Monday, December 23, 2024

Mơ về COC

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah sau cuộc gặp tại Malaysia ngày 12-7.

Ông Vương Nghị đưa ra lời cam kết trên tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah chiều 12/7, trong chuyến thăm Malaysia.

Một cuộc họp báo tổ chức tại điểm dừng chân cuối cùng có nhiều chuyện để cánh báo chí quốc tế quan tâm. Tỷ như vấn đề hợp tác giữa hai bên về kinh tế-thương mại; về dự án tuyến đường sắt bờ Đông liên quan sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vốn từng gặp trắc trở…Tuy nhiên, câu chuyện về COC vẫn là một trong những điểm đáng chú ý bậc nhất trong con mắt dư luận. Chú ý hơn cả việc ông Vương Nghị cho biết, hai bên (Trung Quốc và Malaysia) nhất trí duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đồng thuận chính trị, nhất trí duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Khuôn khổ Hợp tác Khu vực ASEAN.

Tại sao vậy? Nhiều nguời biết, cánh báo chí và giới chuyên gia nghiên cứu Biển Đông càng biết và nhớ rằng, cũng lời cam kết này, ông Vương Nghị đã nói nhiều lần, trong nhiều diễn đàn, cả song phương và đa phương.

Thí dụ, đận này năm ngoái tại cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 3/8/2021, ông đã khẳng định ASEAN chiếm vị trí quan trọng trong toàn cục ngoại giao của Trung Quốc; đồng thời khẳng định, Trung Quốc ủng hộ lập trường của ASEAN duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí đẩy nhanh đàm phán COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Thậm chí, ông còn làm như câu chuyện COC đã đi vào hồi kết với lời khẳng định, dự thảo COC đã “thống nhất được lời nói đầu”.

Thái độ trọng thị, thiện chí cùng sự lạc quan vào triển vọng đàm phán COC phát ra từ miệng nhà ngoại giao “có gang có thép” này từng khiến nhiều người cả mừng.

Chính đáng thôi. Bởi ai chẳng biết, một khi DOC chẳng mấy tác dụng, thì một COC có tính ràng buộc giữa các bên (thực chất, là hai bên: Trung Quốc và nhóm 4 quốc gia duyên hải cùng Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền), Biển Đông mới có cơ thoát khỏi tình cảnh như một thùng thuốc súng sẵn sàng phát nổ vì những hành vi ngỗ ngược cậy thế nước lớn để chèn ép các quốc gia láng giềng mà Trung Quốc luôn cửa miệng là “quan trọng” với họ.

Tuy nhiên, mọi sự nhanh chóng trở về chỗ cũ. Nói cách khác, những người lạc quan từ lời cam kết của ông Vương Nghị mau chóng thất vọng, nhận ra mình thật khờ khạo, cả tin.

Cả tin vì tin vào ai kia, chứ sao có thể tin lời một nhà ngoại giao cáo già của Trung Nam Hải là ông Vương Nghị?

Khờ khạo vì cam kết thế chứ hơn thế, cũng chỉ là hình thức, ngoài mặt, cửa miệng. Câu chuyện COC dù có thống nhất được lời nói đầu và cả lời nói cuối (nếu có), thì mấu chốt, vẫn là quan điểm song phương (Trung Quốc và ASEAN) về cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, áp đặt và đòi hỏi các cộng đồng quốc tế công nhận.

Nói cách khác, với Trung Quốc, yêu sách “đường 9 đoạn” là vấn đề có tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng.

Ngược lại, những quốc gia, trong con mắt Trung Quốc là ương bướng, như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines cũng coi đó là vấn đề có tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng.

Thậm chí, vì “đường 9 đoạn” mà Philippines kiện, và kiện thắng Trung Quốc, mà còn chẳng ăn ai, buộc ông Duterte phải “đút vào gầm bàn” bản phán quyết của PCA mà Philippines kỳ công theo đuổi. Đó là chưa kể, gần đây, đang có tin: bất mãn trước việc Mỹ và các cường quốc phương Tây nhúng tay vào Biển Đông, Trung Quốc đã tính tới chuyện rút khỏi UNCLOS để tiện bề tung hoành ngang dọc, làm mưa làm gió, coi trời bằng vung.

Lần này thăm Malaysia, tái xuất lời hứa trên một cách dõng dạc, phải chăng, Bắc Kinh đã nhận ra mình là kẻ tham lam quá đáng, nên phục thiện, tính chuyện rụt lại cái “lưỡi bò” chăng?

Hỏi để mà hỏi thế thôi. Chứ chuyện đó, ASEAN, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hãy tỉnh đòn và đừng mơ mộng.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới