Mới đây, Nikkei Asia Review của Nhật đã đăng tải bài viết “Trung Quốc đang lạc lối ở Thái Bình Dương”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tình hình rối ren hiện tại của Trung Quốc sau khi nội dung thỏa thuận Solomon bị rò rỉ.
Theo Nikkei, Trung Quốc đã bị từ chối một cách thẳng thắng nhất, bởi chính những quốc gia mà họ đang mong muốn hợp tác. Sở dĩ nội dung bài viết nhận định như vậy xuất phát từ việc vào những ngày cuối tháng 5/2022, Trung Quốc đã gửi cho 10 quốc đảo Thái Bình Dương bản dự thảo thông cáo hợp tác chung cùng kế hoạch hành động 5 năm, cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực. Tuy nhiên, với lý do thiếu sự đồng thuận, 10 quốc đảo đã đồng loạt từ chối thỏa thuận hợp tác Trung Quốc
Việc từ chối ký thỏa thuận đó là một dấu hiệu rất rõ về việc các đảo quốc Thái Bình Dương có ý chí riêng để hành động và lựa chọn rõ ràng trong quan hệ đối ngoại của riêng họ cũng như phản ứng với những mối lo ngại cụ thể tại khu vực. Các đảo quốc này đều có sự độc lập trong lựa chọn và họ nhận thức được những định hướng an ninh như vậy có thể mang lại điều gì cho họ.
Trang Nikkei cũng phân tích kỹ hơn rằng, ngay cả khi một số nước mà Trung Quốc tiếp cận thoải mái ký kết thỏa thuận phát triển song phương, phần lớn các quốc gia đều có cân nhắc lo ngại về các điều khoản an ninh của một thỏa thuận toàn diện hơn. Điều này cho thấy rõ rằng, bất kỳ thỏa thuận đa phương nào do Trung Quốc đề xuất cũng là bất khả thi và các quốc đảo Thái Bình Dương không bao giờ đồng ý những thỏa thuận đó một cách dễ dàng như vậy.
Tiếp theo phải kể đến sự phản đối dữ dội từ các quốc gia có mối quan hệ lâu đời ở Thái Bình Dương như Australia, New Zealand và Mỹ. Xuất phát từ việc cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập cơ sở quân sự ở Solomon, cả ba nước ngay lập tức đã có những động thái rất quyết liệt.
Trước đó, Mỹ đã cho biết rằng họ sẽ không loại trừ hành động quân sự chống lại Quần đảo Solomon nếu họ cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ ở đó. Các quan chức Mỹ lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc đặt ra “những tác động tiềm tàng về an ninh khu vực” đối với Mỹ và các đồng minh khác. Vài ngày sau đó, Mỹ cũng cảnh báo sẽ “đáp trả tương ứng” nếu Trung Quốc được phép thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trên Quần đảo Solomon.
Tương tự Mỹ, Australia cũng đã chỉ trích hiệp ước an ninh này. Hôm 24/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nếu thỏa thuận được ký kết, đây chính là “lằn ranh đỏ” không thể chấp nhận với Australia.
Theo Thủ tướng Scott Morrison, Australia sẽ phối hợp với các đồng minh để ngăn Trung Quốc thực hiện kế hoạch của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cũng gọi hiệp ước an ninh này là hành động “gây hấn”. Trong khi quan chức chuyên trách ngoại giao của Công đảng Australia, bà Penny Wong, nói rằng khu vực đã “trở nên mất an toàn hơn” vì thoả thuận này của Trung Quốc.
Cùng với đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng nhấn mạnh Hiệp ước Trung Quốc-Solomon đã vi phạm thỏa thuận giữa các thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Theo bà, đây là là điều “rất đáng quan ngại” và sẽ “tiếp tục lên án mạnh mẽ” mọi thỏa thuận được đề xuất với Trung Quốc.
Không chỉ dừng lại ở 3 nước nêu trên, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết tâm đẩy mạnh chiến lược phòng thủ của mình ở khu vực Thái Bình Dương do lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Theo Nikkei, EU hiện coi Trung Quốc là “mối đe dọa” lớn nhất trong khu vực. Những lo ngại ngày càng tăng về việc xây dựng quân đội và các ý định chiến lược bùng lên sau khi hiệp ước an ninh được ký kết giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi tháng 4 vừa qua. Điều này khiến cho các đối tác truyền thống của quần đảo này như Australia, Mỹ và New Zealand sôi sục phản đối.
Đặc biệt, thỏa thuận mang ngôn từ lỏng lẻo của Trung Quốc đã gây ra cảnh báo rằng sự ổn định của khu vực có thể bị đe dọa, với việc Trung Quốc có cơ hội đưa các tàu chiến đến khu vực Thái Bình Dương cách bờ biển Australia chưa đầy 2.000 km.
Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, EU đã tuyên bố mở rộng khái niệm về sự hiện diện trên biển ở Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép EU hỗ trợ hơn nữa sự ổn định và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương, tối ưu hóa việc triển khai hải quân. Với mục đích thúc đẩy hành động gắn kết của châu Âu và tạo điều kiện trao đổi thông tin và hợp tác với các đối tác của Ấn Thái Bình Dương, bằng cách tổ chức các cuộc tập trận trên biển và các chuyến cập cảng chung để đảm bảo an ninh quân sự tại khu vực này trươc sự bành trướng của Trung Quốc.
Ngoài ra, một số hoạt động khảo sát địa chất của Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương trong những năm gần đây cũng làm dấy lên lo ngại rằng các hoạt động quân sự của Mỹ có thể bị giám sát. Với khả năng giám sát rõ ràng của các thiết bị và vị trí của chúng gần đảo Guam đã dấy lên lo ngại các thiết bị này có thể được sử dụng để theo dõi các chuyển động của tàu ngầm Mỹ trong khu vực, giúp hải quân Trung Quốc linh hoạt hơn và mở rộng khả năng tự do đi vào khu vực quần đảo Thái Bình Dương.
T.P