Đó là những hiện tượng bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy,…
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang rộng trong các nhà trường. Nguy cơ về một văn hóa học đường tiêu cực đã hiện hữu trong nhà trường của chúng ta, vì vậy việc xây dựng văn hóa học đường tích cực trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, ở nước ta, đến nay, nhận thức về vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khá mờ nhạt. Minh chứng là ngay trong vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, khi bàn đến các nhiệm vụ và giải pháp, tuyệt nhiên không có nội dung nào liên quan đến xây dựng văn hóa học đường.
Văn hóa học đường có thể hiểu là hệ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên đời sống nhà trường. Văn hóa học đường nảy sinh từ những hoạt động, thái độ và quan hệ ứng xử có ý thức và không có ý thức trong quản lý, giảng dạy, học tập của nhà trường. Các cán bộ quản lý, nhà giáo, người học, phụ huynh đều đóng góp vào văn hóa học đường theo cả hai phía tích cực và tiêu cực.
TS Tiến nhấn mạnh, nếu các chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên văn hóa nhà trường không được làm rõ, xây dựng và phát triển một cách có ý thức thì mặt tiêu cực sẽ có chiều hướng lấn át mặt tích cực, kết quả là chất lượng dạy và học không đảm bảo, nhân cách người học có vấn đề.
“Nguy cơ về một văn hóa học đường tiêu cực thực sự đã hiện hữu trong nhà trường của chúng ta, vì vậy việc xây dựng một văn hóa học đường tích cực trở thành nhiệm vụ cấp thiết cần được triển khai ở cả cấp hệ thống và cấp trường”, TS Tiến nhận định.
Nhiều thách thức trong xây dựng văn hóa học đường
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, sự hình thành và phát triển văn hóa học đường tại nước ta đang gặp nhiều thách thức, trong đó có 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, văn hóa học đường cùng giáo dục giá trị là lĩnh vực được nghiên cứu rất nhiều, nhưng đạt được sự đồng thuận rất ít và gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đây cũng là thách thức chung mà thế giới đang gặp phải.
Về mặt lý luận và nhận thức, ai cũng công nhận vai trò và tầm quan trọng của văn hóa học đường. Nhưng làm thế nào để có nó thì trên thực tế, phần lớn các nhà trường trên thế giới chỉ dừng lại ở bề nổi của văn hóa học đường, còn việc xây dựng nền tảng của nó với các giá trị và niềm tin thì gặp rất nhiều thách thức.
Thứ hai, khoảng cách từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng con người Việt Nam đến tổ chức thực hiện chưa được rút ngắn.
TS Tiến phân tích, vài năm gần đây, chúng ta triển khai cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, có thể coi đã tiếp cận đến vấn đề xây dựng văn hóa học đường. Tuy nhiên, cuộc vận động này về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào.
Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn mang tính hình thức, chưa thực sự được coi trọng. Vì vậy, văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang rộng trong các nhà trường. Điều đó giải thích vì sao có những hiện tượng bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy,…
Bên cạnh đó, các điều tra xã hội học cho thấy đang có những đảo lộn quan trọng về giá trị văn hóa gia đình. Những giá trị quan hệ, tiền tệ, bằng cấp, cạnh tranh chi phối rất mạnh tâm tư, tình cảm, hành vi của các bậc phụ huynh – vốn là tấm gương gần gũi để đứa trẻ noi theo. Điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách bình thường của trẻ, mà còn tạo nên những xung đột về giá trị khi trẻ thấy những giá trị mà bố mẹ đang theo đuổi khác xa với giá trị được học trong nhà trường.
Xét trên phạm vi toàn xã hội, có thể nói văn hóa Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn giao thời, trong đó các giá trị mới chưa thực sự hình thành một cách bền vững, các giá trị cũ đang chuyển động theo chiều hướng bám lấy các văn hóa tiêu cực trong văn hóa tiểu nông, văn hóa bao cấp và văn hóa thị trường. Điều này không chỉ làm gia tăng các thói hư tật xấu của người Việt, mà còn tác động tiêu cực đến nhân cách của những lớp người khác nhau; cộng hưởng với văn hóa gia đình tiêu cực sẽ tạo nên sự xung đột giá trị với điều được giảng dạy trong nhà trường.
Thứ ba, bên cạnh niềm tự hào của các giá trị văn hóa truyền thống thì thói hư, tật xấu của người Việt Nam là một thực tế cần được phân tích thấu đáo.
Những thói hư, tật xấu này đã kìm hãm sự phát triển của đất nước và đang góp phần khiến nước ta “luẩn quẩn” trong cái bẫy của nước thu nhập trung bình thấp. Nhận diện cho đúng các thói hư tật xấu này, từng bước khắc phục và vượt qua chúng là thách thức không nhỏ trong nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam nói chung, giáo dục giá trị trong nhà trường phổ thông nói riêng.
Thứ tư, không gian mạng có mặt trái chứa nhiều thông tin, giá trị độc hại và nguy hiểm trên nhiều phương diện. Nhìn từ góc độ xây dựng văn hóa học đường, một bộ phận không gian mạng tưởng như vô hại, bao gồm các mạng xã hội đang âm thầm và len lỏi đưa vào nhà trường các phi giá trị như sự trơ tráo, tục tĩu, vô trách nhiệm, gian dối, lừa đảo, bè cánh, ngông cuồng, hoang tưởng, anh hùng mạng, giang hồ mạng,…
Một môi trường mạng ô nhiễm, bát nháo, phản cảm đang lấn lướt, có khả năng tạo ra trong đời sống học đường định hướng giá trị lệch lạc, lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ, vụ lợi, bất kể thủ đoạn để câu view và kiếm tiến.
Cần đổi mới chương trình giáo dục theo tiếp cận văn hóa học đường
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh, phẩm chất và năng lực của người học không chỉ sinh ra từ chương trình giáo dục, không tự lớn lên cùng với những bài giảng của thầy cô và tuyệt nhiên không thể đứng vững trong một môi trường dạy và học bị thao túng bởi các phi giá trị.
Kinh nghiệm thành công của các nhà trường trên thế giới chỉ ra rằng, phẩm chất và năng lực của người học chỉ có thể sinh ra, bám rễ và lớn lên trong môi trường văn hóa học đường tích cực. Vì vậy, TS đưa ra khuyến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận văn hóa học đường.
Cụ thể, nhiệm vụ đầu tiên và xuyên suốt của nhà trường trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục là xây dựng văn hóa học đường.
“Đáng mừng là trong Chỉ thị năm học 2021-2022 của Bộ, xây dựng văn hóa học dường đã được quy định như một nhiệm vụ trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Việc triển khai nhiệm vụ này cần được quán triệt trong toàn ngành, không chỉ về mặt nhận thức vị trí, tầm quan trọng của văn hóa học đường, mà chủ yếu là việc tổ chức thực hiện, từ những vấn đề cốt lõi như xác định hệ giá trị cần đưa vào nhà trường, các chuẩn văn hóa học đường, cho đến giám sát, đánh giá”, TS Tiến nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và phức tạp, khi các yếu tố bên ngoài cả tích cực và tiêu cực đều đang đan xen nhau tác động lên nhà trường.
“Trong sự đan xen đó, nếu các cơ hội không được phát huy một cách chủ động và có ý thức thì cơ hội mãi mãi là cơ hội, còn thách thức sẽ không chỉ còn là thách thức mà trở thành nguy cơ.
Nghĩa là, nếu việc xây dựng văn hóa học đường không nhận được sự quan tâm thỏa đáng ở cấp hệ thống thì các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài, đặc biệt là các phi giá trị trong gia đình, xã hội và mạng internet sẽ dần lấn lướt và gây ô nhiễm, tạo hiệu ứng không mong muốn là sự lên ngôi của một văn hóa tiêu cực trong nhà trường”, TS cho hay.
3 khuyến nghị chính sách xây dựng văn hóa học đường
Ngoài khuyến nghị nêu trên, TS Tiến cũng đề xuất 3 khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách liên quan đến việc ban hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị mạng internet. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng văn hóa Việt Nam, văn hóa gia đình, văn hóa mạng, đồng bộ và nhất quán với văn hóa học đường.
Thứ nhất, Nhà nước cần sớm thống nhất về các kết quả nghiên cứu để chính thức ban hành hệ giá trị quốc gia, làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Theo TS Tiến, xây dựng các hệ giá trị này sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội. Hiện đã có những đề xuất về hệ giá trị từ các đề tài KH&CN cấp Nhà nước, tuy nhiên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
“Rất cần những quyết định ở cấp cao nhất của Nhà nước để sớm ban hành hệ giá trị quốc gia, lấy đó làm vũ khí đẩy lùi các phi giá trị đang xói mòn đời sống văn hóa, xã hội. Thực ra, về cơ bản nhiều giá trị quốc gia đã được quy định trong Hiến pháp và trong các văn kiện của Đảng.
Nếu thống nhất với nhau rằng không có lời giải tuyệt đối cho bài toán hệ giá trị quốc gia, chỉ có lời giải chấp nhận được vào lúc này và lời giải đó sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong tương lai, thì từ các dữ liệu hiện có về giá trị truyền thống và giá trị con người Việt Nam, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, có thể sớm ban hành hệ giá trị quốc gia”, TS Tiến khẳng định.
Thứ hai, trong khi chờ đợi ban hành hệ giá trị quốc gia, ngành văn hóa cần sớm xây dựng và ban hành hệ giá trị gia đình Việt Nam. Yêu cầu này là bức thiết để góp phần ngăn chặn sự xuống cấp trong văn hóa gia đình. Hệ giá trị gia đình Việt Nam sẽ là cơ sở cho việc xây dựng văn hóa gia đình, triển khai đồng bộ và nhất quán với văn hóa học đường.
Thứ ba, cùng với tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường.
Sự tràn lan các phi giá trị trên không gian mạng của Việt Nam có liên quan đến cách hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân mạng. Theo khảo sát năm 2020 của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.
TS Tiến cho rằng, việc Bộ Thông tin Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng là bước đi cần thiết và kịp thời để góp phần điều chỉnh hành vi của cư dân mạng, hạn chế các phi giá trị, phát huy các giá trị tích cực của không gian mạng. Tuy nhiên, do tính chất không bắt buộc, Bộ Quy tắc này chỉ nên xem như bước đi đầu tiên trên con đường hướng đến xây dựng văn hóa mạng.
Ở phạm vi giáo dục nhà trường, văn hóa mạng giờ đây đã có sự giao thoa với văn hóa học đường. Vì thế ngành giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, cùng theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến một văn hóa mạng tích cực, đồng hành với văn hóa học đường.
T.P