Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngHợp tác giữa Anh- Australia-ASEAN trong an ninh mạng hàng hải ở...

Hợp tác giữa Anh- Australia-ASEAN trong an ninh mạng hàng hải ở khu vực

Trong bối cảnh an ninh hàng hải ở Biển Đông và trong khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức từ những hành vi ngày càng quyết đoán và nguy hiểm của Bắc Kinh nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, tác động tiêu cực đến quyền của các nước trong và ngoài khu vực, các nước đang tìm kiếm các hình thức hợp tác khác nhau nhằm ngăn ngừa mục tiêu này của Trung Quốc.

Trong đó, có việc Anh nỗ lực cùng hợp tác với Australia và ASEAN áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Điều này được phản ánh rõ trong báo cáo của Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) được công bố hôm 31/3/2022 với tựa đề “Hợp tác Anh-Australia-ASEAN vì những vùng biển an toàn hơn: một ví dụ điển hình để nâng cao mối quan hệ an ninh mạng-hàng hải”.

Theo báo cáo nói trên, việc củng cố an ninh mạng và công nghệ trong lĩnh vực an ninh hàng hải được xác định là những ưu tiên đối với hợp tác giữa Anh-Australia-ASEAN. Đây là một lĩnh vực gia tăng giá trị dựa trên thế mạnh của Vương quốc Anh và Australia và là một phần trong chính sách “xoay trục” sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Vương quốc Anh, thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, trong “Bản đánh giá tổng thể chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại” chính phủ Anh nêu rõ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng trong thập kỷ tới, đồng thời cho rằng sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra trong vấn đề “quân sự hóa khu vực, những căng thẳng hàng hải cũng như tranh cãi xung quanh các quy tắc và thông lệ liên quan đến thương mại và công nghệ”.

Vì vậy, việc can dự chặt chẽ hơn với các nước ASEAN là một phần thiết yếu trong chiến lược theo đuổi vị thế đưa nước Anh trở thành một nhân tố toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược.

Sau Brexit, nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 01/2022, với xây dựng “nước Anh toàn cầu” chính phủ của Thủ tướng Boris Jonhson đã chuyển hướng chiến lược “xoay trục” sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Năm 2021, London đã trở thành đối tác đối thoại mới nhất của ASEAN (Australia là đối tác đầu tiên vào năm 1974) và cũng trong năm 2021 Vương quốc Anh đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tiến vào Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được gọi là “Chiến dịch Fortis” với việc triển khai quân lớn nhất của Anh tới châu Á kể từ khi London trao trả Hong Kong về Trung Quốc hồi năm 1997.

Thỏa thuận An ninh 3 bên Anh-Mỹ-Australia (AUKUS) được công bố tháng 9/2021, cho thấy Anh đang quyết tâm hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình.

Thứ hai, với sự phát triển năng động của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công nghệ kỹ thuật số 4.0 đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, bao gồm an ninh hàng hải. Tuy nhiên, danh sách các sự cố mạng ảnh hưởng đến an ninh hàng hải vẫn gia tăng đều đặn, dù không quá nhanh, trong đó bao gồm sự trục trặc của các hệ thống kiểm soát quan trọng, các vụ xâm nhập dữ liệu nhạy cảm, thao túng các hệ thống để tạo điều kiện cho nạn buôn lậu xảy ra mà không bị phát hiện, gián điệp thương mại và quân sự, giả mạo hệ thống định vị và các thao tác truyền tin để nhận dạng.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do vấn đề an ninh mạng lại đang bị tụt hậu so với yêu cầu của các quy trình số hóa và tự động hóa trong ngành hàng hải.  Bàn đạp đầu tiên để đạt được năng lực bảo mật không gian mạng là tiếp cập vào các nguồn lực ứng phó sự cố. Một số sáng kiến đã được triển khai, bao gồm các sáng kiến của giới chức phụ trách cảng biển và các công ty an ninh mạng chuyên về hàng hải của Singapore, nhưng nhìn chung những nỗ lực này chỉ là muối bỏ bể do cường độ hoạt động hàng hải của Đông Nam Á rất rộng lớn nhưng lại thiếu một cách tiếp cận toàn ngành và toàn khu vực, cũng như thiếu sự lĩnh hội đầy đủ về rủi ro.

Nếu không tính đến các rủi ro, thì các công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới nổi đang mang đến cho các ngành công nghiệp hàng hải tiềm năng to lớn. Quyền truy cập vào “dữ liệu hàng hải lớn”, kết hợp với các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, sẽ giúp đưa ra các quyết định về các lộ trình hiệu quả nhất; dự báo chính xác và đáng tin cậy về các chuyến tàu đến theo đúng lịch trình; cập bến, xuống tàu, chuyển hàng và chất lại hàng; và bảo hiểm rủi ro liên quan đến các vấn đề bảo trì và tai nạn.

Dự án Verumar tại Philippines đã xác định 9 nhóm công nghệ đang phá hoại hoạt động đánh bắt cá truyền thống và các hoạt động kinh tế biển khác. Việc thu thập và phân tích dữ liệu khí tượng, hải văn và thủy văn đang tạo điều kiện cho các nỗ lực hỗ trợ hoạt động đánh bắt có trách nhiệm và chống đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định; theo dõi vấn đề ô nhiễm hàng hải; và giám sát các nguồn tài nguyên kinh tế biển và đa dạng sinh học.

Nhận thức rõ nhu cầu cấp bách của khu vực trong nâng cấp hệ thống quản trị mạng để bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trên các vùng biển, Vương quốc Anh đã quyết định cùng với Australia tận dụng ưu thế trong lĩnh vực này để “dấn thân” sâu thêm vào các vấn đề an ninh trên biển ở khu vực và ASEAN được coi là đối tác quan trọng để họ triển khai. Đây là lý do cả Anh và Astralia triển khai hợp tác cùng với ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng hàng hải.

Thứ ba, việc tăng cường các năng lực nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số phục vụ những lợi ích chung của Anh-Australia-ASEAN và các ngành công nghiệp tương ứng của họ. Anh và Australia sẽ có điều kiện tốt hơn để đảm nhận trách nhiệm thiết lập tiêu chuẩn trong việc phát triển và triển khai các công nghệ mới nổi này để chúng phản ánh các chuẩn mực chung và nhu cầu của cộng đồng hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự phục hồi của chuỗi cung ứng hàng hải đang nổi lên như một mối quan tâm kinh tế và an ninh quan trọng. Sự cố vào năm 2021, trong đó tàu MS Ever Given cản trở giao thông ở kênh đào Suez, ngay lập tức gây tác động đến các chuỗi cung ứng toàn cầu và cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào dự báo chính xác. Sự chậm trễ và gián đoạn trong hoạt động vận chuyển các khoáng sản đất hiếm quan trọng đã khiến Công ty khai thác mỏ Lynas Rare Earths của Australia phải thuê tàu riêng và đảm bảo nguồn cung liên tục cho khách hàng thông qua một cơ sở chế biến ở Malaysia.

Nhìn chung, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ cần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhanh hơn, chính xác hơn và dễ tiên liệu hơn. Khi Đông Nam Á tiếp tục thúc đẩy làn sóng thương mại điện tử, các nhà sản xuất lớn sẽ yêu cầu các đối tác logistics linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. Một phương thức “kinh tế chia sẻ” (uberisation) của vận tải biển đã và đang hình thành có thể sớm tạo điều kiện cho nhiều nhà xuất nhập khẩu hoạt động với nhiều nhà vận tải vừa và nhỏ hơn. Đông Nam Á là một khu vực trọng tâm không chỉ với thương mại hàng hải mà cả hệ thống kết nối internet. Với sự tập trung của nhiều tuyến cáp quang đến và đi qua khu vực, Đông Nam Á đang dần phát triển thành một trung tâm đối với các nhà cung cấp dữ liệu siêu tốc độ trong nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.

Cơ sở hạ tầng đặt trên biển như cáp thông tin liên lạc và trạm chuyển tiếp dưới đáy đại dương thường không được chú ý, nhưng lại chịu trách nhiệm vận chuyển 95% dữ liệu của thế giới. Bằng cách khai thác các khía cạnh an ninh mạng và công nghệ mới nổi của an ninh hàng hải, Anh và Australia đang tiến vào một lĩnh vực lớn chưa được khám phá. Cả Anh và Australia đều có bề dày thành tích về chuyên môn hàng hải, mạng và công nghệ, kinh nghiệm và nguồn lực để hợp tác với các nước ASEAN trong việc nâng cao năng lực khu vực về lĩnh vực an ninh hàng hải với sự hỗ trợ của công nghệ.

Việc quản lý sự ra đời của các công nghệ mới trong các hoạt động hàng hải của Đông Nam Á (bao gồm quân sự, dân sự và thương mại) và đảm bảo tính chất bí mật, toàn vẹn và tính khả dụng của các hệ thống và các mạng lưới sẽ ngày càng củng cố sự an toàn và an ninh của lĩnh vực hàng hải, trong đó có cả các khía cạnh pháp lý của các đường biên giới trên biển. Với ý nghĩa đó, hợp tác 3 bên Anh-Australia-ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng hàng hải giúp cho các nước ven Biển Đông bảo vệ các đường biên giới trên biển của minh trước sự xâm lấn của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Giới phân tích nhận định việc Vương quốc Anh cùng với Australia thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng hàng hải là một lựa chọn khôn ngoan bởi: (i) đây là lĩnh vực ít nhạy cảm Trung Quốc không có lý do để phản đối. Nếu như khi Anh và Australia cùng Mỹ thành lập liên minh AUKUS, Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thì Bắc Kinh không thể có ý kiến gì đối với hợp tác an ninh mạng hàng hải 3 bên Anh-Australia-ASEAN; (i) trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các nước ASEAN chưa đủ năng lực để tự đảm bảo an ninh mạng trong lĩnh vực quản trị hàng hải, nhất là trong bối cảnh các hoạt động trên Biển Đông (bao gồm hoạt động của tàu thuyền vận tải hàng hóa, lẫn các hoạt động đánh bắt thủy sản cho đến các hoạt động quân sự của tàu chiến, máy bay…) không ngừng gia tăng do vậy tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực là yêu cầu cấp thiết. Mặt khác, là lĩnh vực ít nhạy cảm nên các nước ASEAN cũng dễ đón nhận hơn. Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua nền tảng “Chia sẻ Thông tin Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IORIS). Sau Brexit, Vương quốc Anh không còn là thành viên của EU nên việc London cùng với Australia tăng cường hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng hàng hải giúp cho Anh không đứng ngoài cuộc chơi ở khu vực. Đây cũng được coi là đóng góp quan trọng đầu tiên của London trong hợp tác với ASEAN sau khi trở thành đối tác đối thoại của tổ chức khu vực này. Điều này giúp cho Vương quốc Anh can dự sâu thêm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để qua đó thực hiện mục tiêu “nước Anh toàn cầu” mà chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đang theo đuổi. Với Australia tăng cường hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng hàng hải có ý nghĩa nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Australia-ASEAN (mới được 2 bên thiết lập trong năm 2021) và giúp cho Canberra phát huy vai trò ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong các hoạt động trên Biển Đông và ở cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới