Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Đề cương” hay mầm hoạ chiến tranh?

“Đề cương” hay mầm hoạ chiến tranh?

Một bản “Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký đang gây một cơn địa chấn trong khu vực, nhất là đối với Đài Loan. Giới phân tích cho rằng, bản Đề cương này có thể là mầm họa chiến tranh.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đưa tin, chính sách mới liên quan đến các hoạt động quân sự phi chiến tranh bắt đầu được triển khai thử nghiệm kể từ ngày 15/06/2022. Đề cương về “các hoạt động quân sự phi chiến tranh của quân đội”, (sau đây gọi tắt là Đề cương), gồm 6 chương, 59 điều. Nó quy định các hoạt động của quân đội “nhằm ngăn chặn và hóa giải các rủi ro và thách thức, xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ con người và tài sản, bảo vệ chủ quyền quốc gia…” Đến nay toàn văn bản đề cương chưa được công bố.

Việc Bắc Kinh ban hành văn bản sặc mùi chiến tranh vào thời điểm này đưa đến những suy đoán: Liệu có phải Trung Quốc bắt chước Nga gây chiến với Ukraine? Có phải Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Đài Loan? Ý kiến khác thì thận trọng hơn: có thể chính sách quân sự mới nhất này thực chất là nhằm chĩa mũi dùi vào bên trong đại lục, nhằm đe dọa là chính (!)

Những đồn đoán nêu trên không phải là không có cơ sở. Ngày 15/6 mới đây, đúng dịp kỉ niệm lần thứ 69 sinh nhật Tập Cận Bình, ông Tập đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Ông bày tỏ rõ quan điểm ủng hộ Moscow: “Trung Quốc mong muốn tiếp tục hỗ trợ Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi như chủ quyền và an ninh và các mối quan tâm lớn”. Và cũng vào hôm đó, Chủ tịch Tập mà còn ký ban hành Đề cương – một chính sách quân sự rất không bình thường.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News của Australia, ông Quách Dục Nhân, nhà phân tích tại Viện Chính sách Quốc gia Đài Loan, nói: “Tôi cho rằng đây hiển nhiên là một bản sao của thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Putin. Bản Đề cương này gửi một tín hiệu mang tính đe dọa đối với Đài Loan, Nhật Bản và các nước chung quanh Biển Đông”.

Chúng tôi xin lưu ý, đối tượng áp dụng của hành động quân sự phi chiến tranh chắc chắn bao gồm Đài Loan, nhưng không chỉ nhằm vào Đài Loan. Một số nhà bình luận chính trị nhận định, Giải phóng quân Trung Quốc có thể phong tỏa eo biển Đài Loan bằng cách bất ngờ phát động cái gọi là hoạt động quân sự phi chiến tranh, nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những ý tưởng giống như nội dung của bản Đề cương này không phải là mới ở Trung Quốc. Chuyên gia nghiên cứu Điền Việt Anh của Quân đội Trung Quốc, từ năm 2002 đã viết rằng: Tổng thống Đài Loan (lúc bấy giờ) Trần Thủy Biển thuộc Đảng Dân Tiến đã thúc đẩy Đài Loan giành độc lập bằng cách từ chối chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc” được nêu trong Đồng thuận năm 1992. Ông Trần nhận định, nếu xu hướng đó tiếp tục, thì sẽ là một lựa chọn tốt cho Bắc Kinh khi dùng các hoạt động quân sự phi chiến tranh để bóp chết “con chim lạc đàn” Đài Loan.

Lấp lánh phía sau Đề cương không khó để nhận ra rằng, Trung Quốc sẽ thể chế hóa hơn nữa các quy tắc của hành động quân sự phi chiến tranh. Theo đó, “Đảng, Nhà nước, hải quân, hải cảnh, dân quân” của Trung Quốc phối hợp triển khai “ứng phó và xử lý những sự kiện khẩn cấp” bên trong, như cứu trợ thảm họa và duy trì ổn định, cũng như thực hiện các hành động quân sự và đối ngoại như bảo vệ chủ quyền, cứu trợ nhân đạo, hộ tống tàu thuyền, sơ tán kiều bào và chống khủng bố, giữ gìn hòa bình.

Với hai thanh bảo kiếm là “Đề cương” và “Thuyết Nội hải Eo biển Đài Loan” Bắc Kinh thêm một bước hoàn thiện chiến lược tổng thể đối với Đài Loan. Họ sẽ vừa sử dụng chiến tranh pháp lý, vừa ám chỉ nguy cơ xung đột “vùng xám” tại Eo biển Đài Loan ngày càng cao hơn và rõ ràng hơn.

Từ đây đến khi Trung Quốc từng bước thông qua lực lượng hải cảnh và các đơn vị chấp pháp trên biển khác để bình thường hóa hoạt động chấp pháp, thực hiện yêu sách “nội hải hóa Eo biển Đài Loan” là không bao lâu nữa.

Có thể dự báo chiến lược biển của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương trong giai đoạn mới là: Hải quân thúc đẩy từ chuỗi đảo thứ nhất sang chuỗi đảo thứ hai, hải cảnh phụ trách thực thi pháp luật biển gần hoặc các hành động khác đảm bảo chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.

Việc “phân vai” hai lực lượng hải quân và hải cảnh sẽ tiết kiệm nhiều chi phí. Vì sao nó đỡ tốn kém cho ngân sách quốc phòng? Điều dễ thấy là, tuy hải cảnh Trung Quốc thuộc sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, và mặc dù quan điểm của quốc tế đối với thân phận hải cảnh thuộc “quân” hoặc “cảnh” không thống nhất, nhưng so với quân đội, hải cảnh ít có khả năng gia tăng cường độ xung đột khi thực hiện nhiệm vụ với danh nghĩa “chấp pháp bảo vệ quyền lợi”.

Một điểm nữa, hải cảnh thuộc vũ cảnh thực thi pháp luật ở các vùng biển, tương đương với việc tuyên bố khu vực thực thi pháp luật thuộc phạm vi tài phán hành chính của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc thông qua hoạt động tuần tra của các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, chủ trương các vùng biển này thuộc quyền tài phán của nước họ. Còn nay, họ có thể lấy Đề cương làm căn cứ pháp lý, quy định xung đột ở Eo biển Đài Loan thành tranh chấp trong nước để tăng cường hợp lý hóa và chính danh hóa hành động quân sự đối với Đài Loan.

Trong tương lai, tại Eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ có nhiều “xung đột vùng xám” hơn, ở các mức độ khác nhau. Một ngày nào đó, với tấm biển chỉ đường lộn ngược là bản Đề cương, dân quân biển và tàu cá của Trung Quốc sẽ bất ngờ bao vây các đảo Đá Ba Đầu hoặc phong tỏa cảng của Đài Loan, tàu hải cảnh thực thi pháp luật vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan, tàu hải cảnh áp sát tàu chiến của Đài Loan, v.v..

Nói như thế để thấy cái mầm họa đã đội đá nhô lên. Đài Loan, cùng các nước trong khu vực biển Đông, biển Hoa Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc hãy chuẩn bị cao nhất cho chiến tranh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới