Trang Caixin Global của Trung Quốc đưa tin rằng trên mạng xã hội nổi tiếng Trung Quốc là Weibo hiện đang có đề tài nóng bỏng: người dân muốn rút tiền từ các ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam bị ngăn chặn bởi phần mềm theo dõi vị trí chống Covid. Sự phẫn nộ trên Weibo đang gia tăng.
Theo Caixin Global, vào ngày thứ Hai (13/6) vừa qua, một bài viết đăng trên nền tảng mạng xã hội Weibo (giống như Twitter hay Facebook) tố cáo và dẫn chứng rằng người muốn rút tiền mặt từ các ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam đã bị hạn chế, ngăn chặn bởi phần mềm theo dõi vị trí, vốn được sử dụng trong hệ thống các công cụ, chính sách chống Covid-19.
Bài báo này lập tức dẫn tới sự phẫn nộ của cộng đồng mạng khắp cả nước trên nền tảng Weibo.
Tính đến chiều thứ Ba, hashtag #Henan mã màu đỏ # 南 红 CODE đã lan truyền trên Weibo, có tới hơn 100 triệu lượt xem và hơn 11.000 bình luận (theo Caixin).
Sử dụng phần mềm chống Covid-19 để ngăn rút tiền mặt
Nhân sự kiện Đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lập tức thiết lập hệ thống “mã sức khoẻ”. Hệ thống này yêu cầu người dân Trung Quốc phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin di chuyển của họ, hệ thống cũng gắn với định vị. Mỗi khi di chuyển, mã có thể chuyển sang mầu đỏ nếu người đó đã qua các vùng có dịch bệnh nguy hiểm, mã chuyển mầu xanh nếu chưa qua các vùng này.
Khi chuyển đỏ, người dân bị cấm đi lại thậm chí bị áp dụng cách ly bắt buộc theo chính sách kiểm soát dịch bệnh hà khắc nhất thế giới của chính quyền Bắc Kinh.
Nhưng người dân Trung Quốc đã tố cáo rằng phần mềm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã được chính quyền sử dụng để ngăn người gửi tiền đi rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng ở tỉnh Hà Nam. Một số người gửi tiền tố cáo với trang Southern Metropolis Daily rằng mã sức khoẻ của họ chuyển sang đỏ khi họ tải thông tin cá nhân lên ứng dụng khu vực Hà Nam, mặc dù trước đó họ chưa hề đi qua các khu vực có rủi ro dịch bệnh. Điều này có hiệu quả ngăn những người gửi tiền bên ngoài tỉnh vào Hà Nam rút tiền. Ít nhất một người trong số những người tố cáo đã bị đưa đi cách ly dù mới chỉ khai báo trên ứng dụng của Hà Nam.
Người gửi tiền đã bị cách ly khi đến Hà Nam nói với Southern Metropolis Daily rằng nhân viên tại cơ sở này nói với anh ta rằng mã sức khỏe của anh ta sẽ chuyển sang màu xanh nếu anh ta trở về quê hương của mình.
Các nhân viên tại đường dây nóng dịch vụ của chính phủ Trịnh Châu không đưa ra bất kỳ lời giải thích cụ thể nào về vụ việc, nhưng nói rằng đã có vấn đề với dữ liệu lớn của hệ thống mã y tế và điều đó đã được báo cáo cho chính phủ.
Nhiều người gửi tiền được cho là trước đó đã tự tổ chức thành các nhóm WeChat để chuẩn bị trình bày khiếu nại của họ về các ngân hàng nông thôn với các cơ quan chức năng ở thủ phủ tỉnh Trịnh Châu vào hôm thứ Hai.
Dấu hiệu cạn thanh khoản trầm trọng
Các cơ quan quản lý tài chính, trong hơn một năm, đã ngăn chặn nỗ lực của các ngân hàng khu vực nhỏ trong việc mở rộng ra bên ngoài khu vực địa phương của họ vì nhận thấy rủi ro.
Điều này khiến các tài khoản giao dịch trực tuyến của người gửi tiền Trung Quốc đột ngột bị đóng băng. Khách hàng ngoại tỉnh không thể chuyển tiền ra khỏi tài khoản của họ. Họ chỉ có một cách duy nhất là di chuyển vào Hà Nam để rút tiền mặt ra. Nhưng phần mềm theo dõi định vị chống Covid-19 đã hỗ trợ tỉnh Hà Nam ngăn chặn hành động này của người gửi tiền.
Nhiều khách hàng từ các khu vực miền Nam và miền Đông Trung Quốc đã gửi số tiền lớn vào các ngân hàng nhỏ hơn này do lãi suất cao và phần thưởng bằng tiền mặt.
Lãi suất cao và phần thưởng bằng tiền mặt cho thấy các ngân hàng nông thôn Hà Nam đã lâm vào tình trạng nguy hiểm về thanh khoản. Nhưng ngăn người gửi tiền rút tiền một cách thô bạo chính là dấu hiệu rủi ro cạn kiệt thanh khoản đang ở mức báo động; sự sụp đổ theo kiểu domino trong hệ thống NHTM có thể xảy ra. Sự sụp đổ này thường bắt nguồn từ việc không thể kiểm soát các ngân hàng yếu kém. Trường hợp này ở Trung Quốc chính là các ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam.
Người dân ồ ạt rút tiền khỏi các NHTM Trung Quốc: Luôn bị đàn áp mạnh tay
Đây không phải lần đầu Trung Quốc ngăn chặn nỗ lực rút tiền mặt khỏi ngân hàng của dân cư. Thực tế, Trung Quốc luôn đàn áp mạnh tay với các sự kiện như vậy. Nhưng ngày càng nhiều hiện tượng người dân muốn rút tiền mà không thể rút trong hệ thống trong 3 năm trở lại đây.
Vào ngày 3/8, khi nhiều người dân Trung Quốc rút tiền ồ ạt khỏi Ngân hàng Huludao ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), The Epoch Times đưa tin. Họ vây chật kín hành lang ngân hàng suốt một ngày sau khi có thông tin cựu chủ tịch ngân hàng Wang Xueling đang bị điều tra với cáo buộc vi phạm luật lệ của ĐCSTQ. Điều này chỉ làm gia tăng thêm những lo ngại trước đó trong bối cảnh lợi nhuận ngành ngân hàng đang sụt giảm mạnh.
Những lo lắng về việc ngân hàng giải thể hoặc vỡ nợ thường “được” chính quyền Bắc Kinh nhiệt tình gắn mác là “tin đồn nhảm” chỉ càng làm người dân thêm phần lo lắng và nghi ngờ.
Nhằm “trấn an” dư luận, chính quyền đã trừng phạt 4 người vì tội “tung tin đồn thất thiệt” và chịu án tù, ngoài ra 13 người khác bị nhắc nhở kỷ luật.
Việc người dân Trung Quốc rút tiền ồ ạt ra khỏi Ngân hàng Huludao không phải là vụ duy nhất khiến chính quyền Bắc Kinh lo sợ trong năm nay. Kể từ cuối năm 2019, các vụ rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng đã gia tăng đều đặn trong lòng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Theo Reuters, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2019, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Y Xuyên và Ngân hàng Duyên hải Dinh Khẩu đều phải trải qua “vấn nạn” rút tiền ồ ạt sau khi người dân lo ngại về tình hình quản lý tồi tệ của giới chức ngân hàng tại đây. Trong khi đó, giới chức trách thì đổ lỗi là do tin đồn lan truyền trên mạng.
Tuy nhiên, năm 2020 mới làm ĐCSTQ run sợ thực sự, với dư chấn của đại dịch virus Vũ Hán làm rung chuyển các nền kinh tế trên toàn thế giới, Trung Quốc bắt đầu nếm mùi khủng hoảng tiền tệ với nhiều đợt tháo chạy vốn khỏi ngân hàng nhiều hơn.
Đầu tiên, tháng 4/2020 Ngân hàng Cam Túc đã phải đối mặt với rất đông khách hàng lo lắng đến rút tiền. Ít lâu sau, Ngân hàng Bảo Định cũng chứng kiến những người gửi tiền đổ xô vào tòa nhà và yêu cầu ngân hàng trả lại tiền của họ. Tiếp theo, Ngân hàng Thương mại Thành phố Dương Tuyền cũng trải qua tình trạng rút vốn ồ ạt tương tự như thế.
Tháng 7/2020, Ngân hàng Hengshui đã bị tấn công bởi đám đông khách hàng lo lắng yêu cầu rút tiền. Nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra sau khi ngân hàng bị người dân đồng loạt rút tiền. ĐCSTQ lại sử dụng chiêu bài cũ, đổ lỗi cho những tin đồn gây ra làn sóng hoảng loạn.
Tất nhiên, bong bóng bất động sản và nhiều vấn đề về nợ công, quản lý nợ xấu… trong nhiều năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp đổ của hệ thống tài chính Trung Quốc. Điều này, giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ chẳng thể đổ lỗi cho ai ngoài chính họ.
Một số ngân hàng đã được chính phủ trung ương cứu trợ trong hai năm qua, ám chỉ rằng ngay cả các các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ cũng nhận thức được nền kinh tế đang suy yếu trầm trọng.
Theo Financial Times, riêng trong năm 2019, hai ngân hàng Trung Quốc đã được cứu trợ một phần và một ngân hàng khác đã được chính phủ tiếp quản hoàn toàn.
T.P