Eo biển Đài Loan không phải là vấn đề của riêng Đài Loan, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự ổn định của cả một khu vực rộng lớn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bởi thế, khi Trung Quốc có âm mưu coi eo biển này là sở hữu của riêng mình thì lập tức Đài Bắc là chủ thể phản pháo đầu tiên, sau đó là Washington.
Hôm 14/6, Cơ quan Đối ngoại Đài Loan dõng dạc tuyên bố: Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế. Theo đó chính quyền Đài Bắc ủng hộ tàu chiến Mỹ quá cảnh qua vùng biển này (Reuters đưa tin).
Không còn e ngại Bắc Kinh, bà Âu Giang An-người phát ngôn Cơ quan Đối ngoại Đài Loan – trả lời phỏng vấn báo chí: Việc Bắc Kinh tuyên bố tuyến đường thủy ngăn cách hai bờ eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế mà là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là lấy bàn tay che mặt trời.
Bà Âu nói: “Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, nằm bên ngoài lãnh hải của chúng tôi và phù hợp với nguyên tắc tự do hàng hải ở vùng biển mở. Chúng tôi hiểu và ủng hộ sứ mệnh tự do hàng hải của Mỹ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”. Chính sách nhất quán của Đài Bắc là, tôn trọng mọi hoạt động của tàu thuyền nước ngoài tại eo biển Đài Loan, nhưng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Cơ quan Đối ngoại Đài Bắc cáo buộc Trung Quốc đang giở đủ chiêu trò “bóp méo” luật pháp quốc tế, hòng biến eo biển Đài Loan từ vùng biển quốc tế thành vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đại lục. Nó không bao giờ được xem là cái ống tay áo của Đại lục.
Như một hiệu ứng đôminô, Lầu Năm Góc lập tức lên tiếng. Cũng trong ngày 14/6 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố mạnh mẽ hơn: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thuỷ quốc tế. Đây là một khu vực mà các quyền tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, được bảo đảm theo luật pháp quốc tế, không một quốc gia nào có quyền can thiệp”.
Giờ đây, mối quan tâm lâu dài tới hoà bình và ổn định tại eo biển Đài Loan chính là vì an ninh và thịnh vượng của cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thế nhưng, theo ông Price, Washington rất quan ngại về “những lời lẽ hung hăng và hành động cưỡng ép của Trung Quốc đối với Đài Loan”.
Không chỉ “quan ngại”, tới đây chính quyền của tổng thống Joe Biden sẽ có hành động quyết liệt. Cụ thể sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả việc quá cảnh qua eo biển Đài Loan – Tuyên bố của ông Price nhấn mạnh.
Về phía Trung Quốc, không dễ để Đài Bắc và Washington “la làng”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn một điệp khúc rằng, Bắc Kinh khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán ở eo biển này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bác bỏ “tuyên bố vô lý” của Washington rằng eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế.
Cụ thể, Uông Văn Bân nói lấy được rằng: “Eo biển Đài Loan nằm trong lãnh hải và EEZ của Trung Quốc theo định nghĩa của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật nội địa. Trung Quốc được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan, đồng thời tôn trọng các quyền hợp pháp của các quốc gia khác trong những khu vực biển liên quan. Không có cái gọi là vùng biển quốc tế” (!).
Không phải đến hôm nay Bắc Kinh mới nói điều này. Từ lâu, họ luôn cảnh báo Mỹ không ảo tưởng hay đánh giá sai lầm về vấn đề Đài Loan. “Vấn đề Đài Loan liên quan đến nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung – Mỹ, nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây tác động xấu đến quan hệ song phương” – Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nói trong cuộc họp với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Luxembourg hôm 13/6.
Theo Trung Nam Hải, Mỹ phải tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” và các quy định của ba Thông cáo chung Trung – Mỹ, đồng thời xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn”.
Một bên là Mỹ-Đài Loan, bên kia là Trung Quốc, cuộc khẩu chiến đang nóng từng ngày. “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” là câu chuyện muôn thuở của các thầy cãi. Nhưng giẫm đạp lên cả luật pháp quốc tế thì chỉ có các ngài múa gậy ở Trung Nam Hải mới dám xài loại “luật rừng” như thế.
H.Đ