Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTập Cận Bình quyết “làm sạch” ngành tài chính

Tập Cận Bình quyết “làm sạch” ngành tài chính

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, cơn bão trong hệ thống tài chính ngày càng dữ dội. Riêng trong ngày 24/6, ba quan chức cấp cao của hệ thống tài chính đã ngã ngựa. Từ đầu năm đến nay, hàng chục quan chức Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính đã bị điều tra.

Ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 8/4/2022.

Vào lúc 3h chiều ngày 24/6, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã đăng liên tiếp ba thông báo điều tra, khai trừ Đảng và bãi chức về ba quan chức cấp cao trong ngành tài chính. Đó là các ông:

– Hạ Lâm (He Lin), Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty In và đúc tiền Trung Quốc (CBPMC).

– Vương Vĩnh Hồng (Wang Yonghong), cựu Giám đốc Vụ Công nghệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC).

– Lâm Dũng Phong (Lin Yongfeng), cựu Giám đốc Ban Giám sát Kế toán của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.

Ba quan chức tài chính bị buộc tội gì?

Ông Hạ Lâm

Báo cáo cho thấy ông Hạ Lâm bị buộc tội: vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nghi nhận hối lộ, giả mạo giấy tờ tùy thân, giữ trái phép cổ phiếu phát hành riêng lẻ của các công ty liên kết, giả mạo danh tính và thông qua người khác để làm giấy tờ tùy thân giả, v.v.

Ông Hạ Lâm năm nay 64 tuổi, bị miễn nhiệm và nghỉ hưu vào tháng 8/2018.

Điều đáng nói là ông Hạ có mối quan hệ sâu sắc với ông Trần Diệu Minh (Chen Yaoming), người đã bị khai trừ Đảng và cách chức vào ngày 8/4 năm nay. Ông Trần nguyên là thành viên ban giám đốc của Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc, từng là cấp dưới của ông Hạ. Theo thông tin chính thức, hai ông đã làm việc cùng nhau 10 năm. Ông Hạ bị điều tra sau 3 năm nghỉ hưu.

Ông Vương Vĩnh Hồng

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, các tội danh của ông Vương Vĩnh Hồng là: cổ súy văn hoá và vui chơi không lành mạnh, di dời và che giấu tài sản liên quan đến vụ án, chống lại việc thẩm tra của tổ chức, lợi dụng chức vụ để giúp người khác chạy việc, lợi dụng chức vụ tạo điều kiện cho các bên ký kết hợp đồng kinh doanh, vòi vĩnh hoặc nhận số tiền lớn bất hợp pháp.

Ông Vương Vĩnh Hồng hiện 55 tuổi, bị cách chức vào tháng 11/2021.

Kể từ năm 2022, nhiều người trong hệ thống ngân hàng trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị điều tra. Ngoài ba người trên, còn có các ông/bà như Tôn Quốc Phong – nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Lưu Doanh – Ủy viên Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm Quý Dương của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Dương Tiểu Bình – nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc chi nhánh Trung tâm Côn Minh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, v.v. đã ngã ngựa.

Ông Lâm Dũng Phong

Nhà chức trách thông báo, ông Lâm Dũng Phong đã đi lệch khỏi sứ mệnh giám sát chứng khoán và các sản phẩm tài chính phái sinh, chuộc lợi bất chính và thu nhận hối lộ khi xem xét phát hành và niêm yết cho các công ty.

Ông Lâm Dũng Phong năm nay 52 tuổi, bắt đầu công tác tại Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) từ tháng 9/1997. Từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2022, ông là người đứng đầu một số phòng ban của SSE. Trước khi dính vào vòng lao lý, ông đang phụ trách Ban Giám sát Kế toán của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.

Tập Cận Bình đánh mạnh vào giới tư bản quyền quý – những kẻ thông đồng với kẻ thù chính trị của ông

Trong một năm qua, chính quyền ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh cuộc đại thanh trừng đối với hệ thống tài chính. Trong nửa cuối năm ngoái, 15 đoàn kiểm tra trong đợt kiểm tra thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 đã vào điều tra 25 đơn vị tài chính.

Vào ngày 15/5 năm nay, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào cuối năm 2021. Khi đó, ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo: “Không thể phát triển các phương tiện huy động vốn bừa bãi. Cần phải ngăn chặn một số phương tiện huy động vốn hoặc các nguồn vốn độc hại. Cần chống độc quyền, chống trục lợi, chống giá cao ngất trời, chống đầu cơ ác ý, chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Vương Hữu Quần (Wang Youqun) phân tích rằng, mấu chốt của “tân ngũ phản” (năm điều cần chống mà ông Tập nêu ở trên) này là chống lại những gã khổng lồ tư bản thông đồng với kẻ thù chính trị của Tập Cận Bình và gây ra mối đe dọa cho quyền lực của ông.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin cho biết hôm 10/6, ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người sáng lập Tomorrow Group đã biến mất trong 5 năm, sẽ bị đưa ra xét xử tại Thượng Hải sớm nhất là vào tháng 6. Trước đó, truyền thông Hong Kong tiết lộ rằng, sau khi bị bắt, ông Tiêu đã cung cấp cho chính quyền ĐCSTQ “bản đồ liên lạc” của những con “cá sấu tài chính”.

The Wall Street Journal cho hay, các công tố viên Thượng Hải đã lên kế hoạch buộc tội ông Tiêu Kiến Hoa gây quỹ bất hợp pháp. Thông thường, loại khởi tố này nhắm vào những cá nhân không có giấy phép hoặc vì mục đích lừa đảo mà bán bất động sản hoặc gây quỹ trong công chúng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, tội này có thể bị phạt tù từ 5 năm trở lên.

Nhà bình luận Vương Hữu Quần nói rằng, trước Tomorrow Group của Tiêu Kiến Hoa, ông Tập Cận Bình còn thanh trừng Huaxin Group của Diệp Giản Minh, Huarong Group của Lại Tiểu Dân, cũng như Alibaba Group và Ant Group của Jack Ma, Didi Chuxing, công ty của vợ chồng Triệu Vy, công ty của Mật Xuân Lôi, HNA Group, Evergrande, Shanghai Electric, China Development Bank, v.v.

Công ty Fantasia do cháu gái Tăng Bảo Bảo (Zeng Baobao) của Tăng Khánh Hồng điều hành cũng là một trong những trọng điểm của cuộc thanh trừng. Trong suốt năm ngoái, Fantasia liên tục bị ăn gậy. Tăng Bảo Bảo từng viết trên Twitter rằng Fantasia đã bước vào “thời khắc đen tối nhất”.

Ngày 17/6, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã họp Bộ Chính trị để xem xét “Báo cáo tiến độ về việc chỉnh đốn và cải cách các đơn vị tài chính trong đợt kiểm tra thứ 8”. Cuộc họp nhấn mạnh “hai điều cần bảo vệ”, đó là bảo vệ “vị trí nòng cốt của ông Tập trong đảng” và “quyền lực và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Thực chất là để bảo vệ địa vị quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Theo phân tích, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị đoạt “túi tiền” từ giới tinh hoa ĐCSTQ. Cuộc tranh chấp “túi tiền” giữa Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân sẽ bước vào thời điểm “quyết chiến” then chốt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới