Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTrò “giết gà dọa khỉ” của Tập Cận Bình

Trò “giết gà dọa khỉ” của Tập Cận Bình

Sau 10 năm cầm quyền, đến ngày 24/6/2022 ông Tập Cận Bình mới chính thức đưa được người của mình lên vị trí Bộ Trưởng Bộ Công an. Nhưng chỉ 9 ngày sau khi vị này nhậm chức, Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc, thân tín của tân Bộ trưởng, đã đột tử đầy nghi vấn. Ngoại giới cho rằng vị quan chức này bị sát hại và câu chuyện sau cái chết của ông báo trước con đường chông gai của ông Tập và tân Bộ trưởng Bộ Công an…

Tân Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng.

Theo báo chí Trung Quốc đưa tin ngày 5/7, ông Lưu Văn Tỉ (Liu Wenxi), Phó tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Công an tỉnh, đã qua đời vào ngày 3/7 ở tuổi 54 “vì một cơn bạo bệnh và cấp cứu không qua khỏi”.

Ngày 27/5, Lưu Văn Tỉ được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc kiêm Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc. Nửa tháng sau, ngày 10/6, tại một nhà hàng thịt nướng ở Đường Sơn đã xảy ra một vụ đánh người gây chấn động cả Trung Quốc. Ngày 25/6, Công an tỉnh Hà Bắc tổ chức Hội nghị truyền hình cơ quan công an toàn tỉnh, công bố phát động “Hành động Trăm ngày hè Trị an”, khi đó ông Lưu cũng có mặt để bố trí nhiệm vụ. Một tuần sau, Lưu Văn Tỉ đột tử một cách bí ẩn.

Đột tử vì bạo bệnh hay là bị sát hại?

Ngoại giới cho rằng, nguyên nhân cái chết thực sự của ông Lưu Văn Tỉ có thể là bị diệt khẩu.

Internet loan truyền thông tin: Ông Lưu Văn Tỉ được điều về Hà Bắc, hai tuần sau thì xảy ra vụ đánh người tại một nhà hàng thịt nướng. Ông Lưu chủ trương thực sự xử lý các thế lực xã hội đen, nhưng các vụ đi kêu oan đều bị giữ lại ở dưới cấp huyện, không nộp lên trên, nên ông đã dùng đến đội kiểm tra kỷ luật để giám sát.

Người trong cuộc cho biết, đợt kiểm tra kỷ luật này là địa bàn duy nhất mà bè lũ Phúc Kiến không thể can thiệp, nhìn thấy sự uy hiếp này, họ đã hẹn ông Lưu đến Sở Công an Hà Bắc họp vào tối ngày 2/7. Ông đã bị giết vào đêm đó. Trên cổ ông Lưu Văn Tỉ có hai vết thắt cổ, một vết hẹp theo chiều ngang, là nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết, phù hợp với vết siết cổ, và một vết xiên rộng lên trên, là dấu hiệu ngụy trang treo cổ sau khi chết.

Nhà bình luận về vấn đề thời sự Vương Hữu Quần (Wang Youqun) viết vào ngày 8/7 rằng, ông Lưu Văn Tỉ chắc chắn đã trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe trước khi nhậm chức ở Hà Bắc, sau khi xác định sức khỏe không có vấn đề gì thì mới lên ngựa về dinh. Nếu như trước đó phát hiện mắc một căn bệnh có thể dẫn đến “đột tử” thì ông Lưu đã không thể nào nhảy vào Hà Bắc.

Theo phân tích của ông Vương, “cái chết đột ngột” của Lưu Văn Tỉ là rất đáng ngờ, nhất là chết vì bệnh tật.

Đánh đòn phủ đầu tân Bộ trưởng Công an phe ông Tập?

Vào ngày 24/6/2022, ông Vương Tiểu Hồng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an tại cuộc họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIII.

Là một thân tín của ông Tập Cận Bình, thực không dễ để Vương Tiểu Hồng nhậm chức Bộ trưởng này.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, bốn bộ trưởng công an liên tiếp – Giả Xuân Vượng, Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ, Quách Thanh Côn – đều được Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đề bạt trọng dụng. Người tiền nhiệm của Vương Tiểu Hồng, ông Triệu Khắc Chí, không thuộc phe Giang cũng không thuộc phe Tập, nhưng là một nhân vật mang tính quá độ trong việc chuyển giao quyền lực công an từ phe Giang sang phe Tập.

Không ai trong số năm bộ trưởng công an trên xuất thân trực tiếp từ hệ thống công an. Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ, Quách Thanh Côn và Triệu Khắc Chí đều là từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy được chuyển sang làm Bộ trưởng Công an. Còn Giả Xuân Vượng được chuyển từ Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước sang Bộ trưởng Công an.

Ông Vương Tiểu Hồng là người đầu tiên trong 20 năm qua có công tác thâm niên trong hệ thống công an và được đề bạt trọng dụng làm Bộ trưởng Công an.

Ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 11/2012. Mãi cho đến năm nay khi ông Vương Tiểu Hồng trở thành Bộ trưởng Công an, ông Tập mới kiểm soát được bộ này, tức là phải mất 10 năm.

Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau khi có tân Bộ trưởng Công an, tân Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc Lưu Văn Tỉ lại qua đời.

Nếu Lưu Văn Tỉ thực sự chết vì bệnh tật, cái chết của ông Lưu sẽ không là vấn đề gì lớn đối với ông Vương Tiểu Hồng. Tuy nhiên, nếu Lưu Văn Tỉ không chết vì bệnh mà “bị giết”, đó có thể là một mối đe dọa rất lớn đối với Vương Tiểu Hồng.

Đưa thân tín vào Hà Bắc – tỉnh bao quanh hầu hết Bắc Kinh

Kể từ khi Vương Tiểu Hồng nhậm chức Bí thư Đảng ủy Công an vào ngày 19/11 năm ngoái và trở thành nhân vật số một trên thực tế trong Bộ Công an, ông đã bắt tay vào hai nhiệm vụ lớn: Một là thanh trừng “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân”, hai là điều động thay đổi vị trí giám đốc công an các địa phương.

Hai việc lớn này gộp lại thành một thì chính là thay thế các vị trí chủ chốt từ Bộ Công an đến các cơ quan công an địa phương thành “người của mình”.

Vào tháng 4 năm nay, ông Lưu Khải, cựu Phó tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc bị điều động đến tỉnh Cát Lâm làm việc. Vào tháng 5, Lưu Khải được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm, không còn phụ trách công tác công an, tương đương với việc rời khỏi hệ thống công an.

Vào tháng 4 năm nay, Lưu Văn Tỉ khi đang là Phó trưởng đoàn Kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Bộ Công an đã được điều về tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ông này trở thành Thành viên đảng tổ chính quyền tỉnh Hà Bắc, Phó Tỉnh trưởng, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc và Chánh Thanh tra Công an tỉnh.

Lưu Văn Tỉ có lẽ là một trong những người được Vương Tiểu Hồng tín nhiệm. Việc Lưu Văn Tỉ được điều tới Hà Bắc có lẽ là một phần quan trọng trong cách bố trí nhân sự của Vương Tiểu Hồng.

Vì Hà Bắc nằm sát sườn Bắc Kinh nên việc kiểm soát hệ thống công an của Hà Bắc là rất quan trọng đối với an ninh chính trị của Bắc Kinh. Vương Tiểu Hồng đã gửi Lưu Văn Tỉ đến Hà Bắc, có thể với ý định chấn chỉnh hệ thống công an Hà Bắc thông qua ông Lưu.

Nhưng khi Vương Tiểu Hồng phái Lưu Văn Tỉ đến Hà Bắc, ông không bao giờ có thể tưởng tượng rằng người mình cử đi sẽ “đột tử” chỉ trong hơn một tháng sau khi nhậm chức giám đốc công an tỉnh.

Mượn vụ Đường Sơn phát động cuộc đại thanh trừng

Vào ngày 10/6, 4 người phụ nữ đã bị đánh đập dã man tại một nhà hàng thịt nướng ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nó đã trở thành vấn đề nhức nhối và nhận được hàng tỷ lượt nhấp đọc, là một sự kiện gây chấn động cả trong và ngoài Trung Quốc.

Từ tiếng nói của các kênh truyền thông lớn cấp nhà nước, đến sự can thiệp của Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đến việc cử đoàn giám sát trung ương về, cho đến việc có rất nhiều nhân chứng dùng tên thật đứng ra tố cáo thế lực xã hội đen Đường Sơn và các quan chức câu kết với chúng, tất cả hành động này cho thấy: Ông Vương Tiểu Hồng có thể muốn thông qua vụ án đánh người này, nhân danh vây quét xã hội đen, để phát động một cuộc đại thanh trừng ở Đường Sơn, ở Hà Bắc, thậm chí tới toàn quốc.

Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của vụ đánh đập ở Đường Sơn còn gây chấn động hơn.

Ngày 21/6, Công an tỉnh Hà Bắc cho biết trong số 4 phụ nữ bị hại, 2 người “bị thương nhẹ (cấp độ II)” và 2 người “bị thương một chút”.

Hầu hết những người xem đoạn video 4 người phụ nữ bị đánh đều không tin vào kết quả giám định trên.

Cùng ngày, Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Hà Bắc thông báo: Mã Ái Quân – Trưởng Công an quận Lộ Bắc thuộc thành phố Đường Sơn – và 4 nhân viên cấp dưới đang bị xem xét kỷ luật và điều tra giám sát; Phó trưởng Công an quận đã bị cách chức.

Sáu người trên đều là quan chức cấp cơ sở, cấp thấp nhất. Không ai trong số các quan chức cấp thành phố Đường Sơn và cấp tỉnh Hà Bắc bị động đến.

Ở thành phố Đường Sơn và tỉnh Hà Bắc, dường như có một thế lực đang làm mọi cách để biến vụ việc đánh 4 người phụ nữ đó từ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì.

Với tư cách là người đứng đầu Công an tỉnh Hà Bắc, chắc chắn ông Lưu Văn Tỉ sẽ duy trì sự nhất quán cao độ với Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng trong việc xử lý vụ đánh đập ở Đường Sơn. Tuy nhiên, từ kết quả xử lý nêu trên có thể thấy, sự phản kháng mà ông gặp phải ở địa phương là rất lớn.

Phân tích của nhà bình luận Vương Hữu Quần cho rằng, việc “xử lý” Lưu Văn Tỉ là để ra oai phủ đầu Vương Tiểu Hồng.

1. Phe cánh đối lập không muốn Vương Tiểu Hồng làm ‘lão đại’ hệ thống công an

Như đã đề cập ở trên, trước Vương Tiểu Hồng, hệ thống công an của ĐCSTQ đã nằm trong tay các tay sai do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đề bạt. Những tay thân tín này đã cất nhắc một lô những “người của mình” trong hệ thống công an toàn quốc và thành lập một nhóm lợi ích.

Ví dụ, Mạnh Kiến Trụ, cựu Bộ trưởng Công an, Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã thông qua thân tín số một của mình là cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân để cài cắm không ít tay chân vào các vị trí then chốt ở những nơi trọng yếu trên cả nước.

Hiện tại, các quan chức cấp cao bị điều tra và xác nhận là thành viên của “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Phó Chính Hoa, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô Vương Lập Khoa, cựu Giám đốc Công an Thượng Hải Cung Đạo An, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm, cựu Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây Lưu Tân Vân, v.v.

Còn có những người đã bị điều tra nhưng chưa được liệt kê là thành viên của “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” như Phó tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh Vương Đại Vĩ. Hay các quan chức cấp cao khác chưa bị công khai điều tra nhưng đã bị “cách chức” hoặc “mất tích”. Tất cả những cái tên kể trên đều là thành viên của phe Giang, Tăng và Mạnh.

Những người này không muốn thấy Vương Tiểu Hồng trở thành “lão đại” của hệ thống công an quốc gia. Khả năng các quan chức trên dưới cấu kết với nhau, âm mưu giở trò là hoàn toàn có thể tồn tại.

2. Hệ thống chính trị và pháp luật ở tỉnh Hà Bắc rất đen tối

Cách đây 27 năm, vào ngày 27/4/1995, Nhiếp Thụ Bân (Nie Shubin), một thanh niên 21 tuổi đến từ thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, đã bị xử bắn với tội danh “phạm tội hiếp dâm” và “cố ý giết người”.

Sáu năm trước, vào ngày 2/12/2016, phiên tòa lưu động thứ hai của Tòa án Tối cao Trung Quốc đã tuyên bố hủy bỏ bản án gốc và Nhiếp Thụ Bân được tuyên trắng án sau khi xét xử lại vụ án này.

Vào ngày Tòa án Tối cao sửa lại án xử sai cho Nhiếp Thụ Bân, Tòa án cấp cao tỉnh Hà Bắc đã đăng trên tài khoản Weibo chính thức như sau: “Chúng tôi sẽ rút ra bài học sâu sắc từ vụ án này và sẽ điều tra xem có một phiên tòa bất hợp pháp hay không”.

Tuy nhiên, cho đến nay, không có công an, công tố viên hay nhân viên pháp luật nào ở tỉnh Hà Bắc bị truy cứu trách nhiệm pháp lý về việc giết hại vô cớ Nhiếp Thụ Bân.

Tại tỉnh Hà Bắc, một nam thanh niên bị bắn chết vì cơ quan chức năng xử sai án, vụ án đã thu hút sự chú ý của toàn Trung Quốc và cả thế giới. Nhưng hệ thống chính trị và pháp luật tỉnh Hà Bắc, từ trên xuống dưới, đều dửng dưng bất nhân.

Nhiều người trong số họ từ lâu đã kết giao với thế lực tà ác nhất trong ĐCSTQ, đứng đầu là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, và họ không chấp nhận Vương Tiểu Hồng.

3. Mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích trung ương và địa phương

Vương Tiểu Hồng phái Lưu Văn Tỉ đến Hà Bắc, nhất định không phải để làm “hội trưởng duy trì ổn định”, mà là hy vọng rằng ông ấy sẽ thay đổi hệ sinh thái của hệ thống công an địa phương. Điều này nhất định sẽ động chạm đến lợi ích của một số người.

Vào ngày 25/6, Lưu Văn Tỉ chủ trì một hội nghị truyền hình của cơ quan công an toàn tỉnh. Theo chỉ thị của Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng mới được bổ nhiệm, ông Lưu đã triển khai “Hành động Trăm ngày” để đảm bảo trị an trong mùa hè. Trọng điểm là tập trung vào các loại:

– Tội phạm có liên quan đến xã hội đen chuyên hành ác, bắt nạt quần chúng, gây rối trật tự kinh tế xã hội;

– Tội phạm côn đồ chuyên tụ tập đông người đánh nhau, cưỡng ép mua bán, gây gổ, kích động gây rối, tống tiền, giam giữ người trái pháp luật, tổ chức mại dâm, cưỡng bức mại dâm, mở sòng bạc, cố ý làm hư hỏng tài sản, v.v.;

– Tội phạm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên, phụ nữ và người già;

– Tội phạm lừa đảo qua mạng Internet và gian lận viễn thông, v.v. ;

Còn phải thực hiện một “chiến dịch đặc biệt để truy quét các tội phạm dùng súng bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, “Hành động Trăm ngày” của Lưu Văn Tỉ còn chưa kịp triển khai thì ông đã chết.

Vào ngày Lưu Văn Tỉ “đột tử”, ngày 3/7, một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy khi vụ đánh đập Đường Sơn xảy ra, Mã Ái Quân – Trưởng công an Quận Lộ Bắc – cũng có mặt tại hiện trường và ngồi ngay sau bàn ăn của bốn cô gái bị đánh. Khi các cô bị đánh đập, Mã không hề có phản ứng gì mà chỉ ngồi nhìn đám côn đồ kéo cô gái ra khỏi cửa tiệm. Sau đó, Mã Ái Quân quay lại và nói với ai đó, “Kéo cô ta đi”.

Dù là ở thành phố Đường Sơn hay tỉnh Hà Bắc, ai là ô dù của các thế lực ngầm này? Chính là quan chức ĐCSTQ các cấp. Nếu “Hành động Trăm ngày” thực sự ra quân, một số quan chức có thể sẽ bị tóm.

Thay vì để ông tóm tôi, chi bằng tôi trị ông trước. Từ trước tới nay, các cuộc đấu tranh chính trị trong ĐCSTQ luôn là như vậy, kẻ sống người chết.

Có lẽ, trước khi Lưu Văn Tỉ thi triển quyền cước, ai đó đã đi trước một bước để hạ đo ván ông.

Nếu tân Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc Lưu Văn Tỉ thực sự bị “ám sát”, thì những ngày tháng sau này của tân Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới