Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiReam làm Mỹ “nóng” mặt

Ream làm Mỹ “nóng” mặt

Cái gì đến đã đến, ngày 8/6, Trung Quốc và Campuchia khởi công Dự án nâng cấp và cải tạo Căn cứ Hải quân Ream. Với sự kiện này, một lần nữa, câu chuyện về Ream trở lại nóng hổi.

Động thổ Dự án nâng cấp và cải tạo Căn cứ Hải quân Ream

Lễ khởi công có sự hiện diện của các quan chức cao cấp hai bên. Phía Trung Quốc, là đại sứ Vương Văn Thiên. Còn Campuchia, để thể hiện sự trọng thị với một đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đích thân ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng TeaBanh có mặt.

Hiện diện của các quan chức hai bên là quan trọng, nhưng quan trọng hơn, là những gì các yếu nhân này phát biểu. Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên, như “lên đỉnh” sự hưng phấn, sau những lời ca ngợi hết mực “tình hữu nghị Trung Quốc – Campuchia là “lâu dài và không thể phá vỡ”, đã khẳng định: Dự án này sẽ hỗ trợ cho quân đội Campuchia trong khả năng của mình, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước lên một tầm cao mới và đạt được những tiến bộ mới”.

Còn chủ nhà, ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng TeaBanh, ngoài tri ân lòng tốt của Trung Quốc dành cho Campuchia, nhấn mạnh rằng: “Quân đội và nhân dân hai nước Campuchia-Trung Quốc là tình hữu nghị chân chính giữa các dân tộc, là minh chứng quan trọng và là của cải quý báu cho việc xây dựng một cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại…”

Mặc cho những lời réo rắt, nức nở của ông Vương Văn Thiên và ông TeaBanh. Mặc ông TeaBanh cảnh bảo: “Có những cáo buộc rằng căn cứ Ream khi hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng. Không, hoàn toàn không phải như vậy”, dư luận, không những không tỏ ra hào hứng, mà còn và vẫn nhìn sự kiện này với con mắt nghi ngại. Thậm chí, đồ rằng, nó chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực và Biển Đông vốn đã quá phức tạp từ lâu nay.

Trong các quốc gia khó chịu và hoài nghi động cơ, mục tiêu thực của Trung Quốc, Mỹ là số 1.

Cách đây hai năm, tháng 10/2020, khi phát hiện Campuchia đã phá hủy tòa nhà do Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân này, Washington đã làm mình làm mẩy, chất vấn, đòi Phnom Penh giải thích ngọn ngành. Tiếp đó, lại thêm vụ một tham tán Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh giận dữ, đùng đùng bỏ dở chuyến thị sát Ream vì cho là mình bị chính quyền sở tại “cấm cửa”…

Washington giận thì Phnom Penh cáu. Không chỉ phủ nhận cáo buộc của Mỹ, ông Nem Sowath, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã phẫn nộ rằng: “Mỹ đang giả vờ. Họ nên biết rằng Campuchia có chủ quyền và luật pháp…”

Ông Nem Sowath có cái lý để mà nặng lời với Mỹ. Cái lý đó, là chủ quyền. Nhưng cũng có thể hiểu được, tại sao Mỹ lại quan tâm tới mức “soi mói” vào câu chuyện Ream của Campuchia?

Nước nào khác nhúng vào vụ Ream, Washington chẳng chấp. Nhưng đây là Trung Quốc – kẻ đang thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ, cũng là kẻ hằm hè với Mỹ về câu chuyện Biển Đông, nên Mỹ đâu có thể làm ngơ. Mà Trung Quốc, thời điểm này quá thèm muốn những quân cảng có vị trí chiến lược như Ream của Campuchia để có bàn đạp gia tăng sức mạnh quân sự bao trùm thêm một vùng rộng lớn tại Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Mục tiêu, tham vọng này, Trung Quốc không hề giấu diếm. Sách Trắng quốc phòng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” công bố ngày 24/7/2019, Bắc Kinh đã nêu rõ, một trong những việc Trung Quốc cần làm, là: “bù đắp khoảng cách giữa các hoạt động ở nước ngoài và khả năng bảo đảm hậu cần, phát triển lực lượng viễn dương, xây dựng các điểm cung cấp hậu cần ở nước ngoài …”. Cũng với mục tiêu đó, gần đây, ông Vương Nghị – nhà ngoại giao lão luyện của Trung Quốc, đã thực hiện chuyến công du tới 8 đảo quốc Nam Thái Bình Dương, nhưng đã không hoàn toàn có được cái gật đầu của các nhà lãnh đạo nhóm đảo quốc trên – khiến Mỹ, Úc và các đồng minh mừng rơn.

Trở lại câu chuyện Ream. Mập mờ mãi, cuối cùng cũng tới ngày hai bên làm động thổ. Đành là cả hai đều trấn an dư luận: “Dự án không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và sẽ có lợi cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa quân đội hai nước, thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế”, nhưng trong thực tế, dù nói ra hay không, chẳng có quốc gia nào thật thà tin vào điều đó. Riêng với Mỹ, họ hẳn coi sự thanh minh, thanh nga của cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh về sự kiện này không hơn những lời bông phèng.

Thế nên, Mỹ hậm hực là phải.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới