Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau những thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa Nhật...

Đằng sau những thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á

Cùng với việc xem xét đề xuất sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và tăng ngân sách quốc phòng nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, Nhật Bản gần đây đã ký kết các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng với một loạt các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan, cụ thể là:

Tháng 9/2018, Nhật Bản và Malaysia đã ký một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán thiết bị quân sự, chuyển giao công nghệ và các hình thức chia sẻ kiến thức và nâng cao năng lực khác. Thỏa thuận năm 2018 được xây dựng dựa trên Thỏa thuận Đối tác chiến lược năm 2015 trước đó giữa hai nước, theo đó các cuộc thảo luận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng đã được xúc tiến.

Tháng 3/2021, Nhật Bản và Indonesia cũng đã ký một thỏa thuận tương tự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán thiết bị và công nghệ quốc phòng như khinh hạm lớp Mogami 30FFM của Nhật Bản mà Indonesia dự định vận hành, và hợp tác Indonesia-Nhật Bản đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-X sau này.

Tháng 9/2021, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã ký một thỏa thuận cho phép Tokyo bán cho Hà Nội các mặt hàng và thiết bị quốc phòng do nước này sản xuất. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho Việt Nam.

Tháng 4/2022, trong cuộc đối thoại an ninh 2+2 đầu tiên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Philippines, hai bên đã đạt được thỏa thuận về tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng, nhất trí mở rộng việc thực hiện một Thỏa thuận về Tiếp cận hỗ tương nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung và các chuyến thăm qua lại của các lực lượng quốc phòng nhằm đáp trả các yêu sách lãnh thổ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Thỏa thuận đạt được tại cuộc đối thoại an ninh lần này là bước phát triển mới làm sâu sắc thêm các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng đã được ký kết giữa Tokyo và Manila năm 2015 và năm 2020. Thỏa thuận Tiếp cận tương hỗ sẽ nới lỏng việc chuyển giao và cung cấp vũ khí cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa. Hai bên cũng cân nhắc một hiệp ước chia sẻ nguồn cung cho các lực lượng hai bên.

Mới đây nhất, trong chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 02/5/2022, Tokyo và Bangkok đã ký một thỏa thuận về hợp tác quân sự. Tuyên bố chung sau chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận về hợp tác quân sự này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng của hai nước là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương”. Ông Kishida nói rằng Nhật Bản và Thái Lan cũng sẽ quyết định các thiết bị quốc phòng cụ thể để chuyển giao. Tương tự, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng nêu rõ “thỏa thuận sẽ giúp Thái Lan cải thiện năng lực quốc phòng và hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản trong lĩnh vực vốn được coi là một mục tiêu quan trọng của Thái Lan”. Ông Prayut cho biết hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải nâng tầm quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mặc dù, các chi tiết khác của thỏa thuận này không được tiết lộ, song thỏa thuận quốc phòng vừa được ký kết giữa Tokyo và Bangkok sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao phần cứng và công nghệ quốc phòng từ Nhật Bản sang Thái Lan. Có thể thấy việc Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng thời gian qua đã thể hiện nhiều khía cạnh.

Một là, việc ký kết thỏa thuận với Thái Lan hôm 02/5 là bước đi mới nhất của Nhật Bản trong việc tăng cường quan hệ quân sự và an ninh quốc phòng với các nước Đông Nam Á, thể hiện rõ chính sách nhất quán của chính quyền Thủ tướng Kishida trong việc tiếp tục phát huy chính sách của các chính quyền tiền nhiệm đối với Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông.

Nhật Bản không chỉ có lợi ích lớn đối với tuyến đường hàng hải qua Biển Đông mà an ninh ở Biển Đông gắn liền với an ninh của Nhật Bản. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán, gia tăng các hoạt động hung hăng ở cả Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan thì việc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông trong lĩnh vực quốc phòng được coi là bước đi mang tính chiến lược trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Sự can dự ngày càng sâu của Nhật Bản vào Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh khu vực là nhân tố quan trọng để duy trì môi trường ổn định xung quanh của Tokyo.

Hai là, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực, trong đó có Biển Đông ngày càng gay gắt, với tư cách đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản cần có những bước đi mạnh mẽ để phối hợp với các đồng minh khác và đối tác của Mỹ trong khu vực, bao gồm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nhằm tạo mặt trận ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc.

Việc Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á dường như có sự “bật đèn xanh” của Mỹ vì Washington luôn mong muốn các đồng minh chia sẻ trách nhiệm gánh nặng trên các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Rõ ràng việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á giúp các nước này tăng cường năng lực quân sự để ứng phó với Trung Quốc là phù hợp với chiến lược ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Ba là, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự với Nhật Bản cũng là nhu cầu thiết thực của các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông đang chịu nhiều sự bắt nạt và gây hấn từ Trung Quốc. Nhật Bản lâu nay có quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước ASEAN. Đối với các nước ven Biển Đông và ASEAN thì Nhật Bản được xem là đối tác quốc phòng ít nhạy cảm hơn so với Mỹ. Đây là lý do khiến cả Nhật Bản và các nước ven Biển Đông đều tích cực thúc đẩy hợp tác quốc phòng để nâng cao năng lực ứng phó với những mối đe dọa an ninh đến từ Trung Quốc. Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng việc Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á là một yếu tố tích cực trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới