Ngày 20/01/2022 là tròn một năm trở thành người đứng đầu Nhà Trắng của ông Joe Biden. Trước khi ông Biden nhậm chức Tổng thống nhiều người tỏ ra băn khoăn về việc chính quyền của Tổng thống Biden sẽ ít quan tâm hơn và sẽ “mềm yếu hơn” so với người tiền nhiệm trên vấn đề Biển Đông.
Trong 6 tháng đầu năm cầm quyền của Tổng thống Biden do phải bận tập trung khôi phục lại quan hệ với các đồng minh nên dường như chính quyền Washington cũng hầu như không có các hoạt động với các nước Đông Nam Á ở cấp cao (từ Bộ trưởng trở lên). Điều này khiến dư luận càng thêm lo ngại chính quyền của Tổng thống Biden không quan tâm tới Đông Nam Á và sao nhãng vấn đề Biển Đông mặc dù trong các cuộc gặp song phương hay đa phương giữa Mỹ với các đồng minh châu Ấu và châu Á vấn đề Biển Đông luôn được đề cập.
Tuy nhiên, sau khi cơ bản củng cố quan hệ với các đồng minh để ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc, từ nửa cuối năm 2021 chính quyền của Tổng thống Biden dồn dập có các hoạt động với khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông. Cụ thể là:
Thứ nhất, một loạt các chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ tới khu vực như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Singapore, Việt Nam và Philippines cuối tháng 7/2021; sau đó chưa đầy 1 tháng, cuối tháng 8/2021 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam; trung tuần tháng 12/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken thăm Indonesia và Malaysia, trước đó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel J. Kritenbrink thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan cuối tháng 11, đầu tháng 12. Trong các chuyến thăm, các quan chức cấp cao của Mỹ đều nhấn mạnh vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông; cảnh báo các quốc gia không được vi phạm luật pháp quốc tế; ủng hộ một trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, trong đó tất cả các nước lớn hay nhỏ đều hành xử theo luật lệ; khẳng định Washington quyết tâm “đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi chứng kiến những hành động quyết đoán của Bắc Kinh đe dọa hoạt động đi lại trên vùng lãnh hải là tuyến giao thương trị giá hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm”.
Thứ hai, Mỹ tích cực tham gia các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và không ngần ngại chỉ trích đích danh Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Đầu tháng 8/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã tham gia 5 cuộc họp cấp bộ trưởng của ASEAN. Phát biểu trước những người đồng cấp trong cuộc họp giữa Mỹ và ASEAN, Ngoại trưởng Antony J. Blinken nhấn mạnh Mỹ bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại diễn đàn An ninh khu vực ARF (với sự tham gia của 27 thành viên, bao gồm Trung Quốc), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt thái độ gây hấn trên Biển Đông”.
Đặc biệt, sau 4 năm vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN (kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Manila vào năm 2017), Tổng thống Mỹ Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến cuối tháng 10/2021. Phát biểu tại các hội nghị này, Tổng thống Biden bày tỏ “chúng tôi (Mỹ) vô cùng lo ngại trước các hành động cưỡng ép của Trung Quốc”; cho rằng các hành động của Bắc Kinh “đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”; nhấn mạnh Washington sẽ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ tự do biển cả và dân chủ. Các nhà phân tích cho rằng việc ông Biden tham gia sự kiện lần này phản ánh nỗ lực của Mỹ trong việc tập hợp các đồng minh và đối tác nhằm đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm Biển Đông.
Không chỉ dừng lại ở các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ còn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ yêu sách và hành vi bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông tại cuộc họp chính thức riêng về an ninh trên biển với chủ đề “Tăng cường an ninh trên biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, lần đầu tiên tổ chức tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 09/8/2021. Phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng Blinken khẳng định những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý”, đã bị Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ; bày tỏ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc “đe dọa và ức hiếp các nước khác không cho tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên biển của họ”; nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi quốc gia, trong đó có Mỹ là bảo vệ các quy tắc của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ ba, về mặt pháp lý, trong các phát biểu liên quan đến Biển Đông, chính quyền của Tổng thống Biden khẳng định: (i) các yêu sách ở Biển Đông cần được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); (ii) khẳng định giá trị pháp lý phán quyết năm 2016 và trách nhiệm của các bên phải tuân thủ; (iii) quyền tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế kiện Biển; (iv) tôn trọng quyền của mỗi quốc gia ở Biển Đông được quy định trong UNCLOS, bao gồm quyền khai thác các nguồn tài nguyên trên biển và phản đối mọi hành vi cưỡng ép, bắt nạt ở Biển Đông; (v) khẳng định sát cánh cùng các nước ven Biển Đông duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông (12/7/2016) và 1 năm ngày Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ra Tuyên bố chính thức về lập trường pháp lý liên quan đến tranh chấp Biển Đông (13/7/2020), ngày 11/7/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra tuyên bố khẳng định tính ràng buộc pháp lý của phán quyết; tái khẳng định lập trường pháp lý trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đã được nêu trong Tuyên bố ngày 13/7/2020 của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo; khẳng định “một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.
Tháng 10/2021, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 (còn gọi là S.1657), nhắm đến việc trừng phạt các cá nhân, thực thể Trung Quốc liên quan những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Bắc Kinh gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đặc biệt, ngày 12/01/2022 (trước ngày kỷ niệm 1 năm Lễ nhậm chức 1 tuần), Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo số 150. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế đối với những tuyên bố khiến Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Philippines, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Báo cáo số 150 nhấn mạnh “ảnh hưởng tổng thể của những yêu sách hàng hải này là việc Trung quốc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp hoặc một số hình thức độc quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ các yêu sách hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS 1982; tuân thủ pháp quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài; chấm dứt các hoạt động cưỡng chế và trái pháp luật ở Biển Đông”.
Thứ tư, cùng với việc nâng cao quan điểm pháp lý liên quan đến các tranh chấp Biển Đông, chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục duy trì chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOP). Điểm mới trong các hoạt động FONOP của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden là tập trung nhiều hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc và những khu vực tàu của Trung Quốc đang uy hiếp các hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông, bao gồm các vùng biển của Indonesia và Malaysia.
Đáng chú ý là Washington công khai khẳng định các hoạt động FONOP của hải quân Mỹ là nhằm phá “đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở quần đảo Hoàng Sa” và để chống lại các hành vi cưỡng ép, bắt nạt láng giềng của Bắc Kinh ở Biển Đông, bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Đồng thời, không quân Mỹ tăng cường hoạt động của các máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát ở Biển Đông. Theo thống kê của tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) – tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, trong năm 2021 hải quân Mỹ đã 13 lần điều nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm tác chiến đổ bộ vào Biển Đông, tăng gấp đôi so với năm 2020. Thậm chí, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng lúc hiện diện ở Biển Đông hay tàu sân bay cùng với tàu đổ bộ tấn công tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Trong năm 2021 trinh sát cơ của quân đội Mỹ đã thực hiện 1.200 phi vụ trinh sát trên Biển Đông.
Thứ năm, đúng như cam kết khi nhậm chức, trong năm qua chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực củng cố quan hệ và lôi kéo đồng minh cùng can dự vào các vấn đề khu vực và Biển Đông. Điểm nổi bật là sự tăng cường phối hợp về lập trường giữa Washington cùng các đồng minh và đối tác. Theo đó, các đồng minh – Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Canada, New Zealand đã tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông cũng như hình thành các cơ chế liên kết mới ở khu vực (thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ – Anh – Úc).
Trong năm qua, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng Canada, Nhật, Úc đã tăng cường can dự tại Biển Đông. Tiêu biểu là ba nước Anh, Pháp, Đức (gọi là nhóm E3), đã điều tàu chiến tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Thậm chí, Anh đã tuyên bố điều tàu chiến hiện diện thường trực tại Thái Bình Dương nói chung và tại Biển Đông nói riêng. Hồi tháng 2/2021, Pháp điều tàu ngầm hạt nhân Émeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đến Biển Đông. Từ tháng 2 đến tháng 7/2021, tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf của hải quân Pháp cũng triển khai sứ mệnh đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Đặc biệt, hải quân Hoàng gia Anh đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông trong nhiều tháng liền. Tàu Bayern của Đức vừa kết thúc hoạt động tại Thái Bình Dương và Biển Đông.
Tháng 11/2021, lực lượng phòng vệ biển Nhật (JMSDF) và hải quân Mỹ đã lần đầu tiên tập trận chống ngầm tại Biển Đông. Ngoài ra, cùng với Mỹ, phía Nhật Bản đã công khai thúc giục EU tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á để đối trọng Trung Quốc. Một đồng minh khác của Mỹ là Canada, đã triển khai tàu khu trục HMCS Calgary thuộc hải quân nước này di chuyển gần quần đảo Trường Sa tháng 3/2021. Theo vận động của Mỹ, Úc cũng nhiều lần điều tàu chiến đến hoạt động tự do hàng hải và tiến hành diễn tập ở Biển Đông.
Tóm lại, trong năm đầu cầm quyền chính quyền Tổng thống Biden đã có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết đối với khu vực, trong đó có Biển Đông thể hiện rõ “lời nói đi đôi với việc làm” của ông Biden. Những việc làm cụ thể của Washington liên quan tới Biển Đông đã xua tan những lo ngại về sự “yếu mềm” của ông Biden so với người tiền nhiệm trên vấn đề Biển Đông. Không những thế, chúng ta còn được chứng kiến chính quyền Biden thể hiện một chính sách quyết liệt hơn, khôn khéo hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Giới chuyên gia dự báo rằng trong năm thứ hai cầm quyền của Tổng thống Biden thì cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực sẽ còn gay gắt hơn. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ còn đứng trước nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh địa chính trị này, song với những gì mà chính quyền Biden đã làm liên quan đến Biển Đông trong năm đầu cầm quyền, hy vọng rằng Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nước trong khu vực để duy trì một cục diện dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông trong thời gian tới.