Nhiều năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều vụ tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Mặc dù gần đây, số vụ việc đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU.
Từ nhận thức của ngư dân
Thành phố Vũng Tàu là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy, hải sản đứng thứ 2 của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với gần 2.140 chiếc. Trong đó có hơn 830 tàu cá khai thác xa bờ có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên. Từ năm 2018 đến nay, thành phố phối hợp với ngành chức năng của tỉnh phát hiện, xử phạt 51 vụ với 53 tàu vi phạm IUU với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn đánh bắt trái phép, địa phương này không ghi nhận tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, bị phát hiện bắt giữ. Qua đó, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân và chủ tàu.
“Chúng tôi kiên quyết không tham gia và không vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực, nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC) để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Nếu ngư dân chúng ta không ý thức được việc này thì chắc chắn thẻ vàng cảnh báo của Uỷ ban châu Âu sẽ kéo dài” – ông Nguyễn Văn Tôn, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở phường 5, thành phố Vũng Tàu nói.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền chia sẻ, thời gian gần đây việc đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá dầu tăng cao, nhưng ngư dân luôn thực hiện khai thác hợp pháp, không vì nguồn lợi thủy sản mà vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Ngư dân chúng tôi biết rằng, nếu mà còn thẻ vàng thì rất khó cho hải sản xuất khẩu, giá trị khai thác được không cao là chắc chắn. Cho nên đánh bắt hợp pháp, một cách đàng hoàng để sản phẩm mình được xuất khẩu qua EU để nâng cao giá trị, từ đó bà con ngư dân tăng thu nhập” – ông Nguyễn Đình Ngọc chia sẻ.
Kiên quyết của chính quyền
Theo khảo sát của các địa phương ở Bà Rịa- Vũng Tàu, dù số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh nhưng vẫn còn tàu cá khai thác trái quy định. Năm 2021 và quý I năm 2022, có 5 vụ với 8 tàu cá và 92 ngư dân trên địa bàn tỉnh bị lực lượng chức năng của Indonesia và Malaysia bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân là do phần lớn ngư dân hiểu biết pháp luật còn hạn chế và áp lực về lợi ích kinh tế, mưu sinh; một số trường hợp do sơ ý hoặc do lợi ích trước mắt đã cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu cho biết, nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, hơn 3 năm qua Vũng Tàu đã phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu – EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Còn ông Lê Tòng Văn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phía Uỷ ban châu Âu đã ghi nhận tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài giảm, tuy nhiên chưa công nhận để rút thẻ vàng vì vẫn con tàu cá vi phạm. Theo ông Văn, thông điệp từ Uỷ Ban châu Âu đưa sang Việt Nam rất cụ thể, ngày nào tàu cá Việt Nam còn vi phạm IUU thì không thể gỡ thẻ vàng và thậm chí nguy cơ thẻ đỏ rất cao.
Để tiến đến tháo gỡ thẻ vàng, Chi cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa- Vũng Tàu thường xuyên kiểm tra các cảng, rà soát danh sách từng trường hợp tàu cá còn hoạt động, yêu cầu lắp đặt ngay thiết bị giám sát hành trình. Những tàu không còn hoạt động thì xóa khỏi danh sách. Những tàu tạm ngưng hoạt động phải báo cáo lý do chưa lắp đặt để Chi cục có biện pháp xử lý theo quy định.
“Hiện nay có 3 tầng quản lý, thứ nhất là giao trách nhiệm cho Chi cục Thuỷ sản, nếu tàu cá không lắp máy giám sát hành trình thì dứt khoát không cấp phép đánh bắt; nếu qua vòng này thì bắt đầu đến các tổ chức cảng cá sẽ không cho ra khơi; nếu trốn đi thì vòng thứ ba là lực lượng Biên phòng. Nếu cố tình ra khơi là bất hợp pháp thì gặp đâu xử lý đó. Ai cho ra biển thì quy trách nhiệm lại chỗ đó. Việc này thì đang tiến triển rất tốt, bây giờ chỉ còn lại khó khăn là ý thức của người dân” – ông Lê Tòng Văn nói.
Để chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, trước hết phải làm thay đổi nhận thức của ngư dân và chủ tàu về vai trò, trách nhiệm của bản thân khi hành nghề khai thác hải sản trên biển. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, tỉnh tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Kiên Giang… và các lực lượng chấp pháp trên biển cũng được Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện, để nắm bắt và xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình vi phạm liên quan đến lĩnh vực thủy sản, khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.
T.P