Monday, January 13, 2025
Trang chủQuân sựKhả năng Mỹ đưa tên lửa HIMARS đến Biển Đông

Khả năng Mỹ đưa tên lửa HIMARS đến Biển Đông

Nhiều khả năng, Mỹ sẽ điều động tên lửa HIMARS, loại đang tham chiến ở Ukraine, đến Biển Đông để đối phó với mối nguy từ Trung quốc ở vùng biển này.

Mỹ bắn thử HIMARS trong một cuộc tập trận.

Những ngày qua, việc hệ thống pháo binh phản lực cơ động cao (HIMARS) tham chiến tại Ukraine đã gây chú ý cho nhiều bên. Trong khi đó, báo Asia Times mới đây đưa tin thủy quân lục chiến Mỹ đang sắp “chốt đơn” nhiều đơn hàng vũ khí, mà mục tiêu được cho là có thể bao gồm việc đối phó với chiến lược phong tỏa – chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc ở Biển Đông. Số vũ khí sắp “chốt đơn” bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, HIMARS và một số khí tài khác.

Từ thống nhất 3 lực lượng…

Đầu năm 2021, truyền thông quốc tế thông tin về việc Mỹ đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới.

Bản kế hoạch đánh giá Mỹ đang đứng trước các thách thức lớn kể từ sau Thế chiến 2 khiến cho quyền lợi nước này bị đe dọa, nên cần phải tái tổ chức lực lượng phù hợp. Bên cạnh các thách thức ở biển Hoa Đông, biển Ả Rập…, thì Biển Đông là một thách thức lớn, khi Trung Quốc đang liên tục tăng cường quân sự hóa các thực thể, đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển này.

Theo đó, Bắc Kinh đã triển khai lực lượng hùng hậu bao gồm hải quân, hải cảnh, dân quân biển… nhằm phối hợp để đạt được tham vọng kiểm soát Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường lực lượng tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công, chiến hạm cỡ lớn, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo…

Chính vì thế, kế hoạch trên đặt ra mục tiêu quân đội Mỹ phải thay đổi phù hợp, bao gồm việc tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó các thách thức mới.…

Phân tích khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) chỉ ra rằng trong cơ cấu trên, thủy quân lục chiến có thể phối hợp các lực lượng phòng thủ trên bờ, hợp tác với các đồng minh để tiến hành đổ bộ.

Thực tế, thời gian qua, Mỹ cũng nhiều lần triển khai các tàu đổ bộ tấn công dẫn đầu các nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ tiến hành tập trận ở Biển Đông. Các nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ vốn có lực lượng chủ lực là thủy quân lục chiến. Từ những diễn biến trên cho thấy Mỹ đang tăng cường vai trò của thủy quân lục chiến ở khu vực Biển Đông.

…đến triển vọng đưa HIMARS áp sát Biển Đông

Trong khi đó, như thông tin của báo Asia Times đăng tải, thủy quân lục chiến Mỹ đang đặt mua HIMARS. Đây là hệ thống phóng rốc kết, tên lửa đa nòng có tính linh hoạt cao. Không chỉ có thể khai hỏa các loại pháo phản lực tầm bắn khoảng 70-80 km, HIMARS còn có thể phóng các loại tên lửa có tầm bắn 300 km và thậm chí đạt tầm bắn 500 km với tên lửa tấn công chính xác.

Một ưu điểm khác của HIMARS là điều động linh hoạt khi khẩu đội phóng có thể được vận chuyển với máy bay vận tải C-130 để triển khai nhanh chóng đến nhiều khu vực. Theo trang Navalnews, thủy quân lục chiến Mỹ đang hướng đến phát triển HIMARS như vũ khí then chốt để chống tiếp cận, tiêu diệt tàu chiến từ xa. Qua đó, HIMARS có thể được sử dụng như loại vũ khí chống đổ bộ lên đảo hoặc tấn công tiền đồn đối phương, vốn là những nhiệm vụ tác chiến quan trọng để ứng phó nguy cơ tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan…

Không chỉ triển khai tác chiến trên đất liền, vào năm 2017, lực lượng thủy quân lục chiến trên tàu vận tải đổ bộ tấn công USS Anchorage đã phóng thử thành công HIMARS với mục tiêu giả định là hệ thống phòng không của đối thủ đang đóng trên đảo cách đó 70 km.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt khí tài, bao gồm cả các loại tên lửa phòng không và tên lửa chống tàu chiến, ở các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trong một kế hoạch phối hợp với Nhật Bản gần đây, thủy quân lục chiến Mỹ cũng dự kiến sử dụng HIMARS để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc. Vào tháng 3 vừa qua, trong cuộc tập trận chung với Philippines, quân đội Mỹ cũng đã tác chiến cùng HIMARS.

Từ những thực tế trên, Mỹ nhiều khả năng trang bị HIMARS cho thủy quân lục chiến ứng phó Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới