Những công trình, dự án được đầu tư, xây dựng với số vốn nhiều tỷ đồng không phát huy được hiệu quả không chỉ làm lãng phí rất lớn nguồn vốn ngân sách, mà còn làm nhiều diện tích “đất vàng” không phát huy được giá trị, công năng.
PV đã nêu thực trạng có những công trình, dự án được đầu tư, xây dựng với số vốn nhiều tỷ đồng không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại thực trạng công trình, dự án bị bỏ hoang, hoặc chưa được sử dụng. Thực trạng này không chỉ làm lãng phí rất lớn nguồn vốn ngân sách, mà còn làm nhiều diện tích “đất vàng” không phát huy được giá trị, công năng. Thậm chí, còn có những công trình, dự án đầu tư còn tạo ra những khó khăn cho người dân, chính quyền địa phương. Ở bài 2 của loạt bài, phóng viên VOV tiếp tục làm rõ vấn đề này và những nguyên nhân dẫn đến thực trạng lãng phí trong đầu tư, xây dựng.
Đầu tư thiếu đồng bộ
Cống Vàm Đình, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, Cà Mau, được đầu tư có giá trị hơn 50 tỷ đồng, cống hoàn thiện vào năm 2016. Từng ấy năm, bà Phan Thị Khéo, chủ cây xăng nằm ngay cạnh công trình chỉ duy nhất thấy cống được đóng 1 lần khi vận hành thử nghiệm, còn hiệu quả của công trình trong việc điều tiết thủy lợi thì bà chưa thấy bao giờ mà ngược lại còn làm cản trở giao thông.
“Có thấy hoạt động gì đâu. Chỉ có đóng thử thôi chứ còn nói đóng ngăn nước là không có. Làm công trình này tôi không thấy tính khả thi ở đâu. Nói chung tàu lớn hay sà lan đi qua lại khó khăn lắm, ghe hơi cao là phải tháo thấp xuống, còn không thì phải bơm nước vô cho khẳm xuống”, bà Phan Thị Khéo nói.
Cống Vàm Đình cùng với cống Bào Chấu là 2 cống lớn giúp điều tiết thủy lợi Tiểu vùng 10, Nam Cà Mau thuộc địa bàn 2 huyện Cái Nước và Phú Tân. Dự án cống Bào Chấu có giá trị đầu tư trên 60 tỷ đồng. Phát huy tác dụng trong việc ngăn triều cường nhưng cống Bào Chấu cũng là nỗi ám ảnh với đông đảo hộ dân sống tập trung quanh UBND xã Trần Thới gần đó. Bởi, mỗi khi cống đóng, mực nước bị dồn lại sẽ dâng cao và nhanh hơn, cả vùng rộng lớn sẽ bị triều cường bao phủ ngập nhà cửa. Thực trạng này còn xảy ra ở nhiều xã lân cận nằm ngoài hệ thống đê bao Tiểu vùng 10. Chính quyền, người dân địa phương đều phải tự thích nghi.
“Thực tế khi làm các tiểu vùng thì có hệ thống cống bao lại. Trên địa bàn xã thì có tiểu vùng 10, có cống Bào Chấu lớn. Khi nước lên, hệ thống cống đóng, nước không chảy vô trong được thì dâng cao hơn. Những hộ có điều kiện thì người ta nâng nền lên. Để giảm tình trạng này xã cũng báo cáo huyện, huyện cũng rất quan tâm, đầu tư nâng đường cao hơn. Còn lại chưa nâng đường lên được thì xã cũng vận động xã hội hóa và kinh phí của xã tiến hành xây gạch bao quanh”, ông Lê Chí Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thới cho biết.
Riêng trên địa bàn xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, để hoàn thành hệ thống thủy lợi khép kín tiểu vùng 10, ngoài cống Bào Chấu, còn có 10 cống thủy lợi khác được đầu tư, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Các xã còn lại trong tiểu vùng cũng đều được đầu tư như vậy. Ông Lê Hoàng Sông, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Việt Thắng cho rằng, tính khả thi của dự án không cao, thậm chí còn gây ra những hệ lụy.
“Dự án làm xong thì có được tuyến đường, thuận lợi đi lại phát triển kinh tế với ngăn được triều cường. Nhưng mà có cái hại này, xã Việt Thắng cũng như xã Trần Thới và nhiều xã khác vì ai cũng làm thủy sản mà đóng ở đây rồi ảnh hưởng nhiều nơi khác mà ở đâu cũng người dân mình thôi. Tại sao làm được cho mình mà thiệt hại nhiều nơi, cái đó là không khả quan. Nếu hại bên kia mà mang lại lợi ích rất lớn cho bên đây thì chấp nhận được. Còn bà con ở đây làm vuông, nuôi tôm nếu không có cống thì cũng bình thường cứ lấy nước vô, đưa nước ra”, ông Lê Hoàng Sông nêu rõ.
Tầm nhìn hạn chế
Nguyên nhân tồn tại thực trạng đã nêu, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau lý giải, từ năm 2000, khi có chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, tiểu vùng 10 được quy hoạch để sản xuất lúa – tôm nên cần được đầu tư hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư dàn trải, sau nhiều năm mới hoàn thiện nên chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Toàn tỉnh Cà Mau có 23 tiểu vùng trong đó, có 18 tiểu vùng nằm ở vùng mặn Nam Cà Mau. Hiện đã có 2 tiểu vùng là 5 và 10 được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn thiện. Nhiều tiểu vùng khác đang được đầu tư dang dở.
Bên cạnh nguyên nhân đến từ đầu tư thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng không theo kịp thực tế gây lãng phí trong đầu tư thì tại vùng ĐBSCL còn tồn tại một số công trình, dự án được đầu tư thể hiện rõ hạn chế tầm nhìn trong quy hoạch.
Tại xã Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), chợ đầu mối trái cây được xây dựng 12,6 tỷ đồng đã bị bỏ hoang 6 năm nay. Dễ nhìn thấy nguyên nhân đến từ việc xây dựng trong điều kiện chưa thật sự cần thiết và vị trí xây dựng chưa thật phù hợp nên không thu hút được người dân vào buôn bán. Các công trình chợ bỏ không trong các khu dân cư của tỉnh Cà Mau cũng đến từ nguyên nhân tương tự. Chợ Sung Thìn (ở Phường 4, TP.Sóc Trăng) và chợ Nhâm Lăng (phường 5, TP.Sóc Trăng) được đầu tư nhiều tỷ đồng cũng vì vậy mà thành “Chùa bà đanh”.
“Chợ Nhâm Lăng nói chung là được xây gọn gàng, sạch đẹp nhưng khi mời tiểu thương vô thì họ bán không được. Những ngày đầu phải vận động cán bộ, viên chức mua giúp. Vào chắc khoảng 10 ngày thì các hộ tiểu thương tự nghỉ. Phường 5, cách chợ Trung tâm rất gần thì người ta chạy thẳng qua chợ trung tâm phường 1 hoặc chợ phường 6 còn chợ này coi như bỏ luôn”, ông Lý Hồng Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường 5, TP.Sóc Trăng cho hay.
Tiền mất, tài nguyên đất đai phung phí
Tất cả các công trình, dự án được đầu tư, xây dựng đều cần có quỹ đất. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đa số các mặt bằng đều nằm ở trung tâm của xã, huyện hoặc tỉnh nên khi không phát huy hiệu quả còn gây lãng phí rất lớn tài nguyên đất. Dự án Trung tâm thương mại Mỹ Tho (ở Phường 1, TP.Mỹ Tho) nằm ngay khu vực sầm uất bậc nhất của thành phố. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng gần 17.900 mét vuông, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Sau khi khởi công vào năm 2019, đến nay vẫn “án binh bất động”. Một khu “đất vàng” tại một đô thị động lực trong vùng được giao cho một doanh nghiệp thiếu năng lực dẫn đến chưa khai thác được.
Ông Lê Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho nhìn nhận, nguyên nhân dự án kéo dài là do nhà đầu tư gặp khó về vốn. UBND tỉnh có chủ trương cho nhà đầu tư gia hạn lần cuối đến tháng 8/2022 nếu dự án không tiếp tục hoạt động sẽ có biện pháp xử lý.
Lãng phí lớn nhất về tài nguyên đất phải kể đến các dự án khu, cụm công nghiệp chưa được đưa vào khai thác đúng kế hoạch. Những thửa đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của người dân được quy hoạch, giải tỏa rồi treo nhiều năm trở thành đất hoang hóa là thực trạng đáng xót xa. Minh chứng rõ ràng nhất là Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, ở xã Gia Thuận và thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Để triển khai dự án, không chỉ nhiều diện tích đất của người dân bị thu hồi mà cả một phần diện tích rừng phòng hộ cũng phải phá bỏ. Để rồi khoảng 280 ha đất được chủ đầu tư dự án là Tập đoàn VinaShin san lấp mặt bằng xong thì trở thành bãi đất hoang gần 20 năm nay.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn được thuê đất ở Khu công nghiệp rất có tiềm năng này nhưng không được. UBND tỉnh Tiền Giang cũng nhiều lần kiến nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư vào dự án nhưng đến nay vẫn chưa xong.
“Khu công nghiệp Dầu khí Soài Rạp thời gian rất lâu, nhiều nhiệm kỳ nói sẽ đầu tư nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các Bộ ngành có liên quan và đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với Văn phòng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng sớm có kết luận để triển khai mời gọi đầu tư”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thông tin.
Lãng phí là rất lớn và rất dễ nhìn thấy, tuy nhiên, lại rất ít khi thấy trách nhiệm được làm rõ. Vấn đề này sẽ được phóng viên VOV tiếp tục phân tích ở bài 3 cùng với đó là các giải pháp để sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả hơn.
T.P