Tuesday, April 23, 2024
Trang chủQuân sựNhững bài học cho chiến tranh hiện đại rút ra sau 100...

Những bài học cho chiến tranh hiện đại rút ra sau 100 ngày chiến sự Nga – Ukraine

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cán mốc ngày thứ 100, The Telegraph đã nhìn lại những tính toán và bước đi của các chiến thuật quân sự, từ việc sử dụng máy bay không người lái đến xe tăng, để rút ra bài học cho chiến tranh hiện đại.

Xe tăng di chuyển trên đường phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk ngày 18/5.

Ngày 24/2, các xe tăng của Nga đã tiến vào Ukraine và các lực lượng tấn công trên không đã đánh chiếm sân bay Hostomel ở phía Bắc của Kiev.

Tổng thống Vladimir Putin hy vọng cuộc tấn công này sẽ là một đòn tấn công chớp nhoáng có thể áp đảo Ukraine, nhưng cho đến nay một cuộc chiến toàn diện đã kéo dài hơn 3 tháng.

Bài học lớn nhất từ cuộc xung đột sẽ chỉ nhìn thấy rõ ràng nhất trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, một số điều “nên làm” và “không nên làm” trong chiến tranh hiện đã xuất hiện sau 100 ngày chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tận dụng lợi thế máy bay không người lái

Được sử dụng nhiều gần đây trong chiến đấu, máy bay không người lái đã nhanh chóng trở thành “đôi mắt trên bầu trời” không thể thiếu trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tại Ukraine, các loại vũ khí được chuyển từ Mỹ, chẳng hạn như máy bay không người lái Switchblade 600 và Phoenix Ghost, đều là vũ khí mang theo máy ảnh và đầu đạn có sức nổ mạnh. Kết hợp cả hai thứ này cho phép người điều khiển theo dõi các mục tiêu ở thực tế và sau đó nhắm mục tiêu từ máy bay không người lái.

Trước đây, người điều khiển máy bay không người lái thường không thể chuyển vị trí chính xác của mục tiêu cho binh sĩ vận hành pháo hoặc các hệ thống vũ khí khác để kịp thời bắn trúng mục tiêu.

Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, máy bay không người lái giờ đây có thể tự động truyền tọa độ chính xác của những gì chúng đang thấy qua hệ thống kỹ thuật số. Điều này nghĩa là ngay cả khi mục tiêu di chuyển, tên lửa dẫn đường chính xác có thể thay đổi quỹ đạo khi bay để đánh trúng mục tiêu.

Máy bay không người lái nhỏ gần như không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy khi bay ở độ cao hơn 152m. Nếu gió không quá lớn, máy bay không người lái có thể thả vũ khí vào các vị trí của đối phương với độ chính xác ổn định.

Không ngủ quên trên chiến thắng

Telegraph nhận định, điều quan trọng trong cuộc chiến là phải có được tầm nhìn và thực hiện những thay đổi căn bản.

Tờ báo này cho rằng, Nga dường như nghĩ vì họ đã thắng ở Syria và bán đảo Crimea, nên sẽ dễ dàng giành chiến thắng ở Ukraine mà không cần thay đổi bất cứ điều gì.

“Nếu từ ‘hy vọng’ xuất hiện trong kế hoạch của bạn bất cứ lúc nào, nghĩa là bạn đã không lên kế hoạch đầy đủ”, Telegraph dẫn lời một chỉ huy cấp cao. Trong cuộc chiến ở Ukraine, Nga có vẻ đã chưa có một kế hoạch đầy đủ.

So với lực lượng hồi năm 2014, quân đội Ukraine hiện nay phần lớn đã được tự tổ chức và phân cấp, giúp họ phản ứng nhanh và linh hoạt hơn.

Thay vì đưa ra một kế hoạch cứng nhắc với các hành động chi tiết sẽ được tiến hành bởi binh lính ở tất cả các cấp, người chỉ huy sẽ đặt ra một nhiệm vụ tổng thể cần đạt được và bất kỳ ràng buộc nào chẳng hạn như ranh giới địa lý hoặc thời gian cần thực hiện các mục tiêu nhất định. Sau đó, các lực lượng trên thực địa tiếp tục thực hiện theo ý muốn.

Đừng “xóa sổ” xe tăng

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy hiệu quả của các loại vũ khí như tên lửa Javelin của Mỹ hay vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) của Anh và Thụy Điển trong việc tiêu diệt xe tăng bằng cách tấn công từ trên cao nhằm vào những vị trí dễ bị tổn thương nhất.

Nhiều người cho rằng xe tăng là một “con khủng long” không còn tác dụng. Tuy nhiên, nếu được bảo vệ đúng cách, xe tăng sẽ vô cùng hữu ích đối với lực lượng quân sự.

Việc triển khai xe chiến đấu hỗ trợ tăng mang biệt danh Terminator (Kẻ hủy diệt), một phương tiện bảo vệ xe tăng được thiết kế đặc biệt, được cho là phản ứng của Nga trước mối đe dọa ngày càng tăng đối với các phương tiện bọc thép. Thiết giáp “Kẻ hủy diệt” đang được sử dụng ở Donbass và giúp cuộc tiến công của Nga ở khu vực này diễn ra nhanh hơn.

Dựa vào tình báo nguồn mở

Việc thu thập thông tin tình báo thường bắt đầu bằng việc thu thập thông tin từ các nguồn công khai, được gọi chung là tình báo nguồn mở hoặc OSINT. OSINT có thể là một công cụ quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, OSINT được thu thập từ các hình ảnh vệ tinh do các công ty thương mại cung cấp, tin tức trên mạng xã hội, hình ảnh từ điện thoại thông minh để giúp thu thập bằng chứng về cuộc chiến.

Theo Wall Street Journal, nếu Nga có vệ tinh của riêng họ, Ukraine cũng sử dụng hình ảnh chụp từ hệ thống vệ tinh thương mại để theo dõi xe tăng và đường di chuyển của lực lượng Moscow.

Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự, các vệ tinh thương mại đã ghi lại hình ảnh lực lượng Nga tập trung ở biên giới Ukraine. Công nghệ phát triển cho phép các vệ tinh có thể chụp ảnh để phát hiện những thay đổi trên mặt đất.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của công dân cũng đóng góp lợi ích đáng kể trong chiến tranh hiện đại bằng việc cung cấp thông tin có thể được chuyển thành thông tin tình báo khi kết hợp với các dữ liệu khác. Thông tin được đưa ra để đánh lạc hướng đối phương và hình ảnh về các cuộc tấn công có thể được đăng tải lên từ nhiều nguồn để hỗ trợ các nhà phân tích xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công bằng tên lửa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới