Mỹ vẫn đang thể hiện sự thận trọng chiến lược của họ trong việc hỗ trợ Ukraine để đảm bảo rằng sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ có thể đẩy xung đột vượt ra ngoài quốc gia Đông Âu.
Kể từ ngày 24/2 khi Nga tuyên bố đưa quân vào Ukraine để mở chiến dịch đặc biệt, Mỹ và đồng minh phương Tây đã cam kết viện trợ cho Kiev các khoản tiền trị giá hàng chục tỷ USD. Theo ước tính của Foreign Policy, khoản tiền mà Mỹ hỗ trợ cho Ukraine gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trung bình hàng năm của Kiev. Mức so sánh này cho thấy, sự quyết tâm của Washington và phương Tây nói chung nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như vẫn có xu hướng thận trọng trong các quyết định vì lo ngại rằng họ có thể chọc giận “gấu Nga” và đẩy cuộc chiến ở Ukraine mở rộng ra một quy mô khó lường và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nữa trên phạm vi toàn cầu.
MỸ “ĐI TRÊN DÂY”
Trên thực tế, Mỹ đã tỏ ra cân nhắc và thận trọng từ đầu cuộc chiến. Vào thời điểm đó, họ và các đồng minh phương Tây chỉ gửi vũ khí hạng nhẹ tới cho Ukraine để đối phó Nga.
Điều này xuất phát từ nỗi lo ngại việc Washington gửi các vũ khí hạng nặng sẽ khiến Nga coi là hành động gây hấn trực tiếp và có thể kéo theo những rủi ro nghiêm trọng.
Ngoài ra, Washington ban đầu chưa tin tưởng vào khả năng phản kháng của Ukraine. Theo Financial Times, ngay sau khi nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 100 ngày trước, tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, đã đưa ra một dự đoán khá tiêu cực. Ông cho rằng, có khả năng xảy ra kịch bản Ukraine có thể thất thủ trong 72 giờ đầu tiên.
Sau khi Ukraine tương đối thành công trong việc cản được đà tiến của Nga ở Kiev và một số khu vực khác, Nga quyết định mở chiến dịch quân sự giai đoạn 2, tập trung vào Donbass. Đây được xem là động thái bước ngoặt.
Một Ukraine chứng minh được năng lực tác chiến ở một mức độ nhất định và việc Nga áp đảo hoàn toàn Kiev với “mưa” hỏa lực phóng ra ở miền Đông, trở thành những yếu tố khiến Mỹ quyết định chuyển vũ khí hạng nặng, tầm xa cho Kiev.
Ukraine rất chờ đợi viễn cảnh này, trong bối cảnh họ nhiều lần tuyên bố sẽ không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình và kêu gọi sự hỗ trợ từ phương Tây để đạt được thế cân bằng với Nga.
Tuy nhiên, thực tế đang khiến Ukraine đối mặt với những bất lợi nhất định.
Mỹ đã cam kết sẽ chuyển các hệ thống pháo cơ động cao HIMARS tới cho Ukraine, thứ vũ khí mà Kiev nhận định có thể làm “thay đổi cuộc chơi”. Tuy nhiên, quyết định này lại được xem là “quá muộn và quá ít ỏi” khi lô HIMARS ban đầu mà Mỹ tính chuyển chỉ có 4 hệ thống.
Ukraine đã gửi lời cảm ơn Mỹ vì các hệ thống HIMARS nhưng họ đồng thời cũng nói rằng, họ cần tới 60 tổ hợp này để có thể thay đổi cục diện trước lực lượng Nga.
Tuy nhiên, giờ đây Ukraine cũng chưa nhận được HIMARS. Mỹ nói Ukraine muốn đưa ngay các vũ khí này ra chiến trường, nhưng vướng phải rào cản là quân nhân của họ chưa biết cách sử dụng. Việc chuyển giao sẽ bị kéo dài cho tới khi binh sĩ Ukraine nắm được cách tác chiến với HIMARS, trong bối cảnh Kiev đang “chạy đua với thời gian trước Nga” khi họ mất hàng trăm quân nhân mỗi ngày ở Donbass.
Câu hỏi đặt ra là tới khi nào Ukraine mới có đủ 60 hệ thống rocket phóng loạt như họ mong muốn để đảo ngược tình thế trước Nga, khi trên thực tế, họ còn chưa nhận được lô 4 hệ thống đầu tiên?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ bắt đầu huấn luyện và chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine từ vài tháng trước, quá trình này sẽ không bị đình trệ dài như vậy trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế ở miền Đông.
Theo Foreign Policy, những người ủng hộ sự thận trọng của chính quyền Biden cho rằng, đó là cách tiếp cận hợp lý vì Nga dù bị “thương tích” (do chiến sự với Ukraine) nhưng vẫn đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Bất cứ hành động nào liên quan tới vũ khí, có thể chạm vào lằn ranh đỏ của Nga, dẫn tới nguy cơ cuộc xung đột lan rộng ra ngoài Ukraine.
Ngoài ra, theo chuyên gia về an ninh quốc gia Jack Detsch, Nga vẫn là cường quốc có tầm ảnh hưởng trong một số vấn đề liên quan tới Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu hay thậm chí là cuộc cạnh tranh trên không gian mạng.
Nếu các hành động của Mỹ kích hoạt một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, nó có thể đẩy quan hệ giữa 2 cường quốc tới mức không thể cứu vãn và điều này chính là lằn ranh đỏ mà Mỹ không muốn vượt qua.
Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan khẳng định rằng, Moscow và Washington không thể “chia tách hoàn toàn”.
“Chúng ta sẽ không thể chia tách hoàn toàn. Chúng ta không thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhau và dừng trao đổi lẫn nhau. Điều tối thiểu là chúng ta vẫn đang ngồi gần nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York mỗi ngày. Bất kể vì điều gì đi chăng nữa, chúng ta nên trao đổi với nhau ở Liên Hợp Quốc, ở Hội đồng Bảo An”, ông Sullivan nói.
Vì vậy, việc Mỹ cố gắng “đi trên dây” trong thời gian qua được xem là điều không quá khó hiểu.
Theo chuyên gia Alexander Motyl, giáo sư đại học Rutgers (Mỹ), Washington trong thời gian qua đã phỏng đoán những kịch bản có thể khiến nổ ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa phương Tây và Nga.
Nga nhiều lần khẳng định họ sẽ đáp trả nếu phương Tây tấn công Nga hoặc Moscow nhận thấy sự kết hợp của nhiều sự kiện có thể gây đe dọa tới sự tồn vong của nước này.
Nếu suy xét theo hướng này, Nga có thể cảm thấy bị đe dọa nếu Ukraine gia nhập NATO và tên lửa phương Tây được triển khai ở Ukraine, ngay sát vách Nga. Đó là chỉ là một kịch bản có thể xảy ra, và Nga còn có thể có những mối lo ngại khác mà Mỹ dường như đang cố gắng phỏng đoán để không “chọc giận” Moscow.
SỰ MƠ HỒ GÂY BỐI RỐI
Chuyên gia Detsch cho rằng, Mỹ đã cố gắng duy trì cách tiếp cận thận trọng từ rất lâu trước khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra.
Kể từ khi Nga bắt đầu gia tăng hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine vào năm ngoái, các quan chức Mỹ đã họp kín nhằm định nghĩa về việc liệu động thái cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ nào cho Ukraine có thể được coi là động thái leo thang. Trước thời điểm Nga quyết định điều quân sang Ukraine, hầu hết các tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ và phương Tây chuyển cho Kiev từ năm 2017 vẫn bị niêm cất ở các nhà kho tại Tây Ukraine, khu vực rất xa so với tiền tuyến tại miền Đông.
Sau khi chiến sự bùng phát, phía Ukraine nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng, Mỹ có thể đang thận trọng trước nguy cơ có thể khiến Nga coi là một bên tham chiến trực tiếp. Hồi tháng 3, Mỹ từ chối đề nghị từ Ba Lan nhằm chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Quan chức Mỹ thừa nhận đây là phương án không khả thi. Ngoài ra, những lời kêu gọi của Ukraine để Mỹ cấp các tiêm kích F-15 và F-16 do Washington sản xuất vẫn chưa được hồi đáp.
Gần đây nhất, dù Mỹ đã quyết định chuyển rocket phóng loạt MLRS và HIMARS cho Ukraine, nhưng họ tuyên bố không viện trợ cho Kiev tên lửa chiến thuật ATACMS – loại hỏa lực dẫn đường có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 300km. Mỹ lo ngại tên lửa này có thể đánh trúng lãnh thổ Nga và đẩy chiến sự Ukraine leo thang thành đối đầu trực diện giữa Moscow và Washington.
Andrea Kendall-Taylor, giám đốc chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết: “Tôi nghĩ rằng ý tưởng bao quát mà Mỹ đang sử dụng để đưa ra quyết định là tránh xung đột với Nga”. Chuyên gia này cũng nhận định, các tính toán của Mỹ đang xu hướng xê dịch và thay đổi theo tình hình mới khi Washington bắt đầu cam kết chuyển các khí tài tinh vi và mạnh mẽ hơn cho Kiev.
Tuy nhiên, đây vẫn được xem là cách tiếp cận rủi ro của phía chính quyền Biden, vì không ai có thể chắc chắn lằn ranh đỏ của Nga cũng dịch chuyển theo động thái mới của Mỹ.
Theo Financial Times, Mỹ dường như đang thể hiện chính sách mơ hồ chiến lược với vấn đề Nga – Ukraine.
Sự mơ hồ trong chiến lược và cả hành động của Washington trong thời gian qua khiến phía Ukraine cũng cảm thấy khó hiểu.
Cố vấn của tổng thống Ukraine Tymofiy Mylovanov thừa nhận: “Tôi không chắc chắn về những tính toán của Mỹ nhưng tôi nghĩ nó dường như có mục đích truyền thông hơn là mục tiêu thực tế”.
Một quan chức quân sự Ukraine ẩn danh nói với Foreign Policy là lời kêu gọi của Kiev rất rõ ràng và nhất quán từ đầu là họ muốn các vũ khí tầm xa và chính xác hơn để nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Moscow như sở chỉ huy. Tuy nhiên, sự thận trọng của Mỹ kéo theo việc Ukraine bị chậm chuyển vũ khí. Kiev trong tuần này thừa nhận họ mới chỉ nhận được 10% số vũ khí mà họ đề nghị phương Tây viện trợ, dẫn tới việc họ rất khó để theo kịp đà tiến của quân đội Nga.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer cho rằng: “Mục tiêu của Washington là khiến chiến dịch của Nga thất bại, nhưng khái niệm này còn mơ hồ. Cụ thể ở đây thất bại là gì? Để có thể linh hoạt trong cách ứng phó, Mỹ không muốn đi quá xa và quá chi tiết về vấn đề này”.
Theo chuyên gia Detsch, một trong những cuộc thảo luận quan trọng nhất giữa Nga và Mỹ đang bị đình trệ là đàm phán về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đây được xem là yếu tố khiến Mỹ vẫn muốn giữ quan điểm ở mức độ mơ hồ nhất định, khi vừa muốn giúp Ukraine, nhưng vừa muốn không đẩy căng thẳng với Nga lên đỉnh điểm.
Financial Times dẫn một tài liệu rò rỉ từ cuộc họp của hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay, mục tiêu của Washington có thể là giúp Ukraine đạt được lợi thế lớn nhất có thể trên chiến trường để họ có thể có vị trí tốt hơn trước Nga trên bàn đàm phán.
Sự mơ hồ này có lợi cho Mỹ nhưng dường như lại khiến các đồng minh của họ bối rối. Trong vài tháng qua, với vai trò lãnh đạo, Mỹ đã khiến phương Tây và NATO trở nên đồng lòng trong nỗ lực trừng phạt Nga. Tuy nhiên, nếu chiến sự ở Ukraine kéo dài, sự đồng lòng này sẽ tồn tại được trong bao lâu?
Hiện thời, các nước phương Tây và đồng minh thành 2 luồng ý kiến rõ rệt. Một bên là khối các quốc gia Đông Âu và Anh ủng hộ việc chuyển giao lượng lớn vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga. Phía các nước Tây Âu cho rằng, phương án tốt nhất với Ukraine lúc này là tìm ra giải pháp trên bàn đàm phán vì họ hiểu rằng, Kiev đang phụ thuộc rất lớn vào vũ khí phương Tây để đối phó Nga, đặc biệt là từ Washington. Vì vậy, Mỹ sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định tới Ukraine trong các quyết định liên quan tới cục diện chiến sự và Washington nhiều lần khẳng định họ không muốn xung đột ở Ukraine lan rộng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Arvil Haines đã cảnh báo rằng, Nga có thể đang chờ đợi kịch bản sự quyết tâm của Mỹ và EU sụt giảm khi họ phải đối phó với tình trạng thiếu hụt thực phẩm, lạm phát và giá nhiên liệu tăng vọt trong những tháng qua.
Giờ đây, việc Mỹ vẫn duy trì chiến lược mơ hồ với tình hình Ukraine dường như đang khiến các đồng minh của họ bối rối. Viễn cảnh về một liên minh đối phó Nga bị phân mảnh do các luồng ý kiến trái chiều là hoàn toàn có khả năng xảy ra.