Saturday, November 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThủ đoạn thao túng chứng khoán ở Việt Nam

Thủ đoạn thao túng chứng khoán ở Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trên thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh…, điển hình là vụ việc của FLC và Louis.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về “Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc…”.

Theo báo cáo, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 – 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỉ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 637.000 tỉ đồng).

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian qua, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ.

Một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá…) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh…

Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện khung pháp lý. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Uỷ ban Chứng khoán, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khóan đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường.

Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới