Thông tin về tỷ lệ xử lý nước thải ở các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 15% được đưa ra tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 13.6 khiến không ít người “giật mình”.
Theo bà Đặng Anh Thư, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, việc đầu tư xử lý nước thải ở các địa phương còn rất nhiều hạn chế.
Cụ thể, đầu tư các hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi vốn rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách hạn chế, còn việc huy động vốn từ xã hội hóa đầu tư xử lý nước thải rất khó khăn do vốn lớn, thu hồi chậm nên khó thu hút được.
Bà Thư thông tin thêm, số lượng đô thị tăng nhanh, tốc độ đô thị hoá cũng mạnh, với khoảng 870 đô thị trên cả nước hiện nay. Trong khi đó, xử lý nước thải đô thị đang chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn nhưng còn thiếu rất nhiều.
Bà Thư nêu ví dụ ở Hà Nội, theo quy hoạch có 31 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay mới chỉ có 6 nhà máy, đáp ứng được khoảng 28% khối lượng nước thải cần xử lý. Còn tại TP.HCM, hiện mới có 3 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số quy hoạch là 11 nhà máy. Tỷ lệ xử lý nước thải ở đô thị trong cả nước hiện chỉ mới đạt khoảng 15% là rất thấp. Về tỷ lệ thu gom nước thải, bà Thư cho biết, hiện đạt khoảng 65% tổng lượng nước thải tại các đô thị.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng cho biết, việc đầu tư cho cấp nước sinh hoạt tăng rất nhanh, chênh lệch rất nhiều so với đầu tư cho xử lý nước thải.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lưu ý, cần phân biệt rõ nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp, khu đô thị mới thì việc thu gom, xử lý nước thải tương đối tốt vì các dự án đầu tư xây dựng sau này đều có yêu cầu trạm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Theo Thứ trưởng Hùng, tại các đô thị cũ, khu dân sinh hình thành rải rác trong các đô thị thì chưa thu gom, xử lý nước thải tốt do trước đây chưa có quy định.
Cũng theo Thứ trưởng Hùng, tỷ lệ xử lý nước thải nói chung tại các đô thị không cao. Tuy nhiên, để lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở các đô thị cũ, khu dân sinh tản mạn sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian. Trong tương lai, cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy thu gom, xử lý nước thải. Đây là vấn đề rất lớn, cần có thời gian. Tại các nước ASEAN, tỷ lệ xử lý nước thải ở các đô thị thường trên 50%.
T.P