Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột sắc lệnh cắm rễ vào những miếng đất màu mỡ

Một sắc lệnh cắm rễ vào những miếng đất màu mỡ

Chỉ một vài tuần sau khi Trung Quốc ký hợp tác với đảo quốc Solomon ở Nam Thái Bình Dương, cũng là lúc căng thẳng Đại lục với hòn đảo Đài Loan gia tăng, Trung Nam Hải bất ngờ ban bố một Sắc lệnh. Ngay sau khi được công bố Sắc lệnh này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều.

Sắc lệnh điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh” cho Chủ tịch Tập Cận Bình ký có một điểm khá mờ mịt: cho phép quân đội nước này tiến hành “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài. Đưa binh lính sang nước khác đã là không bình thường. Càng không bình thường khi những người lính ấy lại được làm những viẹc quân sự “đặc biệt”.

Hay là Bắc Kinh đang học theo Moscow, khi ông bạn vàng đang mở chiến dịch quân sự “đặc biệt” tại Ukraine và đang sa lầy?

Hay là Bắc Kinh muốn mượn miếng đất mới vỡ hoang Solmon để cắm rễ sang các đảo quốc bên cạnh?

Tân Hoa xã cho biết, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 15/6, chủ yếu quy định một cách có hệ thống các nguyên tắc cơ bản, tổ chức, chỉ huy, các loại hoạt động, công tác chính trị trong quân đội. Với sáu chương được viết cô đọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng hoạt động thời bình của quân đội Trung Quốc. Và Hãng thông tấn lớn của Trung Quốc nói như thò tay vào bị: “Sắc lệnh nhằm bảo vệ tài sản, duy trì chủ quyền quốc gia, an ninh, các lợi ích phát triển và ổn định khu vực”.

Cơn cớ nào mà sinh ra cái sắc lệnh cho phép binh lính Trung Quốc trong hoàn cảnh “đặc biệt” có thể tự do dùng súng ống ở nước ngoài? Có thể bắt đầu từ câu chuyện, vào năm 2013, Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã trình lên một phương án “tăng cường hoạt động thời bình của quân đội”. Phương án này lí giải: các hoạt động quân sự không phải là gây chiến tranh. Đây chỉ là “phương tiện quan trọng chiến lược để đạt được ý định chính trị và hỗ trợ mở rộng các lợi ích của đất nước”.

Theo các chuyên gia, việc đánh bại lực lượng của kẻ thù mà không cần giao chiến là trạng thái tối cao của xung đột quân sự. Cứ chung chung, lấp lửng như thế, tưởng vô hại, nhưng khi xảy ra xung đột thì những khoảng mờ ấy mới phát huy tác dụng đắc địa.

Đề xuất của Học viện Khoa học quân sự còn lưu ý, các hoạt động quân sự phi chiến tranh ở nước ngoài, với sự tham gia của quân đội nước ngoài, cũng đòi hỏi phải thiết lập các mối quan hệ hợp tác và phối hợp với cơ quan dân sự và quân sự ở những nước đó và với các tổ chức quốc tế.

Để dọn dẹp dư luận, trước và sau khi ban bố sắc lệnh, các phương tiện truyền thông khổng lồ của Trung Quốc đã có nhiều bài đại luận để tuyên truyền, giải thích biến trái thành phải theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời chuyên gia cho rằng, văn bản này sẽ chỉ quy định các nhiệm vụ quân sự phi truyền thống của Quân đội Trung Quốc (PLA). Đó là, cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, ứng phó với các cuộc khủng hoảng chính trị…

Một “nhà nghiên cứu” thuộc Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, giải thích: Sắc lệnh được soạn thảo dựa trên sự kết hợp giữa khái niệm “hoạt động quân sự khác với chiến tranh” của Mỹ (công bố vào những năm 1990). Vậy là ông này đã giơ Mỹ ra để ngụy biện cho hành động bành trướng của mình.

Báo chí Trung Quốc cũng có nhiều bài xoay quanh chủ đề, đây không phải là cơ sở triển khai quân đội ra nước ngoài; không phải là cái cớ để tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự chống lại các nước khác. Khi lực lượng Trung Quốc tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình, họ luôn nhớ rằng phải tuân thủ cả Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp của nước sở tại.

Vào năm 2015, Tập Cận Bình gợi ý với Quân ủy Trung ương cần thành lập một lực lượng dự phòng gồm 8.000 lính gìn giữ hòa bình. Sau 7 năm, lực lượng đó mới đạt khoảng 2.500 người. Phần lớn binh sĩ được ví như những nhà ngại giao mặc áo lính đang làm niệm vụ tại các nước Afghanistan và Pakistan. Ở hai nước này, công dân Trung Quốc đang bị đe dọa, dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.

Nhưng tình hình Đài Loan có sự tiếp sức của Mỹ đang trở nên nóng bỏng. Suốt trong tháng 6, Đài Bắc ra rả tuyên bố Eo biển đài Loan không phải cái ống tay áo của Trung Quốc. Đây là tuyến hàng hải quốc tế, cần phải bảo đảm tự do tuyệt đối ở khu vực này. Thêm vào đó là các tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông càng khiến cho chính quyền của ông Tập nôn nóng trong việc ban hành sắc lệnh.

Bắc Kinh tuyên bố, PLA có thể tấn công quân sự với Đài Loan theo “Đạo luật chống ly khai” (năm 2005) nếu hòn đảo này đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, mà không cần đến Sắc lệnh điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”. Vậy thì cái sắc lệnh quái thai này sẽ áp dụng ở đâu? Ngoài Afghanistan và Pakistan có thể sẽ là Campuchia, Solomon, Philippines… và những nơi nào khác mà Bắc Kinh đã và đang đặt tiền đồn quân sự?

Cái sắc lệnh này như cái rễ cây khổng lồ đang vươn tới các châu lục, tìm đến những mảnh đất màu mỡ, khiến cho nhiều quốc gia đang hợp tác làm ăn với Trung Quốc phải nghe ngóng, dè chừng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới