luận tiến tới hợp tác. Khuôn khổ này bao gồm 4 trụ cột là: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng. Liên quan khuôn khổ kinh tế này, các chuyên gia quốc tế vừa chia sẻ một số nhận định khi trả lời Thanh Niên.
IPEF cần minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 26.5, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã nêu quan điểm về việc Việt Nam tham gia quá trình thảo luận về IPEF.
Theo đó, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.
Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, và bổ sung cho liên kết kinh tế đã có.