Một nhà văn bị khóa bản đánh máy cuốn tiểu thuyết vì chứa “nội dung bất hợp pháp” khiến cư dân mạng Trung Quốc đang đặt câu hỏi về mức độ kiểm duyệt của chính quyền.
Hãy tưởng tượng bạn đang viết cuốn tiểu thuyết trên máy tính hoặc laptop của mình ở nhà. Nó gần hoàn thành và bạn đã viết khoảng một triệu từ. Đột nhiên, phần mềm xử lý văn bản trực tuyến cho bạn biết rằng bạn không thể mở bản nháp nữa vì nó chứa thông tin bất hợp pháp. Trong tích tắc, tất cả sẽ bị biến mất.
Theo MIT Technology Review, đây chính là những gì đã xảy ra với một tiểu thuyết gia người Trung Quốc có bút danh Mitu vào tháng 6. Cô đã làm việc trên WPS, một phiên bản nội địa của phần mềm xử lý văn bản trực tuyến như Google Docs hoặc Microsoft Office 365.
Vào ngày 25/6, trên diễn đàn văn học Trung Quốc Lkong, Mitu cáo buộc rằng viện dẫn lý do văn bản chứa nội dung bất hợp pháp, WPS “theo dõi và khóa bản nháp của tôi”.
Tin tức này đã gây xôn xao trên mạng xã hội một cách muộn màng vào ngày 11/7 sau khi một số tài khoản có ảnh hưởng chia sẻ nó. Sau đó, nó đã trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo vào ngày hôm đó. Nhiều người dùng đặt câu hỏi liệu WPS có đang xâm phạm quyền riêng tư của họ hay không. Theo một ấn phẩm của Trung Quốc Economic Observer, trong quá khứ, một số tiểu thuyết gia trực tuyến khác cũng bị khóa bản thảo vì những lý do không rõ ràng.
Khiếu nại của Mitu đã gây ra một cuộc thảo luận trên mạng xã hội ở Trung Quốc về trách nhiệm kiểm duyệt và nền tảng công nghệ. Điều này cũng cho thấy căng thẳng gia tăng giữa nhận thức ngày càng tăng của người dùng Trung Quốc về quyền riêng tư và nghĩa vụ kiểm duyệt của các công ty công nghệ trong nước.
Tom Nunlist, nhà phân tích về chính sách dữ liệu và mạng của Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Đây là một trường hợp mà có lẽ chúng ta đang thấy rằng hai điều này thực sự có thể xung đột với nhau”.
Trong khi tài liệu đã được lưu trực tuyến và trước đó đã được chia sẻ với một biên tập viên vào năm 2021, Mitu nói rằng cô là người duy nhất chỉnh sửa nó trong năm nay, trước khi nó đột ngột bị khóa. Cô viết: “Tất cả nội dung đều bị xóa sạch sẽ và thậm chí có thể được xuất bản trên một trang web [văn học] khác, nhưng WPS đã quyết định nó nên bị khóa. Ai đã cho công ty này quyền xem xét các tài liệu riêng tư của người dùng và tự ý quyết định làm gì với chúng?”.
Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1989 bởi công ty phần mềm Trung Quốc Kingsoft, WPS tuyên bố có 310 triệu người dùng hàng tháng. Công ty đã được hưởng lợi một phần từ các khoản trợ cấp và hợp đồng của chính phủ khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy các công ty trong nước trước các đối thủ nước ngoài vì lý do an ninh.
WPS đã đưa ra hai tuyên bố kể từ khiếu nại ban đầu của Mitu, làm rõ rằng phần mềm không kiểm duyệt các tệp được lưu trữ cục bộ. Nhưng công ty vẫn mơ hồ về những gì họ làm với các tệp được chia sẻ trực tuyến.
Tuy nhiên, một tuyên bố ngày 13/7 của công ty cho biết, trích dẫn Luật An ninh mạng của Trung Quốc và các quy định liên quan khác: “Tất cả các nền tảng cung cấp dịch vụ thông tin trực tuyến có trách nhiệm xem xét nội dung đang được lan truyền trên nền tảng của họ”.
Bình luận bên dưới tuyên bố đó của WPS trên Weibo, những người dùng phần mềm này muốn có câu trả lời rõ ràng hơn.
Một người dùng viết: “Bạn có thể đảm bảo rằng bạn sẽ không xem tài liệu của chúng tôi không? Nếu bạn có thể làm như vậy, tôi sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng; Nếu bạn không thể, tôi sẽ yêu cầu hoàn lại tiền đăng ký tư cách thành viên của tôi. Tôi đã gia hạn ứng dụng trong vài năm nhưng giờ tôi cảm thấy kinh hãi”.
WPS vẫn chưa chính thức xác nhận liệu các tài liệu được chia sẻ có bị kiểm duyệt hay không. Nhưng một bình luận do tài khoản dịch vụ khách hàng của WPS để lại trên Weibo vào ngày 13/7 dường như xác nhận giả thuyết đó: “Đồng bộ hóa và lưu trữ tài liệu trên đám mây sẽ không kích hoạt việc xem xét tài liệu. Chỉ việc tạo liên kết chia sẻ cho tài liệu mới kích hoạt cơ chế xem xét”.
Ngay cả đối với những người dùng Internet Trung Quốc, vốn đã quen với luật kiểm duyệt khắt khe, hành động của WPS dường như là một bước đi thái quá.
Khi các nền tảng chia sẻ tài liệu trở thành xu hướng phổ biến ở Trung Quốc, việc kiểm duyệt không phải là chưa từng xảy ra, nhưng nó thường chỉ xảy ra sau khi một tài liệu được chia sẻ rộng rãi.
Ví dụ, vào năm 2020, một nghệ sĩ Trung Quốc tên là Jianguo Xiongdi đã mời công chúng đóng góp vào một tài liệu liệt kê tất cả các từ được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc. Nền tảng chia sẻ tài liệu Shimo đã mất gần 10 giờ để ghi nhận và kiểm duyệt nỗ lực của Xiongdi. Cho đến tháng này, hầu hết người dùng Trung Quốc tin rằng các tệp của riêng họ, chỉ được lưu hành giữa bạn bè và gia đình, sẽ không bị để ý và theo dõi nếu chúng vẫn còn ít người biết đến.
Nunlist cho biết, tuy người dùng có thể không hài lòng nhưng hoạt động kiểm duyệt tất cả tài liệu người dùng của WPS có thể được Luật An ninh mạng của Trung Quốc cho phép. Điều 47 của luật này quy định, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet có nghĩa vụ xóa và chặn nội dung trên nền tảng của họ “khi phát hiện ra thông tin mà luật pháp hoặc quy định hành chính cấm công bố hoặc truyền tải”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát thông tin đồng thời hạn chế việc các công ty công nghệ lạm dụng dữ liệu cá nhân, thể hiện rõ nhất là Luật bảo vệ thông tin cá nhân. Nhưng vụ việc WPS cho thấy rằng có một sự mâu thuẫn cố hữu giữa hai mục tiêu chính sách này. Ít nhất một số người dùng Trung Quốc cũng đã nhận ra điều đó. Dưới bài đăng đầu tiên về việc kiểm duyệt WPS, một bình luận được yêu thích nhất viết: “Đây rõ ràng không phải là vấn đề của Kingsoft, nhưng không ai dám nhắm vào người thực sự phải chịu trách nhiệm”.
T.P