Friday, November 15, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSố phận bi thảm của một đại công thần TQ

Số phận bi thảm của một đại công thần TQ

Trong kháng chiến chống Nhật, Phan Hán Niên, một “đặc vụ đỏ”, đã liều chết thâm nhập vào sào huyệt gián điệp của quân Nhật và ngụy, vì ĐCSTQ mà liên Nhật phản Tưởng, bán nước đoạt quyền, lập “công lao lớn”. Thế nhưng, “công thần” ẩn sau chiến tuyến này đã bị tống vào ngục sâu và bị giam cầm đến chết sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền. Tại sao vậy?

“Đặc vụ đỏ” Phan Hán Niên liều chết thâm nhập vào sào huyệt gián điệp của Nhật và ngụy, vì ĐCSTQ mà “liên Nhật phản Tưởng”, bán nước đoạt quyền, lập “công lao lớn”. Thế nhưng, “công thần” ẩn sau chiến tuyến này đã bị ĐCSTQ giam cầm đến chết.

Bắc Kinh khai hội, bí mật tróc nã

Sau khi ĐCSTQ đoạt quyền, Phan Hán Niên đảm nhiệm các chức vụ Phó thị trưởng Thượng Hải, Bộ trưởng Bộ xã hội thành ủy, Trưởng ban công tác Mặt trận Thống nhất và Phó bí thư thành ủy.

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1955, nhà viết kịch nổi tiếng Ngô Tổ Quang và vợ ông Tân Phụng Hà đến Khách sạn Bắc Kinh dự họp, đã gặp Hạ Diễn và Phan Hán Niên, bốn người đã ăn tối cùng nhau. Ăn xong, Hạ Diễn và Phan Hán Niên tự mình trở về phòng khách sạn. Khoảng 8 giờ tối, Phan Hán Niên đột nhiên nhận được một cuộc điện thoại, nói xuống lầu có người tìm.

Phan Hán Niên tưởng có người khác đến thăm nên đi dép lê vội vã xuống lầu. Sau khi bước vào một phòng khách nhỏ, Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là La Thụy Khanh xuất hiện, La tuyên bố lệnh bắt và thẩm tra ngay tại chỗ. Một số cảnh sát mặc thường phục với đạn thật xông lên, “tháp tùng” Phan Hán Niên mau chóng ra khỏi cổng Khách sạn Bắc Kinh, đưa lên một xe ô tô chờ sẵn ở cửa, nhanh chóng rời đi.

Vào thời điểm đó, cuộc họp lần thứ chín của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ nhất của ĐCSTQ đang được tổ chức tại Bắc Kinh. Vào ngày 5 tháng 4, Trần Nghị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã thông báo tại cuộc họp của phái đoàn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Thượng Hải rằng Phan Hán Niên đã bị bắt vì là “nội gián”, hy vọng những đại biểu từng vãng lai với ông ta có thái độ đúng đắn với việc này.

Trần Nghị cũng cho biết: Việc bắt giữ Phan Hán Niên phải được bảo mật nghiêm ngặt và thống nhất. Nếu có ai hỏi, cần nói rằng Phan có công vụ khẩn cấp phải ra nước ngoài.

Tù nhân chính trị đầu tiên của nhà tù Tần Thành bị kết án 15 năm

Vậy, Phan Hán Niên rốt cuộc đã đi đâu? Ngay trong đêm bị bắt, chiếc xe đã đưa ông ta thẳng đến nhà tù Công Đức Lâm trực thuộc Bộ Công an. Tại đây, ông ta đã bị giam cầm gần 5 năm. Vào tháng 3 năm 1960, nhà tù Tần Thành do Liên Xô viện trợ vừa được hoàn thành, và ông ta lại bị chuyển đến đó, trở thành đợt tù nhân chính trị đầu tiên ở Tần Thành.

Vào ngày 9 tháng 1 năm 1963, Pháp viện Tối cao của ĐCSTQ đã tổ chức một phiên tòa bí mật chống lại ông. Trợ lý thẩm phán Bành Thụ Hoa hồi ức lại trong bài báo “Kinh nghiệm thẩm phán vụ án Phan Hán Niên” rằng trước khi thẩm phán đã biết kết quả, bởi vì Tạ Giác Tai, lúc đó là viện trưởng Pháp viện tối cao, nói, “Đây là vụ án do chính quyền trung ương bàn giao, chúng ta chỉ hoàn thiện các thủ tục pháp lý.” Cũng chính là, nó chỉ là một bước đi qua quy trình pháp lý.

Phan Hán Niên bị buộc 3 tội danh: nội gián, đặc vụ, phản cách mạng

Bành Thụ Hoa nói: “Vào lúc đó, chúng tôi nghe nói rằng những người bên trên đã làm một số công tác tư tưởng cho Phan Hán Niên, nói với ông ta rằng, chỉ cần ông ta nhận tội và chịu kết án tù, ông ta sẽ được thả. Đây là lý do tại sao Phan Hán Niên thú nhận tội của mình sau này trong phiên tòa xét xử.”

Một tháng sau phiên tòa, Phan được tạm tha, và được chuyển đến nông trường cải tạo lao động Đoàn Hà, ở quận Đại Hưng, ngoại ô phía nam Bắc Kinh, với thân phận là “phần tử quản chế hình thích”.

Bị kết án tù chung thân trong Cách mạng Văn hóa

Ngày 16/5/1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ là Tạ Phú Trị lại bắt cả hai vợ chồng Phan Hán Niên vào nhà tù Tần Thành theo lệnh của Giang Thanh, tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa trung ương và là vợ của Mao Trạch Đông. Trong ba tháng, Phan Hán Niên đã bị thẩm tra 47 lần. Hơn một tháng sau, để thẩm vấn Phan về “tội hành” của ông sau khi ĐCSTQ nắm chính quyền, ông đã bị tổ chuyên án “tác chiến liên tục” 41 lần trong 38 ngày.

Sau gần ba năm thẩm vấn và điều tra quy mô lớn, tổ chuyên án vẫn chưa phát hiện tài liệu mới nào. Trước tình hình đó, ngày 3 tháng 7 năm 1970, tổ chuyên án đã trình báo cáo “thẩm tra tội hành” và “tuyên án” lên tiểu tổ Cách mạng Văn hóa trung ương, đề nghị Phan Hán Niên “bị khai trừ vĩnh viễn khỏi đảng, bị kết án tù chung thân, và bị tước đoạt các quyền lợi chính trị suốt đời”. Sau khi báo cáo này được Giang Thanh chuyển cho Mao Trạch Đông, Mao đã đồng ý.

Vào tháng 5 năm 1975, Phan Hán Niên và vợ, hai người đã ở trong nhà tù Tần Thành hơn tám năm, bị áp giải đến đơn vị cải tạo lao động thứ ba thuộc Sở Công an tỉnh Hồ Nam – Nông trường chè Hoàng Giang ở huyện Trà Lăng. Do không được điều trị y tế và chế độ dinh dưỡng kém, Phan Hán Niên, người đã gần 70 tuổi, nhanh chóng mắc bệnh gan, viêm khớp dạng thấp, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng phổi và các bệnh khác.

Cuối tháng 2 năm 1977, ông phải nằm liệt giường và được đưa đến Bệnh viện trực thuộc tỉnh Hồ Nam với hóa danh “Tiêu Thục An” để điều trị. Hơn một tháng sau, vào ngày 14 tháng 4, Phan Hán Niên qua đời ở tuổi 71.

Lý do thực sự khiến Phan Hán Niên bị cầm tù đến chết là gì?

Thứ nhất, phụng mệnh Mao câu kết với quân xâm lược Nhật Bản.

Viễn Đẳng Dự, giáo sư tại Đại học Phúc lợi Tokyo, đã viết cuốn sách “Chân tướng Mao Trạch Đông câu kết với quân Nhật” dựa trên tài liệu lưu trữ đã được giải mật của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và hồi ký của các điệp viên Nhật Bản. Cuốn sách đã dẫn những bằng chứng minh xác và tiết lộ nhiều thông tin nội bộ lịch sử, bao gồm cả việc ĐCSTQ phái đặc công cao cấp Phan Hán Niên và những người khác, chủ động liên hệ với cơ quan gián điệp của Bộ ngoại giao Nhật tại Thượng Hải và cơ quan gián điệp của Tổng bộ tham mưu của quân Nhật tại Nam Kinh, cùng những cơ quan này trao đổi thông tin tình báo, âm mưu làm suy yếu quân đội quốc gia kháng Nhật của Tưởng Giới Thạch, ký một hiệp định đình chiến với quân đội Nhật, v.v.

Trong Kháng chiến chống Nhật, Cố Tuyết Ung, cựu phóng viên của “Thông tấn xã Trung Quốc”, đã viết trong bài báo “Viên Thù – ‘đặc vụ 5 bên’ của ĐCSTQ mà tôi biết” vào năm 1939, rằng Phan Hán Niên gặp đặc vụ Bộ ngoại giao Nhật Iwai Eiichi, cùng với một đặc vụ khác của ĐCSTQ là Viên Thù, đến Nam Kinh diện kiến Yingzuo Zhenzhao, người đứng đầu “Cơ quan Mai”.

Iwai và Yingzuo biết Phan Hán Niên không phải là sĩ quan tình báo bình thường, mà là “đặc phái viên của Mao Trạch Đông”, nên họ đặc biệt chú ý đến ông ta, không chỉ cấp cho ông ta một giấy thông hành đặc biệt, yêu cầu ông ta dùng hóa danh “Hồ Việt Minh”, mà còn cấp cho ông ta kinh phí hoạt động lớn hàng tháng từ “Dinh Iwai”. Quân Nhật thậm chí còn đặt một phòng cho ông ta ở tại khách sạn Hối Trung, khách sạn cao cấp nhất ở Thượng Hải lúc bấy giờ.

Theo loạt bài “Giải mật quân sự” do “Mạng quân sự Trung Quốc” đăng vào năm 2016, sau khi cơ quan gián điệp Nhật Bản tổ chức tiệc chiêu đãi Phan Hán Niên, hai bên đã hội đàm trong ba ngày, đạt được thỏa thuận ngầm quan trọng, và viết một bản kỷ yếu hội đàm. Nội dung chính là: quân đội Nhật Bản và quân đội ĐCSTQ đình chỉ hết thảy hành động quân sự, cùng tồn tại hòa bình với nhau; ĐCSTQ có trách nhiệm bảo vệ an toàn giao thông đường sắt và không để bị phá hoại; ĐCSTQ có thể đến các khu vực Nhật Bản chiếm đóng để mua vật liệu chiến lược; quân đội Nhật Bản đình chỉ cuộc phong tỏa sông Dương Tử đối với ĐCSTQ, nhân viên và vật liệu của ĐCSTQ có thể qua lại thuận lợi trên cả hai bờ sông Dương Tử, v.v.

Những thỏa thuận ngầm này đã giúp ích rất nhiều cho cả quân đội Nhật Bản và ĐCSTQ: quân đội Nhật Bản không còn bị quân ĐCSTQ đe dọa, và có thể triển khai một số lượng lớn quân tấn công quân Quốc dân đảng ở phía tây nam, đặt cơ sở cho việc lật đổ Chính phủ Quốc gia.

Lý do thứ hai khiến Phan Hán Niên bị cầm tù đến chết là vì ông ta phụng mệnh đến diện kiến Uông Tinh Vệ.

Trong cuộc kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược, Uông Tinh Vệ, kẻ đầu hàng quân Nhật, đã thành lập chính phủ bù nhìn ở Nam Kinh, và Phan Hán Niên đã đến diện kiến ông ta hai lần.

Lần đầu tiên, sau khi ông ta đến Nam Kinh để gặp người đứng đầu “Cơ quan Mai”, Ying Zuo, ông ta đã gặp Uông Tinh Vệ thông qua Ying Zuo. Danh tính công khai của Ying Zuo là cố vấn quân sự hàng đầu của Uông Tinh Vệ. Về sự việc này, điệp viên Nhật Bản Eiichi Iwai đã ghi lại một cách chi tiết trong cuốn hồi ký “Hồi tưởng về Thượng Hải”.

Lần thứ hai là vào năm 1943, Phan Hán Niên gặp Uông Tinh Vệ, đi cùng với Lý Sĩ Quần, cảnh sát trưởng của chế độ bù nhìn Uông Tinh Vệ. Số 76 đường Jisfeier, Thượng Hải là trụ sở của cơ quan mật vụ của ngụy quyền Uông do Lý Sĩ Quần trực tiếp chỉ huy. Phan Hán Niên cũng có liên hệ với cơ quan đặc vụ này. Trong những năm 1940, ông ta và Lý Sĩ Quần đã gặp nhau nhiều lần.

Theo hồi ức của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Vương Minh trong cuốn sách “Năm mươi năm của ĐCSTQ”: “Phan Hán Niên là đại biểu do Nhiêu Sấu Thạch căn cứ theo mệnh lệnh của Mao Trạch Đông phái đi đàm phán với quân đội Nhật Bản và Uông Tinh Vệ.”

Phan Hán Niên là dê tế thần của Mao Trạch Đông

Một số quý vị có thể không hiểu, Phan Hán Niên đang “phụng mệnh hành sự”, làm sao ông ta có thể bị chính bản thân tổ chức định tội? Vì Mao Trạch Đông muốn che đậy quyết sách “liên Nhật phản Tưởng” của ông ta, nên để Phan thay mình nhận tội, đồng thời để bịt miệng Phan.

Năm 1962, vụ án Phan Hán Niên được chuyển lên Pháp viện Tối cao để xét xử. Các thẩm phán Đinh Phần và Bành Thụ Hoa, những người chịu trách nhiệm thụ lý vụ án, đã đưa ra tám chất vấn sau khi xem xét tất cả các hồ sơ vụ án. Họ đã báo cáo với Viện trưởng Pháp viện Tối cao Tạ Giác Tai. Tạ nói:

“Vụ án của Phan Hán Niên rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều bí mật trọng đại của chính quyền trung ương. Chính Thủ tướng Chu [Ân Lai] và Khương Sinh là người trực tiếp lãnh đạo công tác của Phan Hán Niên, nhiều sự tình Mao Chủ tịch cũng biết. Việc xử lý đối với Phan Hán Niên là do Trung ương đảng xác định…”

Đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản tại Diên An Vladimirov đã viết trong “Nhật ký Diên An” như sau:

“Tôi vô tình nhìn thấy một bức điện từ Tổng bộ quân số 4 mới. Báo cáo của Tổng bộ xác thực hoàn toàn và rõ ràng rằng, giữa Mao Trạch Đông và Bộ tư lệnh tối cao quân đội Nhật đã bảo trì mối liên hệ trường kỳ… Không nghi ngờ gì rằng bức điện cũng thể hiện minh xác rằng các báo cáo có liên hệ với Bộ tư lệnh quân Nhật là được định kỳ gửi đến Diên An.”

“Trong số các lãnh đạo của ĐCSTQ, chỉ có một số biết chuyện này. Một trong những mật vụ của Mao, có thể nói là luôn gắn với tổng bộ của đại tướng Okamura Neji ở Nam Kinh, bất cứ khi nào cần, ông ta đều có thể nằm dưới sự bảo hộ nghiêm mật của cơ quan phản gián Nhật Bản, có thể đi lại không trở ngại giữa Nam Kinh và trụ sở của Tổng bộ quân số 4 mới.”

Ngoài ra, trong Biên niên sử Mao Trạch Đông do Văn phòng Nghiên cứu Văn học thuộc Trung ương ĐCSTQ chủ biên, có hơn 30 ghi chép về việc Mao Trạch Đông gọi điện thoại cho Phan Hán Niên.

La Thanh Trường, cựu Trưởng ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã viết trong “Bối cảnh lịch sử của vụ án oan của Phan Hán Niên” rằng, khi Chu Ân Lai biết Phan Hán Niên đã có điện báo vãng lai với Trung ương từ năm 1939 đến năm 1948, ông ta đã yêu cầu La Thanh Trường và những người khác thu thập các tài liệu này. La Thanh Trường hồi ức lại: “Theo tài liệu lưu trữ, những công tác mà Phan Hán Niên làm khi đó như xâm nhập nội bộ quân Nhật, lợi dụng Lý Sĩ Quần và những người khác, Trung ương đều biết và hồ sơ lưu trữ đều có ghi chép… Trung ương cũng khẳng định công tác của ông ta.”

Tuy nhiên, điều “khẳng định” này đổi lại được gì? Nếu Phan Hán Niên biết rằng mình chỉ là bị lợi dụng, tương lai sẽ trở thành con dê thế tội, liệu ông ta có còn dám bán mạng làm công tác “đặc vụ đỏ” này không?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới