Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam tìm kiếm lợi ích thực dụng từ IPEF

Việt Nam tìm kiếm lợi ích thực dụng từ IPEF

Việc tham gia vào sáng kiến mới của Mỹ thể hiện khát vọng đạt được lợi ích kinh tế cũng như vị thế vững chắc của Việt Nam trong cấu trúc kinh tế khu vực. Tuy nhiên, sự can dự một cách toàn diện của Việt Nam là không chắc chắn.

Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khởi động việc thành lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), vốn đã được mong đợi từ lâu, nhằm tăng cường cam kết kinh tế của Washington với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu đề ra, IPEF tập trung vào “bốn trụ cột” để thúc đẩy các tương tác kinh tế mang tính kết nối, linh hoạt, trong sạch và công bằng với các đối tác trong khu vực.

Không quá ngạc nhiên khi Việt Nam tham gia vào khuôn khổ kinh tế do Mỹ dẫn đầu. Nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại, Việt Nam từ lâu đã tìm cách hòa mình vào các thể chế kinh tế quan trọng, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Khi tham gia các khuôn khổ này, Việt Nam theo đuổi hợp tác đa hướng ở nhiều cấp độ hội nhập kinh tế. Với tư cách thành viên của IPEF, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của khuôn khổ, bởi lẽ sáng kiến kinh tế này sẽ được dẫn dắt bởi các cuộc đối thoại quan trọng giữa các đối tác liên quan.

Đặc biệt, vào thời điểm mà tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã ám ảnh các nền kinh tế Đông Nam Á, việc đảm bảo sự ổn định của các chuỗi cung ứng then chốt là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Vào tháng 12 năm ngoái, việc thắt chặt biên giới đất liền của Bắc Kinh do bùng phát dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng hỗn loạn cho các nhà sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, dẫn tới những ý kiến phản đối từ phía các nhà lãnh đạo Hà Nội. Tệ hơn, chiến tranh Ukraine đã ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Hai trường hợp trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc địa chính trị và sự gián đoạn thương mại. Do đó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các đối tác IPEF có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, nhất là khi các hành động của Moscow và Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc trở thành thành viên của IPEF có thể giúp củng cố các lợi ích địa kinh tế và địa chính trị của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế Mỹ – Trung và các quốc gia đang đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, tránh việc chỉ đầu tư vào Trung Quốc, còn gọi là chiến lược “Trung Quốc + 1” (China-Plus-One). Tham gia vào IPEF, Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và bảo vệ môi trường. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Intel, Apple và Google tại Thung lũng Silicon đã mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ và hệ sinh thái kỹ thuật số của Mỹ vì đáp ứng được mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ cao này. Một tin tốt là gã khổng lồ công nghệ Apple đang xem xét đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, nơi hiện có “31 nhà máy sản xuất và lắp ráp các bộ phận và thiết bị điện tử cho các sản phẩm của Apple”.

Năng lượng sạch và biến đổi khí hậu nổi lên như mối quan tâm ngày càng tăng của chính phủ Việt Nam. Là một trong sáu quốc gia toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, bao gồm cả các mối đe dọa từ sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán, Việt Nam đã đưa chủ đề này lên các diễn đàn môi trường khác nhau. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), ông Chính đã mô tả biến đổi khí hậu là một trong những sức ép chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam về việc đạt được mức phát thải ròng bằng “0” (net-zero) vào năm 2050. Gần đây, Việt Nam đã nhấn mạnh quyết tâm hợp tác với Mỹ về các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về môi trường, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ thiết thực từ Washington để Hà Nội trở thành “một nhà lãnh đạo ASEAN về năng lượng tái tạo”.

Ngày 14/5, trong buổi gặp gỡ với ông Chính tại Boston, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry nhấn mạnh chính quyền Biden sẽ thúc đẩy quan hệ với các bộ, ngành Việt Nam, đồng thời hỗ trợ nước này “phát triển năng lượng tái tạo, giảm khí thải, và củng cố cơ sở hạ tầng một cách bền vững”. Ngoài ra, do Mỹ duy trì quan hệ đối tác năng lượng sạch và tìm cách tăng cường hợp tác song phương với New Zealand, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc, nên có khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi cam kết đa phương với các nước trên về phi cacbon hóa và chuyển đổi năng lượng tái tạo. Điều này sẽ thúc đẩy vai trò ngày càng lớn của Hà Nội trong nhận thức của các cường quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ Mỹ và các cường quốc tầm trung khác trong việc chuyển đổi kỹ thuật số–một lực đẩy quan trọng giúp Việt Nam vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và đạt mức phát thải ròng bằng 0. Năm ngoái, Việt Nam đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và mở đường hướng tới nền kinh tế số. Các thành viên của IPEF có thể chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp bền vững của họ, qua đó thúc đẩy năng lực và sự tự tin của Việt Nam trong việc phấn đấu vì một xã hội kỹ thuật số bền vững.

Tuy nhiên, cần xem xét khả năng Việt Nam có sẵn sàng tham gia trụ cột “nền kinh tế công bằng” của IPEF với cam kết thực thi “các cơ chế thuế, chống rửa tiền và chống tham nhũng hiệu quả”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiến trúc sư trưởng của chiến dịch “đốt lò”, một chiến dịch đáp ứng mong mỏi từ lâu của người dân Việt Nam về chống hối lộ và tham nhũng. Dù vậy, chiến dịch của ông có thể trở nên không chắc chắn với những tin đồn về sức khỏe và tranh cãi xoay quanh việc liệu ông Trọng có thể giữ chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026. Nếu ông Trọng không còn tại nhiệm, “lò” chống tham nhũng của ông có thể bị tắt hay “le lói”, khiến cam kết của Việt Nam hướng tới một “nền kinh tế công bằng” trở nên ít ràng buộc hơn.

Hơn nữa, Việt Nam có thể coi một số chủ đề nhỏ bên trong chiếc ô “nền kinh tế công bằng” là quá nhạy cảm. Các nhà lãnh đạo bảo thủ ở Hà Nội vẫn hoài nghi về “diễn biến hòa bình”, một thuật ngữ biểu thị sự can dự thầm lặng nhưng gia tăng của các “thế lực” bên ngoài nhằm chuyển đổi quốc gia cộng sản sang dân chủ tự do. Dường như những nhà bảo thủ Việt Nam sẽ tìm cách tránh tham gia đối thoại hay phối hợp với Mỹ về dân chủ tự do hoặc các chủ đề liên quan đến chống tham nhũng. Một điều quan trọng không kém là chủ nghĩa bài Mỹ vẫn “bám trụ trong một số tầng lớp nhân dân”, phản ánh sự bất bình về chủ nghĩa đế quốc Mỹ và sự vi phạm nhân quyền của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam có thể không tham gia vào tất cả các trụ cột của IPEF, Mỹ cần hiểu rõ mong muốn thực sự của Việt Nam và đưa ra các hỗ trợ rõ ràng hơn, chẳng hạn như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), khuyến khích các công ty và nhà đầu tư của Mỹ thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam, đồng thời tôn trọng và chấp nhận những khác biệt nhất định trong quan hệ hai nước, như những giá trị tư tưởng và chế độ chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các sức ép kinh tế và những bất ổn sau khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Biden cần giúp Việt Nam xây dựng các chính sách có giá trị thiết thực để tăng cường khả năng co giãn về kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Với sự nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và “hợp tác lấy con người làm trung tâm” với các cường quốc cùng chung chí hướng khi tham gia IPEF, Việt Nam nhiều khả năng sẽ lựa chọn các cơ chế linh hoạt và khả thi thay vì tự khóa mình vào bất kỳ lộ trình hoạt động cố định nào. Để tăng cường vị thế so với các quốc gia tham gia IPEF, Hà Nội cần giải quyết những thiếu sót như năng suất lao động tương đối thấp, các hoạt động đổi mới và sáng tạo còn khá khiêm tốn, các quy định thiếu chặt chẽ trong công nghệ tài chính và sự yếu kém trong xuất khẩu hàng hóa tinh vi sang các nước phát triển. Hơn nữa, gắn kết mối quan tâm và lợi ích giữa Việt Nam với các đối tác thông qua các cuộc đối thoại bình đẳng và tham vấn thường xuyên cần được tạo điều kiện để hướng IPEF đến “một quá trình toàn diện, cởi mở và linh hoạt,” theo như những gì ông Chính đã nhấn mạnh tại lễ tuyên bố khởi động thảo luận về khuôn khổ kinh tế này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới