Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCựu Thủ tướng Abe - "kiến trúc sư trưởng" các chính sách...

Cựu Thủ tướng Abe – “kiến trúc sư trưởng” các chính sách nổi tiếng Nhật Bản

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo nổi tiếng với lập trường mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và luôn nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Vụ việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, bị ám sát bằng súng khi đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho thành viên đảng Dân chủ Tự do Kentaro Asah tại thành phố Nara vào ngày 8/7 đã gây sốc cho chính trường nước này và cả thế giới.

Ông Abe là thủ tướng nắm quyền lâu nhất không bị gián đoạn của Nhật Bản thời hậu chiến và ảnh hưởng của ông trong LDP cầm quyền vẫn rất rộng lớn.

Từng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử hậu chiến

Ông Abe Shinzo lên nắm quyền khi ở tuổi 52, trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Nhật thời hậu chiến, và cũng là người đầu tiên sinh sau Thế chiến II.

Tuy nhiên, năm 2007, ông Abe bất ngờ từ chức với lý do sức khỏe, ít lâu sau khi đảng của ông thua trong cuộc bầu cử năm đó. Lúc đó, ông Yasuo Fukuda, người đầu tiên trong chuỗi 5 thủ tướng mà không ai tại nhiệm hơn 16 tháng, lên kế nhiệm.

Và sau một thời gian, ông Abe bất ngờ trở lại chính trường, vượt qua cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru để trở thành Chủ tịch LDP lần thứ hai vào tháng 9/2012. Tháng 12/2012, sau chiến thắng áp đảo của LDP trong cuộc tổng tuyển cử, ông Abe tái cử và tiếp tục đắc cử với kết quả áp đảo năm 2014 và 2017. Nhưng đến năm 2020, ông từ chức với lý do sức khỏe tương tự.

Những di sản để đời

Mặc dù không còn nắm quyền thủ tướng, ông Abe vẫn có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Nhật Bản, trong các vấn đề trong nước và khu vực với tư cách là cựu lãnh đạo đầy quyền lực của LDP.

Hồi tháng 11/2021, ông ra mặt kêu gọi thúc đẩy tăng quy mô gói kích cầu hậu đại dịch với mức 78,9 nghìn tỷ yên, đánh dấu gói kích cầu lớn thứ hai trong lịch sử Nhật Bản.

Tháng 12/2021, ông Abe đã lên tiếng cảnh báo rằng việc Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan sẽ là “hành động tự sát” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, đồng thời nói rõ rằng Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ phải tăng cường năng lực và hợp tác cùng nhau để chống lại các mối đe dọa an ninh.

Trong suốt thời gian làm thủ tướng, ông Abe đã không ngừng nỗ lực để nâng cao vị thế và sự hiện diện quốc tế của đất nước mình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào kể từ sau Thế chiến II.

Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau đó dẫn đầu việc hồi sinh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Ông cũng thúc đẩy tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong khu vực, cũng như các cường quốc ngoài khu vực như Liên minh châu Âu (EU) và Anh, đồng thời nâng cấp khả năng quốc phòng của chính Nhật Bản.

Ngoài việc đề xuất nhóm “Bộ tứ kim cương” trở thành một diễn đàn an ninh khu vực vào năm 2007, cựu Thủ tướng Abe còn đóng một vai trò nổi bật trong việc tái kết hợp Đối thoại Bộ tứ kim cương bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Vị chính trị gia có vị thế quan trọng trên chính trường Nhật Bản còn mở ra các chính sách kinh tế mang tên ông. Chính sách kinh tế đặc trưng của ông “Abenomics” được xây dựng dựa trên việc nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu.

Ông Abe cũng tìm cách thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng cách làm cho công sở trở nên thân thiện hơn với các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ. Ông thúc đẩy việc tăng thuế tiêu dùng để tài trợ cho nhà trẻ và hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản.

Nổi tiếng với lập trường mạnh mẽ về chính sách quốc phòng và đối ngoại, ông Abe đã tìm cách sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản, đặc biệt là sửa đổi Điều 9 vốn cấm nước này sở hữu lực lượng quân sự.

Trong nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật Bản cho thấy lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng ông Abe cũng thúc đẩy các chuyến thăm và trao đổi ở nhiều cấp độ khác nhau với Bắc Kinh và lần cuối ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019, trong đó ông Tập nói rằng cả hai “không nên coi nhau là mối đe dọa”.

Ông Tập từng dự kiến thăm Nhật Bản vào năm 2020 trong một chuyến thăm cấp nhà nước nhưng chuyến thăm đã không diễn ra do đại dịch Covid-19.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới