Mặc dù kinh tế quý 2/2022 tăng trưởng ấn tượng, đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, nhiều hiệp hội ngành hàng cho hay hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang gặp khó khăn lớn.
Đồng loạt kêu khó
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo, ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn trong cả khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Hiện hơn 50% tàu cá của các địa phương phải nằm bờ vì giá xăng dầu tăng quá cao, khiến hoạt động đánh bắt giảm mạnh. Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản cũng giảm sản lượng, do giá vật tư đầu vào tăng mạnh khiến người nuôi bị thua lỗ. Vì vậy, nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến thủy sản đang hiện hữu.
Cùng với đó, chi phí logictics cũng tăng cao. Một container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ hiện phải chịu cước từ 400-440 triệu đồng, làm chi phí cho dịch vụ loigictics của các DN có thể lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ mỗi tháng. Điều này đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động chế biến thủy sản, nhất là cho xuất khẩu.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, các DN xi măng đã 3 lần tăng giá bán sản phẩm. Giá mỗi tấn xi măng tăng từ 200.000-290.000 đồng, tùy thương hiệu. Từ nay tới cuối năm, giá bán xi măng dự báo vẫn tiếp tục tăng để bù đắp chi phí, duy trì sản xuất. Giá tăng đang gây khó cho tiêu thụ, tồn kho tăng cao.
Trong khi đó, xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Sản lượng xi măng xuất khẩu tháng 5 chỉ đạt 1,6 triệu tấn, giảm 50% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng xuất khẩu đạt gần 16 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Tới thang 5, hầu hết thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Bangladesh, Đài Loan, Malaysia… Đặc biệt, hai thị trường chính là Trung Quốc, Philippines giảm lần lượt đến 83% và 45% so với tháng trước. Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong nửa cuối năm 2022. Không tăng giá bán thì không bù đắp được chi phí, nhưng tăng giá thì ảnh hướng đến tiêu thụ.
Với ngành lâm sản, theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2022 tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản thuận lợi. Tuy nhiên, sang tháng 6, giá trị xuất khẩu giảm tới 11%, một mức giảm rất sâu. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, thiếu nguyên liệu sản xuất và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, châu Âu bắt đầu giảm.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các DN điện tử đang bị thiếu hụt linh kiện cho sản xuất, đồng thời tỷ lệ tồn kho cao. Tập đoàn Samsung đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam trong tháng 5/2022 đã giảm sản lượng 20% và tồn kho lớn với khoảng 50 triệu sản phẩm trên toàn cầu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam – thông tin, các DN thành viên đang đối diện với rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý I/2023 thiếu, nhiều DN do thiếu đơn hàng nên phải dừng sản xuất. Cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid”.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tại nhiều quốc gia dịch Covid đã bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng. Đặc biệt, lạm phát gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành những tháng cuối năm. Còn 6 tháng đầu năm, giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, giá bông cũng tăng 19% tác động đáng kể đến các DN.
Giảm gánh nặng cho DN
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm chỉ số giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nói chung đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông nghiệp có chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao nhất là hơn 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; xây dựng tăng 9,32%…
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các chỉ số sản xuất tại Nhật Bản, Anh, Euro và Mỹ đều chững lại trong tháng 6/2022. Riêng tại Mỹ, các nhà sản xuất lần đầu tiên ghi nhận số đơn đặt hàng mới giảm sút trong 2 năm qua do niềm tin của người tiêu dùng và các DN đều sụt giảm. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm từ 53,6 điểm trong tháng 5 còn 51,2 điểm trong tháng 6; đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 tháng qua. Các quốc gia trong “đại gia đình EU” dường như đang bước vào giai đoạn lạm phát đình trệ với giá hàng hóa và dịch vụ sẽ vẫn ở mức cao.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta nửa đầu năm 2022 với tổng kim ngạch 56 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Mỹ suy thoái chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ ở mức từ 3-3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu và nhiều bất ổn, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nửa cuối năm.
Trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Giải pháp quan trọng nhất là sớm “hạ nhiệt” giá xăng dầu, giúp giảm tác động dây chuyền với đầu vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, xem xét giảm thuế, phí trên diện rộng, để giảm gánh nặng cho DN và người dân. Hỗ trợ các DN tìm kiếm nhà cung cấp tránh đứt gãy nguồn cung, đồng thời tạo thuận lợi cho DN trong nước bán được hàng.
Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao trong 6 tháng đầu năm (bằng 66% so với dự toán), Chính phủ cần đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ các gói đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay các cuộc thanh, kiểm tra vẫn cứ diễn ra, gây khó thêm cho DN. Để giảm bớt khó khăn, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là với công tác kiểm tra chuyên ngành và thanh tra DN.
T.P