Hôm 31/05, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này đã triệu tập một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành vi bị cáo buộc là “quấy rối” một tàu nghiên cứu khoa học và ban hành lệnh cấm đánh cá đơn phương đối với một tàu Đài Loan ở Biển Đông.
Theo một hãng thông tấn địa phương Philippines, trong tuyên bố ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết đã triệu tập một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) “quấy rối” tàu RV Legend – một tàu Đài Loan – đang cùng các nhà khoa học Philippines tiến hành nghiên cứu ở vùng biển phía tây Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này đã triệu tập quan chức Trung Quốc hôm 13/4 và vụ việc nói trên diễn ra vào cuối tháng 3 kéo dài tới tháng 4. Sở dĩ Philippines tới bây giờ mới lên tiếng là vì DFA nói họ cần xem xét các báo cáo chi tiết về vụ việc để có động thái ngoại giao thích hợp.
Họ nói thêm, “Bộ Ngoại giao lưu ý rằng chỉ có Lực lượng Tuần duyên Philippines mới có thẩm quyền thực thi pháp luật trên các vùng biển này. Sự hiện diện của các tàu ngoại quốc theo dõi các tuyến đường vừa không liên tục mà còn chóng vánh, đều không phù hợp với Điều 19 của UNCLOS về quyền đi qua vô hại, là đi ngược lại lợi ích của Philippines”.
Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) – thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Hoa Kỳ đưa tin, các tàu Trung Quốc đã thực hiện “3 cuộc tuần tra uy hiếp trong vùng biển của Philippines” kể từ tháng 3/2022.
“Những sự cố này thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc kiểm soát hoạt động hàng hải trong đường chín đoạn và có nguy cơ cao gây ra va chạm trên biển”, tổ chức AMTI cho biết.
Báo cáo này cũng cho biết, “Trong 3 vụ việc riêng lẻ trong 2 tháng qua, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã thách thức các hoạt động nghiên cứu biển và thăm dò hydrocacbon trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông”.
Phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương
Hôm 30/05, Philippines đã đệ trình một thư kiến nghị ngoại giao khác chống lại Trung Quốc, lần này phản đối việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, nơi mà người Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Lệnh cấm đánh bắt này có hiệu lực từ ngày 01/05 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 16/08.
Phía Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, có hiệu lực từ 1/5 và dự kiến kéo dài 3 tháng. Phạm vi lệnh cấm bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila chưa lên tiếng về các cáo buộc của Bộ Ngoại giao Philippines.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố rằng: “[Philippines] đã nhắc lại việc tiếp tục phản đối hành động hàng năm của Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt đối với các khu vực vượt xa các quyền lợi hàng hải hợp pháp của Trung Quốc theo UNCLOS 1982″.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông theo cái mà họ gọi là “đường chín đoạn”. Tòa án Hague đã ra phán quyết có lợi cho Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, phán quyết đó có ít hoặc không có ảnh hưởng đến hành vi của chính quyền Trung Quốc, với việc Bắc Kinh liên tục xâm nhập vào các khu vực lãnh thổ của Manila.
Tuần trước, tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr khẳng định ông sẽ bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền và chống lại hành động xâm lấn của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 26/5, ông Marcos khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng phán quyết Biển Đông năm 2016 để bảo vệ chủ quyền quốc gia và Manila quyết không để mất một tấc đất nào.
Trước đó, ngày 18/5, ông Ferdinand Marcos Jr có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Marcos, sẽ chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 30-6 tới, khẳng định sẽ nâng quan hệ song phương với Trung Quốc lên tầm cao mới.
Trong khi đó, ông Tập khẳng định Trung Quốc là “đối tác của Philippines trong những lúc thịnh vượng và cả khi khó khăn”.
Đầu tháng 5/2022, Lực lượng Tuần duyên Philippines đã đặt 5 phao định vị dài 30 foot (9.1 m) mang quốc kỳ trên 4 hòn đảo — Đảo Lawak, Đảo Likas, Đảo Parola, và Đảo Pag-asa — ở Biển Đông, chỉ rõ các khu vực này là các khu được bảo vệ đặc biệt cấm khai thác và thăm dò dầu khí.
Các quốc gia khác, bao gồm Brunei, Malaysia, Đài Loan, và Việt Nam, cũng có các tuyên bố tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
T.P