Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựCuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới gửi thông điệp...

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới gửi thông điệp mạnh mẽ tới TQ

Cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2022 do Mỹ dẫn dắt có sự tham gia của 26 nước, 170 máy bay và hơn 25.000 người. Trung Quốc không được mời tham gia sự kiện này. Giới quan sát nhận định, cuộc tập trận này sẽ là thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ và đồng minh gửi tới Trung Quốc.

Tập trận RIMPAC.

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Á, Trung Quốc đã thử lòng quyết tâm của lãnh đạo mới đắc cử của các đồng minh của Mỹ thông qua các hành động nhằm vào họ ở các vùng biển nhạy cảm.

Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Australia đã tố Trung Quốc ngăn chặn các hoạt động trinh sát ở Biển Đông, dẫn tới “hành động nguy hiểm đe dọa an toàn của máy bay P-8 và phi hành đoàn”. Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, chính quyền của ông “quan ngại sâu sắc về sự cố này”.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines mới đắc cử Ferdinand Marcos Jr đã gửi tín hiệu về một thái độ cương quyết hơn nữa đối với Trung Quốc giữa lúc tình hình Biển Đông căng thẳng. Trong bài phát biểu lớn đầu tiên kể từ khi đắc cử vào tháng trước, ông Marcos Jr nhấn mạnh cam kết của mình giương cao phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông. Ông cam kết không thỏa hiệp quyền lợi của đất nước ở vùng biển tranh chấp.

Trong một động thái được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho các đồng minh khu vực, Mỹ sẽ tổ chức “cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới” theo kế hoạch vào cuối tháng 6 này. Cả Australia và Philippines sẽ cùng hơn 20 nước khác tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) quy mô lớn được tổ chức 2 năm một lần, năm nay dự kiến diễn ra từ 29/6 đến 4/8 ở vùng biển Thái Bình Dương từ quần đảo Hawaii đến Nam California.

Giai đoạn nguy hiểm

Căng thẳng trong vùng biển khu vực đã bước vào giai đoạn mới nguy hiểm. Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc John C Aquilino cảnh báo vào thời điểm trước đó trong năm nay rằng Trung Quốc đã “quân sự hóa” đầy đủ một loạt các thực thể thuộc diện tranh chấp ở Biển Đông, trang bị các thiết bị laser và gây nhiễu, máy bay tiêm kích và hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không cho các thực thể này.

Trung Quốc cũng đang nhanh chóng củng cố một mạng lưới lớn các căn cứ quân sự ở các vùng biển cận kề. Bên cạnh đó, Trung Quốc gần đây cũng đã mở rộng các cuộc tập trận hải quân và triển khai lực lượng bán quân sự trên Biển Đông và những vùng tranh chấp thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Gắn liền với các động thái đơn phương đó là mối đe dọa đối với tự do hàng hải và tự do hàng không.

Thách thức với Australia

Trong vụ việc một chiến đấu cơ Trung Quốc được cho là đã chặn máy bay trinh sát hàng hải P-8 của không quân Australia, Bộ Quốc phòng Australia khẳng định rằng hoạt động trinh sát của họ là “phù hợp với luật quốc tế, thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển và không phận quốc tế”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, chiếc máy bay của Trung Quốc đã bay một cách nguy hiểm sát máy bay của không quân Australia và sau đó thả vật chất gây nhiễu gồm nhiều miếng nhôm nhỏ – các miếng nhôm này đã bị hút vào động cơ của máy bay Australia.

Trong chuyến thăm Perth – thành phố lớn ở cực Tây nước Australia, Thủ tướng Albanese nói với báo giới rằng chính quyền của ông đã gửi các quan ngại của mình “qua các kênh thích hợp” tới Bắc Kinh.

Vụ việc nói trên xảy ra ngay sau một loạt các sự cố khác giữa 2 nước.

Hồi tháng 5, Canberra tố Bắc Kinh triển khai một tàu thu thập tình báo cách một cơ sở quốc phòng nhạy cảm của Australia có 50 hải lý. Hồi tháng 2, Australia phàn nàn về một tàu hải quân Trung Quốc chĩa laser vào một trong các máy bay tuần tra hàng hải của Australia.

Thách thức với Philippines

Philippines – một đồng minh khác của Mỹ, đã tố Trung Quốc triển khai các lực lượng bán quân sự tới các thực thể ở Biển Đông.

Hồi năm 2019, một tàu nghi là của lực lượng dân quân Trung Quốc đã làm đắm một tàu cá Philippines, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của các thuyền viên.

Trước đó cũng trong năm 2022 này, Philippines và Mỹ thực hiện cuộc tập trận song phương Balikatan (Vai kề vai) lớn nhất của hai nước trong thời gian gần đây, với hơn 5.000 quân nhân Mỹ tham gia cùng đối tác Philippines trong hàng loạt nội dung diễn tập. Năm nay, hai nước dự kiến thực hiện thêm hơn 300 hoạt động phòng thủ chung trong bối cảnh Tổng thống Duterte đã kết thúc nhiệm kỳ.

Cũng trong tháng 6 này, Philippines sẽ tham gia cùng Australia và 24 nước cùng quan điểm khác trong cuộc tập trận RIMPAC thứ 28.

Mỹ tiếp tục không mời Trung Quốc

Năm 2018, Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này trong bối cảnh có nhiều quan ngại về động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông – những động thái này bị Lầu Năm Góc coi là “thiếu nhất quán với tinh thần của cuộc tập trận”.

Cuộc tập trận này sẽ do Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức và Tư lệnh Hạm đội 3 của Mỹ chỉ huy dưới quyền chỉ đạo của một tư lệnh Lực lượng Đặc trách kết hợp (CTF).

Chuẩn Đô đốc Christopher Robinson của hải quân Canada sẽ làm Phó Tư lệnh CTF, còn Chuẩn Đô đốc Toshiyuki Hirata của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ làm Phó Tư lệnh thứ 2.

Có tới 25.000 quân nhân, 38 tàu mặt nước, 4 tàu ngầm và hơn 170 máy bay dự kiến tham gia RIMPAC 2022 với chủ đề “Năng lực, Thích ứng, Đối tác”.

RIMPAC 2022 sẽ gồm nhiều nội dung như diễn tập săn ngầm và phòng không cũng như các hoạt động đổ bộ và chống hải tặc, tăng cường tính liên thông và phản ứng chung trước các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thông báo của hải quân Mỹ có đoạn: “Với tư cách là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, RIMPAC cung cấp cơ hội huấn luyện độc nhất vô nhị được thiết kế để nuôi dưỡng và duy trì quan hệ hợp tác cấp thiết đối với việc bảo đảm an toàn các tuyến đường biển và an ninh trên các đại dương liên thông của thế giới”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới