Ngày 19/6, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ vừa ban hành quy chế mới nhằm siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh của vợ chồng, con cái các quan chức lãnh đạo.
ĐCSTQ đã ban hành một quy định mới với danh nghĩa chống tham nhũng, cấm các quan chức cấp cao và gia đình của họ tham gia các hoạt động kinh doanh lớn. Các chuyên gia chỉ ra rằng nó có liên quan đến các cuộc đấu đá nội bộ bè phái và các vấn đề kinh tế của ĐCSTQ.
Văn bản vừa ban hành mang tên “Quy định về quản lý vợ chồng, con cái và vợ chồng của con cái cán bộ lãnh đạo kinh doanh điều hành doanh nghiệp”. Đây là động thái mới nhất của ĐCSTQ trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng.
Theo Tân Hoa xã, phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc, vào ngày 19/6, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ban hành văn bản cấm các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao trên cấp cục đi công tác.
Những quan chức không tuân thủ hoặc cố tìm cách trốn tránh quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và pháp luật. Vợ/chồng và con cái của quan chức phải rút khỏi hoạt động kinh doanh hoặc các quan chức này phải rời ghế, bị điều chuyển công tác cũng như đối mặt nhiều hình thức trừng phạt khác.
Các hoạt động kinh doanh được liệt kê trong quy định gồm đầu tư vào doanh nghiệp, nắm giữ các vị trí cấp cao trong doanh nghiệp tư hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào quỹ tư nhân và tham gia vào các dịch vụ pháp lý có trả phí.
Tân Hoa xã trích dẫn quy định: “Tăng cường công tác quản lý vợ/chồng, con cái và hoạt động kinh doanh của vợ/chồng các cán bộ cấp cao là một biện pháp quan trọng để quản trị Đảng và giám sát đội ngũ cán bộ một cách toàn diện”.
Các chuyên gia tin rằng có nhiều lý do đằng sau những hạn chế mới nhất của ĐCSTQ đối với hoạt động kinh doanh của các quan chức nước này.
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times hôm 20/6 rằng, chính sách “zero-COVID” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã vấp phải sự phản đối của các quan chức địa phương. Trong khi đó, các chính quyền địa phương đang làm theo chỉ thị của Thủ tướng Lý Khắc Cường để tiếp tục công việc và sản xuất để cứu nền kinh tế Trung Quốc, khiến ông Tập cảm thấy quyền lực của mình đang bị thách thức.
“Đặc biệt là khi Đại hội Đảng lần thứ XX của ĐCSTQ đang đến gần, nếu muốn tái đắc cử, ông Tập phải răn đe những phe đối lập. Giờ đây, các quan chức cấp cao và thân nhân của họ được yêu cầu báo cáo tài sản và công việc kinh doanh. Đây quả thực là một cú đánh rất lớn đối với họ. Ông Tập Cận Bình kiểm soát tất cả là như vậy. Ai không tuân theo quy định chống tham nhũng này sẽ bị hạ bệ, bởi vì ở thời điểm này, có quan chức và người thân nào không dính líu đến tham nhũng?”, ông ấy nói.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả chính trị độc lập của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đồng ý với phân tích của Chen. Ông nói với The Epoch Times vào ngày 20/6 rằng, cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của các quan chức cấp cao và các thành viên gia đình của họ sẽ tiếp tục cho đến Đại hội Đảng lần thứ XX của ĐCSTQ, như một biện pháp răn đe đối với các đối thủ chính trị của ông Tập.
Ông Ngô nói rằng, một lý do khác cũng có thể là do chính quyền trung ương của ĐCSTQ đang đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách quá lớn, và quy định sẽ buộc các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao phải cung cấp tiền cho chế độ này
“Bởi vì họ đã sử dụng vị trí và ảnh hưởng của mình để tích lũy khối tài sản khổng lồ, đặc biệt là trong một số lĩnh vực do chế độ độc quyền”, ông Ngô nói. “Thật dễ dàng để các quan chức ĐCSTQ kiếm hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ nhân dân tệ. Có hàng nghìn cán bộ trên cấp tỉnh trưởng, nếu mỗi người trong số họ thu về 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD), thì ĐCSTQ sẽ thu được 50 tỷ nhân dân tệ (7,46 tỷ USD). Vì vậy, họ có thể đang gây quỹ nội bộ theo cách này”.
T.P