Vào cuối những năm 1980, cảng Cam Ranh (Việt Nam) được Moscow thuê để làm nơi tiếp tế hậu cần cho các chuyến tuần tra của tàu ngầm lớp Foxtrot.
Màn ‘tái xuất’ bất ngờ
Trào lưu sưu tầm những món đồ trong quân đội ngày càng trở nên phổ biến những năm gần đây. Trong khi phần lớn các nhà sưu tầm bình dân đành phải hài lòng với những chiếc mũ bảo hiểm hoặc đồng phục cũ, thì các nhà sưu tầm cao cấp lại có thể mua được ‘gần như mọi thứ’.
Ví dụ, nam diễn viên Brad Pitt đang sở hữu một chiếc phi cơ Spitfire thời Thế chiến II và xe tăng T-54 của Nga, trong khi người đồng sáng lập quá cố của Microsoft Paul Allen từng có trong tay bộ sưu tập xe tăng quân sự lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 1 năm nay, một thứ thậm chí còn hiếm hơn Spitfire và T-54 đã được rao bán, khiến các nhà sưu tầm kinh ngạc, đó là tàu ngầm lớp Foxtrot từng phục vụ Hải quân Liên Xô và sau này là Hải quân Nga.
Theo website The MySubmarines.com, nơi đăng bán chiếc tàu này, con tàu đã được Hải quân Liên Xô cho ngừng hoạt động vào năm 1993 để chuyển đổi thành bảo tàng. Nó đã phục vụ Hạm đội Baltic của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau đó được dùng làm tàu huấn luyện cho các thủy thủ đoàn từ nước ngoài.
Chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot chính thức trở thành thành viện bảo tàng từ năm 1998. Tất cả các thiết bị bên trong tàu vẫn được giữ nguyên, không có khoang nào bị loại bỏ, trong khi ngăn chứa pin phía trước đã được điều chỉnh thành căn phòng với sức chứa 30 người.
Trong số 74 tàu ngầm lớp Foxtrot đã được chế tạo, 7 chiếc hiện đang được bảo tồn. Có một chiếc Foxtrot từng phục vụ Hải quân Ấn Độ với tên gọi INS Kursura (S20) và nay cũng đã được chuyển đổi thành tàu bảo tàng tại Visakhapatnam.
Sự cố hy hữu ở Cam Ranh
Nhắc đến các tàu ngầm lớp Foxtrot thì ngoài vai trò của chúng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, người ta còn nhớ đến một sự cố hy hữu diễn ra ở cảng Cam Ranh, Việt Nam.
Theo báo Kiến Thức và báo Thanh Niên, trong cuốn sách mang tên “Cam Ranh hay là chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot cuối cùng” được cựu thủy thủ tàu ngầm Nga – ông Yuri Krutskikh xuất bản, có một chi tiết rất thú vị, đó là việc Liên Xô từng suýt “bỏ quên” một quả ngư lôi hạt nhân ở cảng Cam Ranh chỉ vì sự cố giấy tờ.
Cuốn sách kể lại rằng, các tàu ngầm lớp Foxtrot của Liên Xô vào cuối những năm 1980 thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra ở biển Đông và eo biển Malacca. Cảng Cam Ranh khi đó được Moscow thuê, để làm nơi tiếp tế hậu cần cho các chuyến tuần tra này.
Theo quy tắc an toàn, mỗi khi tàu ngầm về căn cứ, ngư lôi hạt nhân trên tàu sẽ được tháo dỡ, đưa lên bờ cất giữ để tránh bị tình báo đối phương dòm ngó, hoặc xảy ra tai nạn trong cảng.
Sự cố của chiếc tàu ngầm mà ông Yuri Krutskikh phục vụ đã xảy ra khi vận chuyển hai quả ngư lôi hạt nhân lên bờ. Sau quả đầu tiên, trời bỗng nổi gió lớn và về nguyên tắc, việc chuyển ngư lôi sẽ bị dừng lại.
Đáng nói là dù chỉ nhận một quả ngư lôi, bộ phận hậu cần của Liên Xô đóng tại quân cảng Cam Ranh vẫn ghi biên nhận… đã nhận đủ 2 quả. Điều này khiến cho một quả ngư lôi chưa được đưa lên bờ, bị “bỏ quên” trên tàu ngầm Foxtrot.
Thậm chí vào ngày hôm sau, khi thủy thủ đoàn gọi điện cho bộ phận hậu cần yêu cầu xe và cần cẩu ra cảng để nhận nốt quả ngư lôi còn lại, nhân viên quân khí còn lớn tiếng quát rằng họ đã nhận đủ, ngư lôi đã vào kho.
Trong phút chốc, thủy thủ đoàn trên chiếc tàu ngầm Foxtrot này của Liên Xô đã tính tới chuyện mang quả ngư lôi bị bỏ quên… đi bán. Ông Yuri kể lại trong cuốn sách của mình về việc lên ý tưởng bán quả ngư lôi cho Saddam Hussein với giá hàng triệu USD.
Tuy nhiên ý tưởng của họ chỉ tồn tại vài giờ trước khi bộ phận hậu cần nhận ra vấn đề và đánh xe ra tận cảng, đòi lại quả ngư lôi thứ hai. Chỉ sau nửa giờ, quả ngư lôi thứ hai được đưa lên bờ và giấc mơ triệu phú của các thủy thủ đoàn tàu ngầm cũng tan thành mây khói.
Quả ngư lôi xuất hiện trong câu chuyện này nhiều khả năng là ngư lôi T-5, loại ngư lôi hạt nhân được Liên Xô bí mật chế tạo và trang bị cho các tàu ngầm lớp Foxtrot. Ngư lôi có khả năng tạo ra vụ nổ tương đương 4,8 kiloton.
Loại ngư lôi này được Liên Xô bí mật trang bị cho các tàu ngầm lớp Foxtrot. Để đảm bảo yếu tố bí mật, ngư lôi không có bất cứ ký hiệu gì đặc biệt, vẻ ngoài giống hệt ngư lôi thông thường.
Ông Yuri Krutskikh thậm chí còn cho rằng, cái ngày mà quả ngư lôi hạt nhân bị bỏ rơi trên tàu ngầm Foxtrot ở Cam Ranh đáng lẽ đã thay đổi hoàn toàn lịch sử nếu như bên quân khí không phát hiện ra sự việc.
Ông cho rằng, nếu trót lọt bán quả tên ngư lôi này cho Saddam Hussein, Iraq sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ cùng Liên quân có lẽ sẽ không tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào quốc gia này như những gì từng diễn ra trong lịch sử.
T.P