Monday, January 27, 2025
Trang chủQuân sựBán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày

Bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày

Bán đảo Triều Tiên đang ngày một tăng nhiệt trong những ngày gần đây với các động thái đáp trả lẫn nhau của các bên liên quan.

Hình ảnh vụ phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Triều Tiên ngày 11/1/2022 do Hãng thông tấn Trung ương (KCNA) cung cấp cho Yonhap.

Trong khi Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực biển Nhật Bản, phía Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa với nhiều lo ngại Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Liệu các động thái ăn miếng trả miếng của các bên liên quan có đẩy Bán đảo Triều Tiên chạm làn ranh đỏ, khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trong khu vực đang ngày một xa vời?

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính là việc Triều Tiên từ đầu năm đến nay liên tục phóng tên lửa, đặc biệt số lượng tên lửa mỗi lần bắn ngày càng tăng, mật độ dày hơn. Ngày 25/5, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo và sau đó chỉ 10 ngày, hôm 5/6, Triều Tiên lại tiếp tục phóng đến 8 tên lửa đạn đạo cùng một lúc. Điều này càng làm cho các bên liên quan thêm lo lắng.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Vào sáng sớm nay (9/6), quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã phóng 8 tên lửa đất đối đất (ATACMS). Trước đó hôm 7/6, 2 nước này đã tiến hành tập trận trên không với 20 máy bay chiến đấu. Cùng ngày, không quân Nhật Bản và không quân Mỹ đã tiến hành tập trận chung trên không với sự tham gia của 6 máy bay chiến đấu của 2 bên.

Cuộc tập trận này nhằm mục đích tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, đối phó với hành vi phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Việc này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ trong ngoài của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn đối với tất cả các tình huống có sự đe dọa từ bên thứ 3. Khả năng cao tình hình Triều Tiên bắt đầu chuyển hướng sang một giai đoạn căng thẳng mới.

Ý định của Triều Tiên?

Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 18 vụ phóng thử tên lửa và dư luận đang lo ngại, nước này sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Vậy, Triều Tiên đang tính toán điều gì?

Từ năm 2021 trở về trước, Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa. Dư luận cho rằng, từ sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều, hai bên chưa đạt được thỏa thuận về việc dần từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Nước này vẫn phóng tên lửa với mục đích thăm dò thái độ của Mỹ và các nước liên quan, đồng thời thể hiện mong muốn nối lại đàm phán. Nhưng rõ ràng trong những năm qua, ngay cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Mỹ và Nhật Bản đều tỏ ý muốn đối thoại với Triều Tiên, Hàn Quốc thì tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm giữ vững lập trường.

Có chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn đảm bảo các hệ thống vũ khí của họ phát triển ở mức tối đa và sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự như vậy, cho đến khi đối thoại với Washington được nối lại.

Nhưng trong một phát biểu vào ngày hôm 7/6 vừa qua, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng Nhật Bản vẫn chưa rõ ý đồ của Triều Tiên tăng tốc các vụ phóng tên lửa từ đầu năm đến nay là gì, và Tokyo vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin.

Ngay cả Mỹ, hay nước láng giềng Hàn Quốc cũng chưa có câu trả lời đích xác về tính toán của Triều Tiên. Nhưng rõ ràng Triều Tiên vẫn muốn Mỹ bãi bỏ dần các lệnh trừng phạt để người dân nước này có thể tiếp cận với y tế tốt hơn, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành, trong khi tiếp tục phát triển tên lửa và theo đuổi con đường hạt nhân. Nghĩa là Triều Tiên không muốn mình là bên nhượng bộ.

Căng thẳng khó xoa dịu

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng với các động thái đáp trả cứng rắn của các bên liên quan trong khi đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc.

Hôm 8/6, thứ trưởng Ngoại giao 3 nước Hàn, Nhật, Mỹ đã nhóm họp tại Seoul để thống nhất quan điểm hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng cụ thể các biện pháp như có tăng cường trừng phạt, hay tiếp cận thông tin rõ ràng hơn về Triều Tiên hay không thì không công khai. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ được đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á diễn ra tại Singapore vào cuối tuần này.

Việc xác định những vấn đề cụ thể như, Triều Tiên cần làm gì để có thể đối thoại, hoặc để được dỡ bỏ trừng phạt, cũng như Mỹ-Nhật Hàn cần phải làm gì để Triều Tiên có thể dừng các vụ phóng tên lửa thì chưa thấy “ánh sáng cuối con đường”. Theo các nhà phân tích, đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu các bên liên quan chấp nhận “xuống nước”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới