Saturday, May 4, 2024
Trang chủQuân sựChuyên gia quân sự chỉ ra những yếu tố bất lợi với...

Chuyên gia quân sự chỉ ra những yếu tố bất lợi với Nga trên chiến trường

Khả năng của Ukraine sử dụng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp trong thời gian gần đây để tấn công các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và kho đạn của Nga đã khiến Moscow đau đầu.

Binh sĩ Ukraine ngồi trên thiết giáp di chuyển gần thành phố Severodonetsk và Lysychansk.

Vũ khí hiện đại của phương Tây

Trong nhiều tháng qua, quân đội Ukraine đã yêu cầu phương Tây chuyển giao các hệ thống tên lửa và đạn pháo chính xác tầm xa. Hiện giờ họ đang triển khai chúng để tiến hành các cuộc tấn công ở phía Nam và phía Đông đất nước.

Phía Ukraine không cung cấp thông tin cụ thể nhưng ông Vadim Denysenko, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Ukraine ngày 13/7 cho biết: “Hai tuần qua, nhờ những vũ khí mà Ukraine nhận được, chúng tôi đã có thể phá hủy hơn 20 nhà kho chứa vũ khí, nhiên liệu của Nga. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cường độ hỏa lực của Nga”.

Vũ khí nổi bật nhất trong những loại khí tài quân sự mà Ukraine nhận được là Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Ngoài ra, Kiev cũng tiếp nhận pháo Howitzer của Mỹ, Canada và pháo tầm xa Caesar từ Pháp. HIMARS có tính cơ động cao khiến nó khó bị nhắm trúng và hệ thống dẫn đường GPS giúp nó tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương. Hiện Ukraine đang sở hữu các tên lửa có tầm bắn từ 70 đến 80km dành cho hệ thống này.

Mick Ryan, nhà phân tích quân sự và cựu tướng của Australia cho rằng, “Hệ thống được sử dụng để phá hủy các nút thông tin liên lạc quan trọng, các sở chỉ huy, sân bay và cơ sở hậu cần”. Độ chính xác của HIMARS sẽ khiến Kiev bớt lo lắng hơn về thương vong trên chiến trường. CNN dẫn nguồn tin từ 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, với hệ thống này, Ukraine chỉ cần sử dụng ít đạn hơn so với bình thường để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa.

Theo CNN, HIMARS dường như đã được sử dụng trong một cuộc tấn công lớn nhằm vào nhà kho ở thị trấn Nova Kakhovka, thuộc vùng Kherson hồi đầu tuần này. Cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại trên diện rộng. Các quan chức địa phương thân Nga cho biết, nhiều bộ phận của tên lửa HIMARS đã bị thu hồi. Các lực lượng Ukraine cũng sử dụng hệ thống này vào ban đêm khiến người Nga khó phát hiện và tấn công hơn.

Yuri Kotenok – nhà phân tích quân sự Nga đánh giá, HIMARS thể hiện “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Nga. Các khu vực được giải phóng ở Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia và lãnh thổ Nga đang rơi vào tầm ngắn của hệ thống tên lửa này. Nếu phương Tây tiếp tục chuyển giao hệ thống này cho Ukraine, chúng tôi sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc tấn công trả đũa đối phương ở một mức độ nào đó”.

Tuy vậy, giới chức quân sự Ukraine vẫn lo ngại các hệ thống HIMARS sẽ trở nên vô hiệu trước cuộc không kích dữ dội của Nga. Hồi đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga các tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao đã phá hủy 2 hệ thống HIMARS và 2 kho vũ khí dành cho hệ thống này ở mặt trận miền Đông.

Cơ hội chiến thắng của Nga sẽ khó khăn hơn

Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko thừa nhận, những vũ khí mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể khiến cơ hội chiến thắng của Nga trong cuộc chiến trở nên khó khăn hơn. “Quy mô của các đợt chuyển giao vũ khí bổ sung của phương Tây sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực đạt được thành công của chúng tôi trong việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông cho rằng “những cuộc tấn công ở các khu vực của Ukraine mà Moscow đang kiểm soát như Kherson, Zaporizhzhia, Kharkiv, Odesa và Mykolaiv nên được coi là cuộc tấn công vào chính nước Nga”, và quân đội Nga cần phải đáp trả bằng cách phá hủy những cây cầu và đường sắt ở miền Tây Ukraine, nơi vũ khí của phương Tây tràn vào từ Ba Lan và ở miền Nam – nơi vũ khí được chuyến giao thông qua Romania.

Nhận định về tình hình chiến sự tại Donbass, ông Phillips O’Brien – Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews cho rằng, cuộc tấn công ở Nova Kakhovka đã tạo ra “tình trạng khó khăn về hậu cần và những vấn đề khác mà người Nga phải đối mặt”. Mục tiêu mà lực lượng Ukraine nhắm đến tiếp giáp với một tuyến đường sắt, vốn đóng vai trò quan trọng với nỗ lực hậu cần của Nga nhằm duy trì các hoạt động quân sự của họ.

“Mục tiêu này rất dễ xác định vị trí, khiến Nga khó trở tay vì họ không thể di chuyển các kho dự trữ do tuyến đường di chuyển bị phong tỏa”, ông Phillips O’Brien lưu ý.

Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, trọng tâm hiện giờ là tập trung chuyển giao cho Ukraine những loại vũ khí có độ chính xác cao, tầm bắn xa hơn và khả năng vượt trội hơn”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo viện trợ cho Ukraine 1.000 viên đạn dành cho pháo 155mm có độ chính xác cao. Hiện Ukraine đang sử dụng 3.000 quả đạn cỡ 155mm mỗi ngày trên chiến trường.

Thách thức trong vận chuyển đạn dược

Một vấn đề khác đối với Nga nằm ở phương thức vận chuyển vũ khí, đạn dược trên chiến trường. Rất ít xe tải quân sự của Nga có cần cầu để nâng các loại vũ khí hạng nặng. Trong quá trình vận chuyển họ phải sử dụng các tấm pallet và bốc xếp bằng tay. Việc di chuyển vũ khí và đạn dược theo cách này rất cồng kềnh, tốn thời gian và khiến đối phương dễ phát hiện.

Chiến lược quân sự của Nga, đã được thể hiện tại miền Đông Ukraine suốt 3 tháng qua, chủ yếu dựa vào việc sử dụng pháo binh, hệ thống tên lửa cơ động cao và súng cối lớn để nghiền nát mục tiêu sau đó bắt đầu tiến lên phia trước. Dùng pháo hạng nặng với hỏa lực gián tiếp bao trùm từ khoảng cách xa là điểm then chốt trong học thuyết quân sự của Nga. Đòn đánh này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đối phương, với những hình ảnh từng được ghi nhận tại Mariupol và nhiều thành phố lân cận, nhưng nhược điểm là quân đội Nga cần phải được tiếp tế đạn dược liên tục.

Một số nhà phân tích dự đoán, Nga đang sử dụng ít nhất 7.000 quả đạn pháo và tên lửa mỗi ngày ở Donbass, thậm chí nhiều hơn.

Ông Serhiy Hayday – người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Lugansk cho biết: “Quân đội Nga không ngừng pháo kích. Nhưng chúng tôi có lẽ đã giúp họ tiêt kiệm được kho đạn pháo vì làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của họ bằng vũ khí chính xác tầm xa”. Theo đánh giá của Ukraine, Nga đang “bị mất thăng bằng” do các cuộc tấn công chính xác mà lực lượng của nước này thực hiện.

Nhưng để binh sỹ Ukraine có thể duy trì tốc độ tấn công này đòi hòi phương Tây phải thực hiện những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm cung cấp vũ khí cho Kiev. Quân đội Ukraine đang chuyển đổi từ các hệ thống pháo và tên lửa có từ thời Liên Xô sang sử dụng những vũ khí theo tiêu chuẩn NATO.

Sự xuất hiện của hàng loạt hệ thống chiến đấu khác nhau từ hàng chục quốc gia vừa mang lại sự cứu cánh nhưng cũng khiến Kiev đau đầu. Một khi vũ khí được đưa ra tiền tuyến, chúng sẽ đòi hỏi chuỗi cung ứng rất phức tạp. Hơn nữa các binh sỹ cũng cần phải trải qua các khóa đào tạo để có thể sử dụng chúng. Chưa kể, các quốc gia phương Tây đang phải tính toán làm thế nào để có thể tiến xa hơn trong việc viện trợ cho Ukraine, khi Nga cảnh báo sẽ thực thi hành động mạnh tay để ngăn chặn dòng chảy vũ khí của Mỹ và châu Âu ra chiến trường.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới