Theo dự kiến, chưa đầy 4 tháng nữa là tới Đại hội Đảng 20 của chính quyền Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập đang đẩy mạnh loại bỏ kẻ thù chính trị, và mục tiêu hàng đầu là người của phe Giang Trạch Dân.
Cuộc họp Bộ Chính trị có 7 người vắng mặt, trong đó có 2 Phó chủ tịch Quân ủy
Sáng ngày 17/6, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức hội nghị xem xét báo cáo về tình hình chấn chỉnh các tổ chức tài chính lần thứ 8. Theo thông lệ, buổi chiều cùng ngày sẽ là buổi học tập tập thể với chủ đề chống tham nhũng hủ bại.
Hầu hết các cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị được tổ chức vào cuối tháng, nhưng lần này lại được tổ chức sớm hơn. Hơn nữa, theo video ghi hình buổi học, có tới 7 Ủy viên Bộ Chính trị vắng mặt. Điều này dẫn đến nhiều suy đoán từ ngoại giới.
Bảy Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ vắng mặt đó là:
– Hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia);
– Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi);
– Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang);
– Bí thư Thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung (Li Hongzhong);
– Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Dương
– Khiết Trì (Yang Jiechi);
– Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan).
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – Tân Hoa Xã đề cập trong một thông cáo báo chí hôm 17/6 rằng, cuộc họp Bộ Chính trị “cũng đã nghiên cứu các vấn đề khác”. Một số nhà phân tích cho rằng, “những vấn đề khác” ở đây chủ yếu là chỉ những vấn đề quan trọng và nhạy cảm không thể công khai.
Các vấn đề mà ĐCSTQ coi trọng nhất là: Thứ nhất, bổ nhiệm và cách chức các nhân sự cấp cao; Thứ hai, điều tra và xử lý các vụ án tham nhũng lớn; Thứ ba, thiết lập các quyết sách lớn; Thứ tư, chế định các luật và quy định quan trọng.
Xét xử ‘cá sấu tài chính’ Tiêu Kiến Hoa, răn đe những kẻ hậu thuẫn
Có phân tích cho rằng, việc triệu tập sớm cuộc họp có thể liên quan đến tỷ phú Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua). Tờ The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin vào ngày 10/6 cho biết, Tiêu Kiến Hoa – “người được chọn” của các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ – sẽ bị xét xử tại Thượng Hải vào tháng Sáu này.
Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng công tác tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc và làm việc dưới trướng cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Úy Kiện Hành. Ông cho biết trong một bài bình luận đăng ngày 18/6, nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng trường hợp của Tiêu Kiến Hoa được gọi là “Đại án số một Trung Nam Hải”; và cho đến nay ông ta là con “cá sấu tài chính” lớn nhất ở Trung Quốc.
Theo truyền thông nước ngoài, ngoài gia tộc cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, vụ án Tiêu Kiến Hoa còn có thể liên quan đến gia tộc các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ như Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ, Trương Đức Giang, Lý Lam Thanh.
Việc ĐCSTQ xét xử vụ án của Tiêu Kiến Hoa có ý nghĩa chính trị. Tiến sĩ Vương cho biết, trong hơn 5 năm kể từ khi Tiêu Kiến Hoa bị bắt, không có báo cáo chính thức nào về việc ông ta bị giam giữ, bị bắt hay điều tra hình sự theo pháp luật. Có thể thấy đây là một vụ án chính trị, và ĐCSTQ đã làm theo “quy tắc ngầm” để phục vụ cho nhu cầu chính trị. Vì vậy, vụ án được phán quyết ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào chính quyền ông Tập Cận Bình và các thế lực chính trị đứng sau Tiêu Kiến Hoa.
Nhà phê bình Vương Kiếm (Wang Jian) nói rằng, rõ ràng vụ án Tiêu Kiến Hoa là đòn bẩy để phe Tập khống chế phe Giang trước Đại hội Đảng 20; để răn đe phe Giang chớ rải đinh trên con đường đến với nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập.
Học giả luật tại Úc, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) cho biết: “Vụ án của Tiêu Kiến Hoa sắp được đưa ra xét xử. Mục đích của phiên tòa chắc chắn là để chấn nhiếp gia tộc Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng”.
Ra chính sách nhắm vào doanh nghiệp ‘sân sau’ của quan chức cấp cao
Theo truyền thông ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong buổi học tập tập thể của các Ủy viên Bộ Chính trị vào ngày 17/6 rằng, chống tham nhũng là “một cuộc đấu tranh chính trị lớn không thể thua và quyết không được để thua”, phải “hướng lưỡi dao vào trong” và thanh trừ tàn dư độc hại.
Tại cuộc họp, ông cũng cho rằng để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, phải nghiêm khắc với các cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ cao cấp. Có thể nói, ông Tập đã phát tín hiệu về cuộc đấu tranh khốc liệt trong nội bộ ĐCSTQ trước thềm Đại hội Đảng 20.
Hai ngày sau, Tân Hoa Xã đưa tin hôm 19/6 rằng, Văn phòng Trung ương gần đây đã ban hành “Quy định quản lý đối với các doanh nghiệp do vợ/chồng và con cái của cán bộ lãnh đạo điều hành”. Trong đó đề xuất “yêu cầu cấm kinh doanh” đối với vợ/chồng, con cái của quan chức trong Đảng và Nhà nước từ cấp thành phố trực thuộc tỉnh trở lên; “chức vụ càng cao, yêu cầu càng khắt khe”, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, hoặc bị miễn chức, điều chỉnh công tác, v.v.
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), Tổng biên tập của tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times ngày 20/6 rằng ông Tập Cận Bình rõ ràng đang hướng mũi giáo chống tham nhũng vào các quan chức cấp cao.
“Bây giờ, các cán bộ cấp cao, bao gồm cả người nhà của họ, bắt buộc phải báo cáo tài sản trong tay. Đây quả thực là một mối đe dọa lớn đối với nội bộ đảng. Điều đó có nghĩa là Tập Cận Bình sẽ kiểm soát toàn bộ, những ai không nghe lời, không trung thực, sẽ bị hạ gục bằng phương pháp này”, ông Trần cho hay.
Thanh trừng kẻ thù chính trị trước Đại hội Đảng 20
Vào ngày 21/6, một cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ là tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài “Khái quát về tiêu chuẩn hóa hành vi của vợ/chồng, con cái của cán bộ lãnh đạo trong điều hành doanh nghiệp”.
Các quy định này được ngoại giới giải nghĩa là một phương tiện khác để ông Tập Cận Bình thanh trừng kẻ thù chính trị. Mục tiêu hàng đầu là người trong phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Có học giả cho rằng, trong tương lai, các quy định này có nhiều khả năng sẽ áp dụng cho cả những quan chức đã không còn tại vị. Như vậy thì hai người con trai của ông Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang cũng sẽ trở thành mục tiêu “đả hổ chống tham nhũng” của ông Tập.
Người con trai cả Giang Miên Hằng của ông Giang Trạch Dân nắm giữ số cổ phần rất lớn, có khả năng gây sức ảnh hưởng tại nhiều công ty trên sàn chứng khoán. Còn người con thứ Giang Miên Khang chịu trách nhiệm phá dỡ nhà đất và điều phối xây dựng ở Thượng Hải. Tăng Vĩ, con trai của ông Tăng Khánh Hồng, kinh doanh dầu mỏ; thậm chí có tin đồn ông ta là ông chủ lớn đứng sau Shanghai Volkswagen, Beijing Hyundai và Shanghai Eastern Airlines.
Truyền thông Đài Loan ngày 21/6 dẫn lời ông Trương Vũ Thiều (Zhang Yushao), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển, nói rằng chiêu quản lý này của ông Tập là vạch một lằn ranh đỏ về mặt chính trị trong đảng, vì số người làm kinh doanh trong đảng quá nhiều, phần lớn là người của Giang và mạng lưới này lan rộng trên khắp các ngành nghề ở Trung Quốc.
Nhà bình luận thời sự Giản Dịch (Jian Jian) viết rằng, đề xuất cấm kinh doanh của ông Tập Cận Bình còn nhắc đến “quỹ cổ phần tư nhân”, vậy thì không thể không nhắc đến quỹ Boyu Capital của Giang Chí Thành – cháu đích tôn của Giang Trạch Dân. Giang Chí Thành đã lợi dụng sức ảnh hưởng của gia tộc để chuộc lợi thông qua các quỹ cổ phần tư nhân. Boyu Capital là nơi biến các mối quan hệ chính trị của nhà họ Giang thành khối tài sản khổng lồ.
T.P