Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Sân chơi” Nam Thái Bình Dương: Ai ghi điểm?

“Sân chơi” Nam Thái Bình Dương: Ai ghi điểm?

Ngày 13/7, Mỹ đã công bố gói tài trợ 600 triệu USD cho các nước ở khu vực Thái Bình Dương, trong 10 năm. Kế hoạch được Phó Tổng thống Kamala Harris công bố tại Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra tại Fiji.

Bà Kamala Harris phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, tổ chức tại Suva, Fiji, ngày 13/07/2022.

Khoản viện trợ được dành cho mục đích giúp các đảo quốc Thái Bình Dương đối phó với hoạt động đánh bắt cá trái phép, tăng cường an ninh hàng hải và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Công bố của bà Kamala Harris lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi thời gian gần đây, câu chuyện liên quan các đảo quốc Nam Thái Bình Dương trở thành nhạy cảm trước sự tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung Quốc và Mỹ.

Cùng với công bố gói viện trợ hào phóng, bà Kamala Harris còn tỏ ra như ân hận, day dứt mà rằng: “Chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây, các đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao xứng đáng”. Cũng bà Harris còn tiết lộ Mỹ sẽ mở 2 Đại sứ quán mới – ở Tonga và Kiribata. Washington cũng sẽ chỉ định một phái viên đầu tiên tới Thái Bình Dương và khởi động một chiến lược quốc gia mới đối với khu vực này.

Không thể định lượng được, có bao nhiều phần chân thành trong lời ngậm ngùi của bà Harris. Tuy nhiên, với các quốc đảo Thái Bình Dương: hãy biết thế, và mừng cái đã.

Thế nên, đáp lại, tổng thống Palau Surangel Whipps chẳng hề trách móc, mà thiện chí khi nói đại ý: Trăm sự là tại cái xa xôi cách trở thôi, chứ Mỹ bao giờ chả tốt. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định: Sự kiện (viện trợ) 600 triệu USD đánh dấu việc Mỹ muốn quay trở lại và đóng góp vai trò tích cực cho khu vực. Điều đó rất quan trọng.

Tổng thống Palau hể hả bao nhiêu thì Trung Quốc tức bấy nhiêu. Phải thôi. Bắc Kinh vô cảm trước khoản viện trợ của Mỹ và sự hể hả của tổng thống Palau mới là chuyện lạ. Từ tháng 5/2022, ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã kỳ công thực hiện chuyến công du tới nhóm đảo quốc Nam Thái Bình Dương nhằm mục tiêu mục tiêu tìm kiếm thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực.

Chắc mẩm kết quả trong tầm tay như đã đạt được “Thỏa thuận khung với hợp tác an ninh” với đảo quốc Solomon trước đó, ông Vương Nghị đã mang theo sẵn văn bản Thỏa thuận về “Tầm nhìn Phát triển chung” để các nhóm các nhà lãnh đạo chỉ việc thò bút ký, và qua đó, thấy được “tấm lòng”, “trách nhiệm” của một cường quốc đang lên như Trung Quốc.

Những Bắc Kinh tính không bằng…trời tính. Ông Vương Nghị và đại diện 10 đảo quốc Thái Bình Dương hôm 30/5 không đạt được thỏa thuận về “Tầm nhìn Phát triển chung” do Bắc Kinh đề xuất.

Ngoài mặt thì nói cứng rằng các nước Thái Bình Dương không nên “quá lo lắng” về mục tiêu của Bắc Kinh tại khu vực, nhưng bên trong, ông Vương Nghị chắc chắn khó nuốt trôi quả đắng của chuyến công du. Cái đắng càng đắng thêm khi nhà ngoại giao họ Vương biết: không vỗ tay lộ liễu, nhưng có một số kẻ theo sát các động thái của mình, và hoan hỷ với sự bất thành của Trung Quốc trong âm mưu vươn ra Thái Bình Dương để gia tăng ảnh hưởng. Trong các kẻ đó, không thể thiếu Mỹ và Úc.

Hai tuần sau chuyến đi coi như thất bại của ông Vương Nghị, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong, ngày 17/06/2022, đã đến thăm quần đảo Salomon. Sự kiện này diễn ra đồng thời và nhịp nhàng đến ngạc nhiên với việc Mỹ và quần đảo Marshall khởi động vòng đàm phán triển khai một thỏa thuận an ninh và kinh tế vào tháng 9/2022.

Thất bại (cứ cho là tạm thời đi) của Trung Quốc rành rành thành cơ hội cho các đối thủ là Mỹ và Úc. Chưa hết cay cú và hậm hực khi chứng kiến các hoạt động ngoại giao con thoi dồn dập, khá thành công của Mỹ và Úc trong hai tháng qua với nhóm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, nay lại bị bồi thêm cú thôi sơn là gói tài trợ 600 triệu USD Mỹ công bố, được nhóm các đảo quốc trên gật đầu lia lịa, không biết cục tức của ông Vương Nghị còn nổi to đến đâu?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới