Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLệnh cấm khắc nghiệt của EU có thực sự bóp nghẹt kinh...

Lệnh cấm khắc nghiệt của EU có thực sự bóp nghẹt kinh tế Nga?

Liên minh châu Âu (EU) muốn sử dụng “vũ khí” dầu mỏ nhằm gây sức ép với Nga khi chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết, nhưng đây cũng được xem là “con dao hai lưỡi”.

Vào thập niên 1970, các quốc gia Ả Rập đã sử dụng “vũ khí dầu mỏ” để trừng phạt các chính phủ phương Tây vì đã hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur bằng cách giảm xuất khẩu dầu mỏ khiến giá dầu tăng vọt. Hiện nay, liên minh châu Âu (EU) cũng đang cố gắng sử dụng “dầu mỏ” như một loại vũ khí không có mùi thuốc súng nhằm làm “tê liệt” Nga. Tuy nhiên, sử dụng vũ khí này lại gây “sát thương” cho cả hai bên khi họ quá phụ thuộc lẫn nhau.

EU lệ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch giá rẻ từ Nga khi mua khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của nước này, còn 40% nguồn thu của Nga đến từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho EU. Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ sinh lợi nhất của Nga. Do đó, ngừng mua dầu mỏ để cắt nguồn thu tài chính của Nga trở thành một vũ khí mà EU muốn sử dụng để buộc Nga phải ngừng các hoạt động quân sự tại Ukraine. Động thái này được người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell gọi là “quyết định mang tính bước ngoặt làm tê liệt” cỗ máy quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vấn đề là liệu 27 quốc gia thành viên EU với các lợi ích gắn bó khác nhau với Nga, cũng như mức độ lệ thuộc dầu mỏ nặng nhẹ không đồng đều với Nga có làm cho “vũ khí dầu mỏ” này thật sự gây tổn thương cho nước Nga hay không.

Trước khi đi đến quyết định cấm nhập dầu mỏ từ Nga, phương Tây đã thực hiện 5 vòng cấm vận kinh tế với mục tiêu là các thực thể khác nhau của Nga nhằm cô lập phần lớn nền kinh tế của nước này khỏi phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế, mặc dù khắc nghiệt, nhưng vẫn không làm thay đổi chính sách của Nga tại Ukraine. Do đó, việc tẩy chay dầu mỏ được kỳ vọng có thể trở thành điểm mấu chốt để có thể xoay chuyển cục diện tại Ukraine.

Vào cuối tháng 5, người đứng đầu các chính phủ thành viên EU đã đạt được một thỏa thuận trong giai đoạn cấm một phần đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga nhắm mục tiêu vào dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Lệnh cấm của châu Âu sẽ cấm mua dầu thô của Nga như dầu diesel vào cuối năm nay, nhưng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga sẽ có hiệu lực vào năm tới. Tuy nhiên, EU cho biết cũng sẽ có một sự miễn trừ “tạm thời” đối với dầu được vận chuyển qua đường ống để cho các quốc gia thành viên EU như Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ qua đường ống. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết lệnh cấm năng lượng của Nga sẽ là một “quả bom nguyên tử” đối với nền kinh tế Hungary.

Liệu lệnh trừng phạt có hiệu quả?

Đây là một quyết định cấm vận không hề dễ dàng sau khi các nhà lãnh đạo trong khối EU đã tranh luận về vòng trừng phạt thứ 6 trong nhiều tuần. Về mặt lý thuyết, quyết định này rất có ý nghĩa với sự thống nhất và đoàn kết của EU, cũng như dũng cảm chính trị của các nhà lãnh đạo. Đó là việc các quốc gia EU sẵn sàng chịu đựng đau đớn về kinh tế để trừng phạt Nga khi chi phí nhiên liệu cao đã và đang gây ra đau đớn về kinh tế cho các quốc gia phải nhập khẩu nhiên liệu cũng như tiềm ẩn bất ổn chính trị cho các đảng cầm quyền ở châu Âu.

Tuy nhiên, lệnh cấm mang ý nghĩa “nửa vời” theo hai khía cạnh: lệnh cấm vận chỉ áp dụng đối với dầu mỏ, nhưng miễn trừ khí đốt; và thời gian có hiệu lực kéo dài tới cuối năm cho phép các quốc gia châu Âu tìm nguồn cung thay thế thay vì ngay lập tức. Thủ tướng Áo Karl Nehammer bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm nhưng thừa nhận rằng nó sẽ “chắc chắn gây đau đớn” cho châu Âu. Ông Nehammer cũng bác bỏ quan điểm về một lệnh cấm tương tự đối với khí đốt, lưu ý rằng việc tìm kiếm một loại dầu thay thế dễ dàng hơn nhiều.

Để hoạt động tẩy chay dầu mỏ Nga của EU có hiệu quả, lệnh cấm phải hạn chế hoặc chấm dứt khả năng bán dầu của Nga ngay lập tức. Một cuộc tẩy chay hoàn toàn bắt đầu ngay lập tức như cách Mỹ và Anh đã áp đặt đối với Nga, rõ ràng sẽ hiệu quả hơn là việc hạn chế nguồn cung từ từ cho đến cuối năm. Các quốc gia thành viên EU đơn giản là không có khả năng cắt đứt hoàn toàn dòng sản phẩm năng lượng của Nga, ít nhất là không thể trong một sớm một chiều.

Lệnh cấm năng lượng của Nga sẽ là một “quả bom nguyên tử” đối với nền kinh tế Hungary. Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu là điểm đến cho gần một nửa lượng dầu thô và chế phẩm dầu xuất khẩu của Nga trước cuộc xung đột Ukraine. EU đã nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày (bpd) vào năm 2021, bao gồm 0,7 triệu thùng/ngày thông qua đường ống, cũng như 1,2 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu tinh chế.

Trong đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong EU, là quốc gia mua dầu Nga hàng đầu của EU, nhập khẩu 687.000 thùng dầu thô/ngày và 149.000 thùng sản phẩm tinh chế/ngày theo số liệu vào tháng 11/2021. Đức cũng là nhà nhập khẩu dầu thô đường ống Nga lớn nhất của EU, đứng ở mức 555.000 thùng/ngày vào năm 2021. Hà Lan là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Nga và là nhà nhập khẩu hàng đầu của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Hà Lan đã nhập khẩu dầu thô 414.000 thùng/ngày và 335.000 thùng/ngày sản phẩm tinh chế vào tháng 11/2021.

Do vậy, việc đưa nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu thậm chí sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng với mức giá tăng nhanh vượt qua khả năng chịu đựng của các quốc gia EU. Chi phí trừng phạt Nga càng cao thì việc duy trì sự ủng hộ chính trị trong EU đối với các lệnh trừng phạt sẽ càng khó khăn hơn.

Tính toán của các bên

Câu hỏi chính là liệu Nga có thể tìm được những người mua khác cho dầu của mình thay thế cho EU hay không. Tất nhiên câu trả lời là có. Loại dầu thô của Nga, được gọi là Urals, chi phí sản xuất được dự tính chỉ khoảng từ 20-30 USD mỗi thùng, nên giá thành rẻ hơn các loại dầu mỏ khác. Dầu Urals của Nga hiện có giá khoảng 95 USD một thùng, trong khi dầu Brent là 120 USD. Trong khi đó, sự lo lắng về bất ổn nguồn cung do cuộc xung đột Ukraine đã đẩy giá dầu tăng vọt, dẫn đến doanh thu năng lượng cao kỷ lục cho Nga trong tháng 3 và tháng 4, hai tháng sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Nga đã kiếm được một nửa doanh thu năng lượng theo kế hoạch của năm. Doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên 62 tỷ euro trong 2 tháng đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, so với trung bình chỉ khoảng 12 tỷ euro một tháng trong năm 2021. Nước Nga vô tình trở nên “đắc lợi” từ lệnh cấm của châu Âu.

Vào năm ngoái, xuất khẩu khí đốt mang lại cho quốc gia này 60 tỷ USD, thì 4,3 triệu thùng dầu thô và 2,7 triệu thùng chế phẩm dầu mà Nga xuất khẩu mỗi ngày trong thời gian xảy ra xung đột đã mang lại nhiều gấp 3 lần.

Ngoài ra, không phải ai cũng đồng ý với EU. Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã ngay lập tức tăng mua dầu của Nga. Theo ước tính của Vortexa Analytics, nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển của Trung Quốc tăng kỷ lục gần 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng 5 so với 800.000 thùng/ngày trong năm 2021. Đó là chưa kể Trung Quốc nhận khoảng 800.000 thùng dầu/ngày của Nga thông qua các đường ống. Điều đó sẽ đưa tổng nhập khẩu dầu từ Nga trong tháng 5 của Trung Quốc lên gần 2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 15% tổng nhu cầu của Trung Quốc. Trong khi đó theo số liệu từ công ty Refinitiv Eikon, Ấn Độ đã mua tới 3,36 triệu tấn dầu thô Nga vào tháng 5/2022, gấp 9 lần so với trung bình mỗi tháng vào năm 2021, bất chấp sức ép từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn GLOBSEC Bratislava ở Slovakia vào ngày 3/6 về việc liệu Ấn Độ có giúp Nga tiến hành cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách mua dầu của Nga, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói thẳng: “Mua khí đốt Nga không phải là tài trợ cho chiến tranh sao? Phải chăng chỉ có tiền Ấn Độ và dầu xuất đến Ấn Độ mới là tài trợ chiến tranh, còn khí đốt đến châu Âu thì không phải? Hãy công bằng về vấn đề này đi”. Ngoại trưởng Ấn Độ không kiêng nể khi chỉ trích lệnh cấm vận nửa vời của EU đối với dầu mỏ của Nga, trong khi EU vẫn tiếp tục nhập khí đốt của Nga.

Ông Jaishankar bảo vệ quan điểm rằng Ấn Độ không mua dầu Nga, mà chỉ mua dầu tốt nhất giá rẻ cho Ấn Độ. Ấn Độ hiện nay phải nhập khẩu tới 85% lượng dầu thô cho nhu cầu của mình, và cho thấy họ không có việc gì phải ngừng nhập dầu mỏ Nga. Do đó, vũ khí dầu mỏ mà EU sử dụng đối với Nga sẽ hiệu quả tới đâu vẫn còn là một câu hỏi lớn, khi không phải cường quốc nào trên thế giới cũng cùng quan điểm với phương Tây.

Thậm chí, ngay trong lòng EU cũng tồn tại những bất đồng về cách thực hiện. Vấn đề ai sẽ là bên “chịu đau” giỏi hơn, EU hay Nga, cho đến cuối năm nay? Trong khi đó, xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn chưa biết đến khi nào.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới