Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ đi đến đâu?

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ đi đến đâu?

Sau gần 3 tháng Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khởi đầu từ ngày 24/02/2022, đã cho thấy rõ hơn hình thái của cuộc chiến tranh ở Ukraine; đó là cuộc chiến tranh tổng lực giữa Nga với Ukraine cùng Mỹ và các nước phương Tây. Đây không chỉ là tranh chấp địa chính trị, mà còn là cuộc đối đầu chủ nghĩa phục thù Nga với ý thức hệ dân chủ phương Tây.

Tổng thống Nga Putin cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (phải) và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Valery Gerasimov sau một cuộc họp tại Mát-xcơ-va vào tháng 12/2021.

Đối với Nga, nước này đã huy động lực lượng quân sự hùng mạnh với trên một trăm ngàn quân, cùng hàng ngàn xe tăng, xe quân sự và hệ thống tên lửa, pháo binh và không quân cùng một lúc tấn công vào lãnh thổ Ukraine, một nước có độc lập chủ quyền. Nga công bố kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt bước 1 vào cuối tháng 3/2022, với kết quả được công bố phá hủy hàng ngàn căn cứ chỉ huy, các kho chứa đạn, hậu cần, phá hủy nhiều sân bay cùng hàng trăm máy bay chiến đấu và không người lái, phá hủy hàng ngàn xe tăng và xe quân sự, bao vây thành phố Kiev và nhiều thành phố ở miền Đông, miền Nam Ukraine, trong đó có các cảng ở Biển Đen. Nga khống chế hoàn toàn bầu trời của Ukraine. Nga đánh giá đã gây tổn thất lớn cho Ukraine.

Đối với Ukraine, trước sức tấn công mang tính chất hủy diệt, tàn khốc của Nga Giai đoạn 1, Ukraine đã chống trả quyết liệt. Phía Ukraine thông báo đã tiêu diệt nhiều xe tăng, xe quân sự, máy bay Nga và gây tổn thất nặng nề với hàng ngàn quân Nga tử trận.

Tuy Nga gây cho Ukraine thiệt hại nặng nề, nhưng Nga chưa chiếm được thành phố nào của Ukraine. Kế hoạch tấn công vào Kiev bị chặn lại. Nga chấp nhận đàm phán với Ukraine ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự dàn xếp của Tổng thống hai nước này. Theo đó, Nga tuyên bố ngừng bắn, đi vào đàm phán. Nga yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO, công nhận Crimea thuộc về Nga và công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.

Tổng thống Putin tuyên bố chuyển sang Giai đoạn 2 từ đầu tháng 4/2022. Phía Nga tố cáo phía Ukraine tạo chứng cứ giả tạo vụ thảm sát ở Bucha 4/4/2022 để tạo cớ hủy kế hoạch đàm phán trực tiếp đã đạt được ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng tố cáo Mỹ và phương Tây đứng sau Ukraine phá hoại đàm phán. Giai đoạn 2 Nga công bố rút quân bao vây Kiev về Belarus, tập trung hỏa lực mạnh đánh chiếm các thành phố phía Đông và Nam Ukraine, sử dụng tên lửa tầm xa phá hủy các trạm chỉ huy quân sự, các kho vũ khí, các kho xăng dầu, phá hủy sân bay, đặc biệt phá hủy các tuyến đường sắt, các ga tàu hỏa, phá một số cầu trên tuyến đường giao thông quan trọng để chặn đứng vận chuyển vũ khí của NATO và Mỹ cho Ukraine từ lãnh thổ Ba Lan, Rumani… Phía Nga đưa ra cảnh báo các phương tiện NATO chuyển vũ khí cho Ukraine là mục tiêu tấn công của Nga, và họ đưa tin đã phá hủy hàng trăm, hàng ngàn vũ khí, xe tăng, máy bay không người lái NATO và Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Nga và Ukraine diễn ra ở miền Đông và Nam Ukraine với lực lượng vượt trội trong tháng 4 và giữa tháng 5/2022. Nga đã kiểm soát vùng biển Azov, giải phóng hoàn toàn thành phố Mariupol và Kherson ở phía Nam Ukraine, kiểm soát hoàn toàn các tỉnh ven biển Azov, nối liền Crimea với các tỉnh phía đông vùng Donbas (Luhansk và Donetsk vừa tuyên bố độc lập) tạo hành lang tiếp tế thuận lợi cho Crimea. Đặc biệt, phía Nga công bố đã bao vây nhà máy cán thép Azovstal, nơi hơn 1.000 quân của đơn vị phát xít Azov cố thủ và hàng ngàn dân bị bắt làm con tin. Trước đó đã có hơn 1.000 lính thủy đánh bộ của Ukraine đầu hàng Nga. Nga cho rằng nơi này có lực lượng quốc tế và ẩn chứa nhiều bí mật của NATO. Nga nhiều lần kêu gọi đơn vị Azov của Ukraine đầu hàng nhưng không có kết quả. Phía Ukraine đưa máy bay trực thăng, tàu thủy, lực lượng đặc nhiệm để giải thoát lực lượng Azov nhưng đều bị Nga tiêu diệt. Ngày 29/4/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã gặp Tổng thống Nga V. Putin ở Mát-xcơ-va và đạt được thỏa thuận: Nga mở hành lang nhân đạo từ nhà máy và bước đầu họ công bố đã đưa được trên 300 dân thường ra khỏi hầm trú ẩn. Song Nga tố cáo Tổng Thư ký Liên hợp quốc bị thúc ép làm việc này; Ukraine lợi dụng việc ngừng bắn để đội quân phát xít Azov trong hầm chuyển địa điểm, bố trí lực lượng cố thủ, chờ được giải thoát. Nga cũng phát hiện quân Azov đã đào hầm để thoát lên mặt đất, nhưng bị quân Nga phát hiện tiêu diệt. Nga cũng thông báo đã bắt được Trung tướng lục quân của Canada Trevor Cadieu trà trộn vào dân thường được giải cứu qua đường nhân đạo nhưng bị phát hiện, bắt giữ. Nga công bố vị Trung tướng này phụ trách một phòng thí nghiệm sinh học hàng đầu ở Ukraine, cùng với 18 người khác nghiên cứu một loại virus nguy hiểm. Sau sự kiện này và sự quyết tử của lực lượng Azov, Tổng thống V. Putin đã hủy lệnh ngừng bắn, tập trung hỏa lực phá hủy đường hầm trong nhà máy thép Azovstal để tiêu diệt lực lượng cố thủ trong hầm.

Ở mặt trận khác, Nga đang tập trung lực lượng mạnh tấn công để giải phóng hoàn toàn Donbas và Kharkov, tỉnh phía Đông Ukraine. Tuy nhiên, trong gần 1 tháng giao tranh, phía Ukraine đã chống trả quyết liệt. Quân Ukraine vẫn làm chủ ở Donbas và nhận được nhiều xe tăng, các loại vũ khí hiện đại của Mỹ và NATO. Phía Nga tuyên bố quyết tâm giải phóng Donbas khỏi Ukraine.

Về phía Ukraine, chịu sức ép nặng nề trước sự tấn công giai đoạn 2 của Nga, các đơn vị ở các thành phố, các tỉnh phía Đông, phía Nam, ven biển Azov… đã bị Nga đánh bại. Trừ lực lượng cố thủ trong đường hầm của nhà máy Azovstal, tất cả vùng phía Đông, phía Nam và biển Azov đều do phía Nga kiểm soát. Tuy nhiên, Ukraine đã tập trung lực lượng mạnh để chống trả lực lượng Nga ở Donbas; song chưa thể biết được quân Ukraine sẽ giữ Donbas được bao lâu. Ukraine tăng cường phòng thủ Thủ đô Kiev. Mặc dù Nga thường xuyên phóng tên lửa từ xa vào thành phố này, gây những tổn thất về tiềm lực quân sự, nhưng thành phố Kiev vẫn đứng vững.

Điều đáng chú ý là Ukraine đã tấn công phá hủy một số cơ sở hậu cần và kho vũ khí của Nga ở một số tỉnh giáp biên giới Ukraine, gây cho Nga một số tổn thất. Mặc dù Ukraine chưa thừa nhận các cuộc tấn công này, Nga tố cáo NATO đứng sau các cuộc tấn công này và cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Ukraine không chấm dứt tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ở mặt trận thông tin tuyên truyền chống Nga, Ukraine triển khai rất mạnh mẽ. Tổng thống Zelensky tích cực sử dụng mạng thông tin tố cáo Nga diệt chủng và được phương Tây truyền đi khắp thế giới và lên án Nga (sự kiện Bucha, sự kiện bao vây dân thường ở nhà máy thép Azovstal…), khích lệ các nước phương Tây đứng về phía Ukraine và kêu gọi tiếp tục trừng phạt nặng nề hơn nữa đối với Nga. Tổng thống Zelensky ráo riết xin các nước Mỹ, EU viện trợ khẩn cấp các loại vũ khí hiện đại để Ukraine đánh bại Nga. Lời kêu gọi của Zelensky được các nước phương Tây đáp ứng ngay lập tức.

Trên lĩnh vực đàm phán: Zelensky tuyên bố chấm dứt mọi cuộc đàm phán 2 bên đã được thống nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Zelensky không nói gì đến nội dung thỏa thuận phía Ukraine gửi cho Nga để phía Nga nghiên cứu mà nói rằng chỉ trở lại đàm phán nếu Nga chịu đầu hàng Ukraine.

Đối với Mỹ và các nước phương Tây, kể từ khi Nga tập trung hơn một trăm ngàn quân cùng xe tăng, xe quân sự và tuyên bố là tập trận ở biên giới Ukraine, tình báo Anh – Mỹ đã cảnh báo Nga sẽ tấn công Ukraine và cảnh cáo nếu Nga tấn công Ukraine, Nga sẽ bị trừng phạt nặng nề nhất, chưa từng có. Tuy nhiên, những lời cảnh cáo của Mỹ và NATO đã không ngăn được chiến dịch quân sự của Nga. Nga nói rằng đã phát hiện quân Ukraine, với sự hỗ trợ của NATO, có kế hoạch tấn công vào hai tỉnh ly khai được Nga công nhận là Donetsk và Luhansk vào ngày 25/02/2022. Nga đã tấn công vào Ukraine trước một ngày (24/02/2022) để đập tan âm mưu của Ukraine do NATO đứng sau. Ngay sau khi Nga tấn công vào Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã phát động cuộc chiến với Nga từ nhiều hướng:

  1. Mỹ, Anh với vai trò là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thúc đẩy Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga vào Ukraine, cáo buộc Nga vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc và yêu cầu Nga phải chấm dứt ngay cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền với số phiếu áp đảo. Các nước phương Tây hỗ trợ Ukraine đưa hoạt động quân sự của Nga kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế với những kết luận gây bất lợi cho Nga trước dư luận quốc tế.
  2. Tổng Thư ký khối Bắc Đại Tây Dương NATO đã họp khẩn cấp lên án mạnh mẽ hành động quân sự của Nga và phát động các nước thành viên NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine để chống Nga. Mỹ ngay lập tức đã quyết định viện trợ cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại bao gồm các loại tên lửa, xe tăng, pháo tự hành… trị giá hàng tỉ USD. Anh, Pháp và các nước khác như Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Slovakia… cũng tích cực cùng với Mỹ viện trợ khối lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine. Ba Lan là trạm trung chuyển vũ khí của Mỹ và NATO cho Ukraine.
  3. Các nhà lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây tổ chức nhiều cuộc họp tạo ra sự đồng thuận cao về trừng phạt nặng nề kinh tế đối với Nga, bao gồm: cắt đứt mọi giao dịch ngân hàng của Nga qua hệ thống SWIFT; cấm vận xuất nhập khẩu các loại hàng hóa của Nga; ngừng bán các nguyên liệu sản xuất có liên quan tới sản xuất vũ khí và quốc phòng và các lĩnh vực công nghiệp khác; phong tỏa hàng trăm tỉ của Nga tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ, Anh và Mỹ; trừng phạt và cấm trên 3.000 viên chức và doanh nghiệp Nga, trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp của Nga như Tổng thống Putin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov… Riêng Mỹ lập một đội đặc nhiệm điều tra tài sản ở nước ngoài của các nhà lãnh đạo và tỉ phú Nga để thu giữ. Mỹ và Anh tuyên bố tịch thu nhiều du thuyền, biệt thự sang trọng và tiền của nhiều tỉ phú Nga ở nhiều nước châu Âu và Trung Đông. Tính đến cuối tháng 3/2022, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra 4 đợt với trên 3.000 lệnh trừng phạt kinh tế Nga – nhiều nhất so với các nước bị Mỹ và phương Tây trừng phạt.
  4. Các nguyên thủ Ba Lan, Slovakia, Bulgaria đến Kiev cùng một lúc, tiếp đó là Thủ tướng Anh, Áo, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Chủ tịch Liên minh châu Âu… Các nhà chính trị phương Tây bình luận rằng sự xuất hiện của các nguyên thủ EU và Hoa Kỳ ở Kiev trong lúc quân đội Nga đang tấn công nhiều phía trên lãnh thổ Ukraine thực sự là sự thách chiến với Nga và bồi cho Zelensky liều thuốc tinh thần về tư tưởng chống Nga đến cùng. Ukraine sẽ không có đường lùi trong cuộc chiến. Đáng chú ý là Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres cũng đến Kiev đầu tháng 5/2022 gặp Tổng thống Zelensky sau khi đã gặp Tổng thống Nga Putin. Vị Tổng thư ký mang theo thông điệp yêu cầu Nga sớm chấm dứt cuộc chiến và mở đường nhân đạo cho lực lượng và thường dân đang cố thủ ở nhà máy thép Azovstal. Theo đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã họp ra nghị quyết hòa bình ở Ukraine.
  5. Mỹ và phương Tây chiếm ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực truyền thông đưa tin về tình hình chiến sự ở Ukraine. NATO đã tấn công đánh sập cơ sở hạ tầng thông tin và mạng xã hội của Nga. Mỹ và các nước phương Tây chiếm ưu thế dẫn dắt thông tin lên án hành động quân sự của Nga “phạm vào tội ác chiến tranh”. Đặc biệt, Mỹ và các nước phương Tây đã tạo cho Tổng thống Ukraine Zelensky cửa thông tin quốc tế để lên án “hành động xâm lược Ukraine”, kêu gọi các nước trên thế giới giúp đỡ Ukraine chống Nga và cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước của Ukraine. Theo đó, các nước phương Tây đã tổ chức nhiều cuộc họp để tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến với Quốc hội Hoa kỳ, Quốc hội Anh, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản… để cung cấp thông tin về “tội ác” Nga đang gây ra ở Ukraine và yêu cầu quốc hội các nước này trừng phạt mạnh mẽ Nga và viện trợ nhiều súng đạn hơn nữa để Ukraine đối phó với Nga. Thành công của Zelensky là ngay lập tức các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Slovakia, Nhật Bản, Úc đã lên tiếng viện trợ vũ khi ngay cho Ukraine. Tỉ phú công nghệ người Mỹ Elon Musk đã dành cho Zelensky một kênh vệ tinh để liên lạc với quốc tế và giúp quân đội Ukraine định vị các mục tiêu của Nga.

Khi Nga công bố ngừng bắn để đàm phán với Ukraine kết thúc hoạt động quân sự thì Tổng thống Zelensky công bố sự kiện Bucha ngày 4/4/2022 cáo buộc Nga thảm sát trên 300 thường dân Ukraine. Nga sau đó đã phản đối kịch liệt và cho rằng đó là vụ dàn dựng của phía Ukraine. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp ngay sau đó để lên án Nga khi chưa có nguồn tin xác minh kiểm chứng. Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky tuyên bố chấm dứt đàm phán với Nga, hủy bỏ các cuộc tiếp xúc trực tiếp; và cục diện cuộc chiến trở lại quyết liệt, căng thẳng hơn.

Tuy vậy, không phải mọi biện pháp chống Nga nào của Mỹ và NATO đều thành công. Đầu tháng 5/2022, khi Tổng thống Putin ra lệnh bao vây nhà máy cán thép Azovstal không để con ruồi trốn thoát, Liên minh châu Âu đã họp đưa ra bàn lệnh trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga; theo đó EU sẽ chấm dứt mua dầu và khí đốt của Nga. Các nước Pháp, Ba Lan, Bulgaria và Đức đã tích cực nêu ra lệnh trừng phạt này vì cho rằng khí đốt và dầu là nguồn thu lớn giúp nền kinh tế Nga đứng vững và đảm bảo cho sức mạnh quân sự của Nga nên phải được ngăn chặn ngay lập tức. Mặc dù tuyên bố mạnh mẽ trừng phạt Nga về năng lượng nhưng sẽ rất khó để đạt được sự đồng thuận, vẫn có trên 10 nước mua khí đốt và dầu của Nga và chấp nhận luật thanh toán bằng đồng rúp theo tuyên bố của Tổng thống Putin. Mới đây EU đưa ra giải pháp cấm vận năng lượng Nga từng bước. Các nước như Hungary, Séc, Slovakia, Đức… vẫn mua dầu và khí của Nga hết năm 2024. Điều này đã có một số nước khác đề nghị được áp dụng vào trường hợp đặc biệt này.

EU rất quyết tâm thực hiện lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng của Nga, song nền kinh tế nhiều nước EU phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga nên việc chấm dứt mua dầu và khí đốt của Nga theo lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga là khó thực hiện được tức thời.

Đến nay, “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga” đã bước sang tháng thứ 3, chiến sự ở Ukraine diễn ra vô cùng ác liệt. Nga tuyên bố đã đạt được mục tiêu bước 1 và đang thực hiện mục tiêu bước 2. Đến nay, Nga đã chiếm được hầu hết các thành phố và các tỉnh phía Đông và phía Nam Ukraine (Mariupol và Kherson), tạo được hành lang nối liền các tỉnh phía Đông như Luhansk và Donetsk – Mariupol với bán đảo Crimea. Nga cũng công bố đã kiểm soát biển và bờ biển Azov, khống chế đường vận tải hàng hóa của Ukraine xuất khẩu qua đường biển. Các lực lượng của Nga đang di chuyển tập trung mặt trận giải phóng hoàn toàn tỉnh Donbas, Kharkov và giải quyết lực lượng cố thủ trong đường hầm nhà máy Azovstal. Các tỉnh miền Đông và Nam Ukraine đã lập chính quyền mới dưới sự hỗ trợ của lực lượng Nga. Đối với các thành phố phía Tây, phía Bắc Ukraine và thủ đô Kiev, Nga sử dụng tên lửa siêu âm và lực lượng hàng không vũ trụ uy hiếp, chia cắt và ngăn chặn hoạt động chi viện cho các tỉnh. Tuy vậy, thành phố Kiev vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đã lộ rõ mục tiêu:

  1. Giải phóng các tỉnh phía Đông và Nam Ukraine, lập chính quyền thân Nga, tuyên bố ly khai độc lập với Ukraine. Nga sẽ kiểm soát biển Azov và bờ biển kéo dài từ phía Đông đến bán đảo Crimea. Diễn biến tình hình cho thấy Nga có thể sẽ chia nhỏ Ukraine hiện tại và chiếm giữ lâu dài.
  2. Quân đội Nga thông báo đã hủy nhiều căn cứ chỉ huy ở các tỉnh, thành phố của Ukraine, tiềm lực quân sự của Ukraine bị tổn thất nặng nề, kể cả số vũ khí do Mỹ và các nước phương Tây viện trợ. Nếu Mỹ và phương Tây không viện trợ vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh thì Ukraine sẽ thất bại trước Nga vào thời gian không xa.
  3. Nga thông báo đã tiêu diệt nhiều lữ đoàn thủy quân lục chiến của Ukraine với hàng chục ngàn quân của Ukraine, bắt được nhiều tù binh và binh sĩ của Ukraine đầu hàng, một số nhóm lính quốc tế cũng bị tiêu diệt. Nga cũng thông báo đánh tan nhiều đơn vị của Tiểu đoàn Azov tân phát xít, chỉ còn bộ phận chỉ huy của Tiểu đoàn Azov đang bị vây hãm ở thế cùng đường trong đường hầm của nhà máy thép Azovstal.

Tổng thống Putin tuyên bố mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã đi đúng hướng, Nga hạn chế tối đa gây thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, Nga không thực hiện được kế hoạch vừa đánh vừa đàm, thông điệp Nga gửi tới Ukraine trong đàm phán 2 bên là: 1) Ukraine không gia nhập NATO; 2) Công nhận Crimea thuộc Nga; 3) Công nhận Luhansk và Donetsk độc lập. Ukraine tiếp nhận nghiên cứu các yêu cầu của Nga và cũng đưa ra nội dung chấp nhận không gia nhập NATO, là nước trung lập, nhưng vấn đề Crimea và 2 tỉnh công bố ly khai sẽ đàm phán tiếp theo trong 8 năm tới. Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ quyết chiến đấu giành thắng lợi, chỉ đàm phán khi Nga tuyên bố đầu hàng Ukraine…

Vậy cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ đi đến đâu và sẽ kết thúc như thế nào? Đây là câu hỏi của các chính trị gia và các nhà phân tích quốc tế. Đến nay chưa có đầy đủ thông tin giải đáp. Tuy nhiên có thể nêu một số vấn đề do các nhà phân tích tình hình quốc tế đã đề cập tới:

Một là: Nga tấn công Ukraine, một nước có độc lập chủ quyền, là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến Nga tấn công Ukraine lại bắt nguồn từ đường lối sai lầm của Ukraine và sai lầm của Mỹ và NATO. Ukraine đã không thực hiện Thỏa thuận Minsk, theo đuổi chính sách bài Nga kéo dài trong nhiều năm. Cuộc đảo chính Maidan và kể từ khi ông Zelensky nắm quyền tổng thống năm 2019, ông đã sửa Hiến pháp Ukraine theo hướng ngả về phương Tây và xin trở thành thành viên của NATO, xóa bỏ lịch sử quan hệ với nước Nga. Mâu thuẫn Nga – Ukraine đã đẩy tới đỉnh điểm. Các nước phương Tây thấy rõ điều này. Mỹ và NATO đã biến Ukraine thành đội quân ủy nhiệm chống Nga. Kể từ năm 2014, khi Nga chiếm Crimea sáp nhập vào Nga, Mỹ và NATO đã cấu trúc mới tiềm lực quân sự cho Ukraine, nhiều đơn vị đặc nhiệm của Mỹ – Anh đã có mặt ở Ukraine để huấn luyện quân đội Ukraine. Khối này đã vi phạm Thỏa thuận Minsk “nước ngoài phải rút hết các loại vũ khí hiện đại ra khỏi Ukraine”. Trước sự hiện đại hóa quân đội và đường lối theo phương Tây của Ukraine, Nga nhận thấy không gian địa chính trị bị thu hẹp, đặc biệt an ninh của Nga bị đe dọa từ Ukraine, đứng sau là Mỹ và NATO. Nga đã cảnh báo Mỹ và NATO không được cho Ukraine là thành viên của NATO, đó là lằn ranh đỏ của Nga. Những lời cảnh báo của Nga không được phương Tây để ý. Thái độ cực đoan hiếu chiến của Tổng thống Zelensky chiếm lại các vùng ly khai đã dẫn đến cuộc chiến tranh nổ ra ngày 24/2/2022.

Vấn đề thứ hai: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine không chỉ ở phạm vi chiến tranh giữa hai nước Nga với Ukraine mà là cuộc chiến một bên là Nga với một là Mỹ và các nước phương Tây. Ukraine là đội quân uỷ nhiệm của Mỹ và NATO, mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ lên đến đỉnh điểm. Nga không chấp nhận để Mỹ một mình chi phối thế giới. Sự chống Nga quyết liệt về kinh tế, cô lập ngoại giao, đặc biệt mở rộng NATO sang phía Đông để bao vây uy hiếp Nga đã đẩy vào đường cùng. Việc Nga dùng sức mạnh quân sự nhằm mục tiêu xóa sổ chế độ dân tộc cực đoan tân phát xít, ngăn cản sự thôn tính của NATO, giành lại sự kiểm soát của Nga, bảo vệ sườn phía Đông của nước Nga có thể hiểu được. Những gì Nga đang triển khai thể hiện sự quyết tâm cao, chấp nhận thiệt hại để đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Quyết tâm giành thắng lợi của Nga các chính trị gia quốc tế cho rằng Mỹ và NATO đã đẩy Nga phải dùng sức mạnh quân sự của mình để đưa Ukraine vào quỹ đạo của Nga đồng thời lật đổ vai trò số một của Mỹ và làm tan rã khối NATO.

Về phía Mỹ và NATO: sử dụng Ukraine do Zelensky lãnh đạo để chống Nga (đội quân ủy nhiệm), tuyên bố không đưa quân tham chiến trực tiếp với Nga để ngăn ngừa lan rộng chiến tranh, nhưng sẽ cho Zelensky một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh khổng lồ để nước này chiến đấu với Nga. Những hành động chống Nga vừa qua của Mỹ và NATO cho thấy mục tiêu của Mỹ và NATO là muốn kéo dài cuộc chiến tranh ở Ukraine, gây cho Nga tổn hại về quân sự, kinh tế, chính trị; Các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề để làm suy yếu Nga, khiến Nga phải sa lầy và thất bại ở Ukraine; nước Nga phải sụp đổ; Putin phải rời khỏi vũ đài chính trị. Theo đó, Nga sử dụng lợi thế về năng lượng, tài nguyên quý hiếm và lương thực để làm suy yếu EU, vì thiếu nó nền công nghiệp của khối này sẽ bị đình đốn.

Từ cục diện chiến tranh ở Ukraine trong hơn ba tháng qua, các nhà phân tích cho rằng cả hai phía đều không đánh giá được tương quan lực lượng. Phía Nga đánh giá thấp tiềm lực và tinh thần chiến đấu của Ukraine, nhất là đối với Tổng thống Zelensky, nên chưa đạt được mục tiêu chiến dịch như mong muốn. Phía Mỹ và NATO không lường hết được sức mạnh quân sự và khả năng lãnh đạo của Putin, nên các biện pháp chống Nga chưa đủ làm cho Nga suy yếu và có nguy cơ Ukraine phải khuất phục Nga. Chiến sự ở Ukraine vẫn rất quyết liệt, cả hai phía đang lao vào cuộc chiến để giành thắng lợi cho mình. Trong những ngày đầu tháng 5 đã diễn ra nhiều cuộc họp của Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng của 40 nước và nhóm G7, gia tăng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ngày 29/4/2022, Quốc hội Mỹ đã đồng ý kích hoạt Dự luật cho vay – cho thuê (luật này ra đời từ Chiến tranh Thế giới thứ II) để nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngày 10 tháng 5 năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ 40 tỉ USD bổ sung cho Ukraine (ông Biden đề nghị viện trợ 33 tỉ đôla). Mỹ và EU thống nhất bổ sung lệnh trừng phạt thứ 6 nhắm vào ngành năng lượng và ngân hàng của Nga, cắt mọi nguồn thu của Nga. Điều này đã làm lộ rõ thực chất cuộc chiến ở Ukraine là sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và EU. Tổng thống Mỹ Biden, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thủ tướng Anh Boris Johnson… đã phát biểu công khai sẽ cô lập Nga với châu Âu, sẽ làm cho Nga kiệt quệ, sụp đổ, làm mất hình ảnh của Nga trên thế giới… Những lời đe dọa của các nguyên thủ phương Tây hàm chứa sự quyết tâm làm Nga sa lầy ở Ukraine, kết hợp với trừng phạt kinh tế, cô lập về ngoại giao, gây rối loạn từ trong nước Nga khiến nước Nga và ông Putin phải thất bại. Ngày 9/5/2022, người Nga tuyên bố rằng “Nếu NATO muốn hủy diệt nước Nga bằng chủ nghĩa phát xít kiểu mới thì Mát-xcơ-va sẽ dùng biện pháp mạnh quét sạch khối quân sự này chỉ trong vòng 30 phút”.

Từ phân tích trên đây, dự báo cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn quyết liệt, kéo dài và rất có khả năng sẽ lan rộng ra ngoài Ukraine nếu như Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ và NATO tấn công vào lãnh thổ Nga, hoặc có sự tham chiến của quân đội NATO ở Ukraine. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân được giới quân sự nhắc tới nhiều lần nhưng với thái độ kiềm chế. Tuy nhiên, những khả năng xảy ra trên đây còn phụ thuộc vào việc Nga có làm chủ được chiến trường và đứng vững trước sức tấn công về kinh tế, ngoại giao của Mỹ và NATO hay không, đồng thời phụ thuộc vào mức độ kiềm chế của Mỹ và NATO.

Do đó, có thể nói rằng cuộc chiến tranh ở Ukraine chỉ kết thúc khi có sự thắng thua rõ ràng của Nga. Cuối cùng, nó sẽ được giải quyết ở các cuộc đàm phán mặc cả của các cường quốc, một bên là Nga, Trung và bên kia là Mỹ, Anh, Đức, Pháp. Thế giới sẽ được phân định lại như đã diễn ra khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Điều có thể đoán trước là thế giới sẽ chuyển sang đa cực, nhiều định chế quốc tế sẽ thay đổi hay được thiết lập mới, kể cả vai trò của Liên hợp quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới