Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgành dệt may TQ tụt dốc- VIỆT NAM có lợi không?

Ngành dệt may TQ tụt dốc- VIỆT NAM có lợi không?

Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Đáng chú ý, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và dịch Covid-19 đã khiến cho xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc sang khu vực châu Á, đặc biệt nhất là Việt Nam.

Công nhân một công ty dệt vải Trung Quốc.

Để làm nổi bật nhận định này, mới đây, trang The Economic Times đã đăng tải bài viết “Ngành dệt may Trung Quốc suy giảm lợi nhuận, đơn hàng đồng loạt đổ về Việt Nam và Ấn Độ”. Theo đó, tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự tăng trưởng ổn định và liên tục trong những tháng vừa qua cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã thực sự bức phá ngoạn mục. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam đã đón nhận thành công làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước bạn láng giềng Trung Quốc.

Ngành dệt may Trung Quốc dần “xói mòn”

Theo báo cáo mới đây, do thị trường toàn cầu bị thu hẹp và nhu cầu sụt giảm liên tiếp, lợi nhuận của ngành dệt may của Trung Quốc đã bị suy thoái nghiêm trọng trong suốt thời kỳ đại dịch và sẽ tiếp tục chịu thiệt hại do giá nguyên liệu thô tăng.

Báo cáo tiết lộ rằng kể từ đầu năm 2022, ngành dệt may nước này đã phải hứng chịu những tổn thất lớn do ngành này không thể tăng giá sản phẩm do đại dịch. Hơn nữa, lượng đơn đặt hàng tại Trung Quốc đã thấp hơn 40% so với năm ngoái. Theo ước tính của Phòng Thương mại xuất nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc, quy mô đơn hàng dệt may của Trung Quốc ước tính đạt khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt được khoảng 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, do tác động của thuế quan mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc, một lượng lớn các đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã bị trì hoãn hoặc không hoàn thành kịp tiến độ.

Thêm vào đó, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, thị phần nhập khẩu bông dệt may từ Trung Quốc trong năm 2022 giảm từ 23,5% trong năm 2021 xuống 17,1% và thị phần nhập khẩu bông từ nước này giảm từ vị trí đầu tiên xuống vị trí thứ hai, nhường vị trí nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam. Các nguyên nhân chính khiến thị trường ế ẩm là do thị trường tiêu thụ bị đóng băng bởi các công tác phòng chống dịch.

Xu thế chuyển dịch sản xuất diễn ra mạnh mẽ

Theo The Economic Times, các đơn hàng dệt bông hiện nay chủ yếu được chuyển sang Ấn Độ, và các đơn hàng quần áo chủ yếu được chuyển sang các nước như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Campuchia.

Đặc biệt hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục, thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây. Vì vậy, khi dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi, nhu cầu đối với các mặt hàng quần áo ở Mỹ và Châu Âu đến từ các nhà sản xuất Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.

Vị thế Việt Nam tăng cao, trở thành điểm đến cung ứng toàn cầu

Theo The Economic Times, nhờ sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, môi trường chính trị ổn định, quy mô sản xuất ngày càng tăng… và đặc biệt là khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt, ngành dệt may của Việt Nam được đánh giá là vẫn có triển vọng tốt khiến chuỗi cung ứng không bị gián đoạn hoặc gián đoạn rất ít.

Thực tế hiện nay, hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với con số 150 của năm 2016. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực, bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia, Indonesia, Thái Lan…

Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như: vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt. Hàng may mặc vẫn là nhóm hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và mang tính chi phối chiếm trên 83% đối với toàn ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, việc tham gia sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP… kết hợp với việc ngành sản xuất dệt may không ngừng được nâng cấp, cải thiện sẽ tạo cơ hội cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới