Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThêm một “con Át”

Thêm một “con Át”

Hơn một năm trước, trước diễn biến phức tạp của các điểm nóng trên thế giới, các cường quốc ra sức bắn thông điệp đe dọa, thách thức nhau giải quyết các xung đột bằng sức mạnh quân sự. Đối lại, Trung Quốc úp mở rằng hải quân nước này sẽ có tàu sân bay thứ ba “có thiết kế tiệm cận với các tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ…”.

Hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến

Ngoài miệng thì coi thường, thậm chí diễu cợt Bắc Kinh cố tình thêu dệt một huyền thoại về tàu sân bay để thổi phồng sức mạnh, tuy nhiên, bên trong, đến Mỹ cũng chột dạ, e ngại trước những điều mà đối thủ đề cập.

Suy cho cùng, sự e ngại có thể coi như sự trưởng thành và “biết điều” hơn của một nước Mỹ hống hách và kiêu ngạo; một nước Mỹ nhiều năm dài chủ quan, lãng quên trên thế giới, con “con sư tử” Trung Quốc đã qua rồi thời “ẩn mình chờ thời”, bắt đầu vươn vai đứng dậy, gầm thét. Thế nên, không có gì khó hiểu, cuối năm 2021, một ông tướng Mỹ, là đô đốc hải quân John Aquilino, trong diễn đàn an ninh quốc tế, đã cảnh báo: “Hãy nhìn những gì người Trung Quốc đã làm. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng của mình ngang bằng về quân sự với Mỹ vào năm 2027”, khi ông này nhận được báo cáo tin tức về hoạt động của hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Mỹ trên biển Đông.

Giới phân tích quốc tế, nhất là những người theo sát tình hình Trung Quốc và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thảy đều tán đồng nhận định của ông John Aquilino khi đánh giá tiến độ hạ thủy các tàu sân bay của Trung Quốc.

Họ khẳng định, Trung Quốc đang có những bước tiến khổng lồ về trong việc phát triển tàu sân bay. Từ một chiếc tàu cũ mua của Ukraine năm 1998, Trung Quốc mất 12 năm vất vả, hì hục gò hàn để cải biến nó thành tàu sân bay Liêu Ninh, biên chế cho hải quân năm 2010. Thời điểm đó, mặc cho truyền thông Trung Quốc đưa tin rầm rộ, giới quân sự và truyền thông quốc tế chỉ nhìn nhận, đưa tin với những cái cười nhếch mép, đầy coi thường.

Và trong thực tế, những chuyến đi xa nhất của của Liêu Ninh dường như chỉ là là Biển Đông, Biển Hoa Đông, là Tây Thái Bình Dương, phục vụ cho các cuộc “huấn luyện định kỳ”. Có lẽ, với Trung Quốc, hiện thời, hãy cứ thế đã! Sòng phẳng mà nói, có muốn, Trung Quốc cũng chẳng dám mạo hiểm điều Liêu Ninh đi xa hơn do những hạn chế về thiết kế, tính năng, nhất là tầm hoạt động của chiếc tàu sân bay đầu tiên này.

Phát triển tàu sân bay, nhất là tự thiết kế, tự đóng toàn bộ, không chỉ tốn kém mà còn cực kỳ phức tạp. Việc này khó khăn cả với các cường quốc từng sở hữu tàu sân bay từ lâu.

Vậy mà, với chiếc tàu thứ hai tự thiết kế, tự đóng, Trung Quốc chỉ mất đúng 2 năm, từ tháng 3/2015 tới tháng 4/2017 để hạ thủy; thêm 2 năm nữa để vận hành thử trước khi đưa vào biên chế chính thức cho hạm đội Nam Hải trong buổi lễ có sự tham gia của ông Tập Cận Bình tháng 12/2019. Dù còn nhiều hạn chế so với các hàng không mẫu hạm Mỹ và phương Tây, nhưng với Liêu Ninh, tàu Sơn Đông vẫn là một “đẳng cấp” khác do được trang bị radar đời mới, kích thước tàu lớn hơn, sàn đáp rộng hơn, đài chỉ huy được thu gọn, cho phép tăng diện tích sử dụng trên boong, đáp ứng cất hạ cánh của các loại máy bay hiện đại của Trung Quốc, trong đó có các phi đội tiêm kích J-15.

Tới ngày 17/6/2022, dù giới quân sự quốc tế có người còn hoài nghi, Trung Quốc vẫn có lý do để coi việc hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến, như một sự kiện lớn, đáng tuyên truyền rầm rộ khi tàu này hoàn toàn do Trung Quốc thiết kế, tự đóng; sử dụng trang bị công nghệ tối tân với hệ thống phóng máy bay điện từ như các tàu sân bay Mỹ…

Điều Trung Quốc cay cú, là Phúc Kiến vẫn là tàu chạy bằng động cơ hơi nước thông thường, trong khi các tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân nên không bị hạn chế tầm hoạt động.

Ít nhất, cũng cần 2 năm nữa để tàu sân bay Phúc Kiến giao cho hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, việc hạ thủy nó vào thời điểm phức tạp và nhạy cảm hiện nay cho thấy, Trung Quốc quyết tâm và tham vọng đến mức nào trong cuộc rượt đuổi Mỹ về sức mạnh hải quân, trong đó, tàu sân bay là những “con Át” không thể thiếu.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới