Nêu quan điểm thẳng thắn, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng quỹ này “nên được bỏ, giải phóng nguồn lực cho xã hội”.
Chức năng “bình ổn” giá mờ nhạt?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra nội dung bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm từ phía chuyên gia, doanh nghiệp.
Nêu quan điểm thẳng thắn, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng quỹ này “nên được dẹp bỏ, giải phóng nguồn lực cho xã hội”.
Ông Phạm Thế Anh cho biết, về cơ bản, quỹ bình ổn xăng dầu không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Cách thức hoạt động của quỹ là “chỉ lấy tiền trước, rồi sau đó trả lại cho bà con vào một lúc nào đó”. Mục tiêu của quỹ, theo chuyên gia, như tên của chính nó, đó là “bình ổn” hay làm giảm sự truyền tải biến động (volatility) của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.
Vậy quỹ đang được điều hành theo nguyên tắc nào? Ông Phạm Thế Anh cho biết, việc xả quỹ thường được thực hiện khi giá thế giới kỳ liền trước tăng, trích lập quỹ khi giá thế giới kỳ liền trước giảm.
“Tất nhiên, cách làm này không nhất thiết làm giảm được sự biến động (volatility) của giá trong nước. Ví dụ, nếu giá kỳ trước tăng, nhưng vẫn đang ở dưới mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc xả quỹ lại càng làm giá trong nước chậm hội tụ về mức giá trung bình, do vậy làm tăng “volatility”, ông Phạm Thế Anh nói. Tương tự, nếu giá kỳ trước giảm, nhưng vẫn đang cao hơn mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc trích lập quỹ càng làm cho nó chậm tiến về mức giá trung bình.
Nhìn chung, theo vị chuyên gia này, để làm giảm tính biến động của giá trong nước, quỹ phải được sử dụng sao cho giá trong nước xoay quanh càng gần mức giá trung bình. Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cũng cho thấy rõ điều này.
Ông Phạm Thế Anh cũng lấy một dẫn chứng cụ thể cho thấy việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON 95, dầu diesel và dầu hỏa nhưng lại làm tăng biến động giá E5 RON 92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ.
“Ngoài ra, mặc dù giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) trong kỳ, nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả quỹ cùng lúc. Trong cùng một kỳ, việc có loại xăng dầu phải trích nộp, có loại không, có loại được xả quỹ diễn ra thường xuyên, tương đối là tùy hứng”, ông Thế Anh nhận xét.
Quỹ bình ổn lộ rõ bất cập với cách “tái phân phối”
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh đặt vấn đề, dù là quỹ bình ổn nhưng chức năng “bình ổn” giá khá mờ nhạt, vậy quỹ còn mục tiêu nào khác?
Ông Phạm Thế Anh cho biết, nếu nhìn hình trên cho thấy xăng E5 RON 92 (màu xanh lá cây) và xăng RON 95 (màu xanh nước biển) – ít gây hại tới môi trường hơn – là những loại nhiên liệu thường được xả quỹ hơn cả.
Ông tính toán cho thấy, trong giai đoạn 1/1/2020 đến 1/4/2022, có tất cả 56 lần điều chỉnh giá thì xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần.
Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi.
Kể từ 1/1/2020 đến nay, trung bình xăng E5 RON 92 nhận được khoảng 781 đồng/lít từ quỹ; xăng RON 95 nhận được 106 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel phải trích nộp khoảng 132 đồng/lít; dầu hỏa phải trích nộp 113 đồng/lít; dầu mazut phải trích nộp khoảng 25 đồng/lít cho quỹ.
Điều này, theo ông Phạm Thế Anh, có nghĩa là quỹ bình ổn xăng dầu đang tái phân phối, hay “bốc tiền” từ túi anh em lái xe tải, xe khách, lái máy cày, máy tuốt lúa, tàu thủy… sang túi của anh em đi xe 4 chỗ, xe sang Mercedes, BMW, Lexus,…
“Nếu lấy lý do bảo vệ môi trường để tái phân phối kiểu này cũng không ổn bởi các loại xăng dầu đều đã bị áp thuế BVMT. Nếu muốn phân biệt mức độ gây hại khác nhau thì nên áp các mức thuế khác nhau cho mỗi loại xăng dầu”, ông Thế Anh nêu quan điểm.
Đề cập tới những rối ren trên thị trường xăng dầu vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng chỉ ra rằng gốc rễ vấn đề cũng liên quan tới cách điều hành quỹ bình ổn giá. Cần nhắc lại là quỹ bình ổn từng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nay chính là Nghị định 95.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc quỹ bình ổn xăng dầu thực chất chỉ thu tiền của người mua xăng để bình ổn cho chính họ, trong khi trách nhiệm bình ổn là của Nhà nước, chứ không thể đặt lên người tiêu dùng hay doanh nghiệp. Chưa kể, việc trích lập và chi quỹ này là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn cho rằng quỹ bình ổn đã gây ra những méo mó của thị trường và gần đây, khi giá xăng dầu tăng cao và liên tiếp thì những bất cập lại lộ rõ hơn.
“Sự bất cập thấy rất rõ ở đợt điều hành vừa rồi. Xăng dầu chỉ bình ổn khi thị trường giảm giá. Lúc giảm giá, quỹ trích lập thì mọi thứ vẫn trơn tru. Nhưng tăng cao, tăng liên tiếp, quỹ bình ổn âm là bất ổn, đứt nguồn hàng, đâu có bình ổn được thị trường? Giá vẫn rất cao. Đến khi giá giảm xuống, sẽ lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn và người tiêu dùng sẽ lại than giá giảm nhỏ giọt”, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ. Cũng theo vị này, quỹ bình ổn cũng hạn chế tính tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp vì không biết điều hành quỹ bình ổn sẽ ra sao.
Ông này cho biết, qua quan sát, khi giá thế giới giảm thì các đầu mối có nhu cầu đẩy hàng ra và tăng chiết khấu cạnh tranh cho các phân phối. Một số doanh nghiệp đầu mối có được thông tin sẽ căn cứ vào tình hình sử dụng quỹ để điều tiết nguồn hàng, cần thiết sẽ hạn chế cung cấp hàng ra.
Những bất cập từ quỹ bình ổn, theo doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến gián đoạn về nguồn cung thời gian qua khi giá xăng dầu liên tục tăng.
T.P