Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển ĐôngTQ khơi mào cho cuộc chiến mới ở Nam Thái Bình Dương

TQ khơi mào cho cuộc chiến mới ở Nam Thái Bình Dương

Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra vào tháng 02/2022, Trung Quốc không ngừng đẩy nhanh quá trình thâm nhập chiến lược vào Nam Thái Bình Dương. Bất chấp liên minh AUKUS gồm Anh, Mỹ và Úc, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang xoay theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, đồng thời tránh xa Washington và các đồng minh.

Một tàu đổ bộ bị bao vây bởi các phương tiện tấn công đổ bộ trong cuộc diễn tập bắn đạn thật “Han Kuang” (Han Glory). Các lực lượng quân sự Đài Loan đã tiến hành bắn đạn thật trong cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất diễn ra vào ngày 25/05/2017 do Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì, khi hòn đảo này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ đối thủ xuyên eo biển là Trung Quốc.

Vậy mà, các diễn biến kể trên đã không xuất hiện trên tiêu đề của bất kỳ phương tiện truyền thông phương Tây nào trong những tháng gần đây.

Các hoạt động chiến lược của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang cần thể hiện sức mạnh và khả năng lãnh đạo trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm này. Sự kiện chính trị to lớn này sẽ là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của ông Tập. Trung Quốc đã lợi dụng cuộc chiến Nga – Ukraine để đánh lạc hướng chú ý của thế giới khỏi chiến thuật thâm nhập “dễ trước khó sau”, còn gọi là chiến thuật “nhảy cóc” hay “nhảy đảo” (island-hopping), vào các đảo quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ.

Ngoài ra, các biến động kinh tế và xã hội ở Sri Lanka – phần lớn là hậu quả của chính sách ngoại giao bẫy nợ thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của ĐCSTQ – đã trở thành mối phân tâm lớn đối với Ấn Độ, nước láng giềng của Sri Lanka. Ấn Độ đang cố gắng giữ vững chủ trương chống lại sự công kích về phía nam của Trung Quốc – ở biên giới Tây Tạng của Ấn Độ cũng như ở Nam và Đông Nam Á.

Bắc Kinh chen chân vào khoảng trống phương Tây để lại ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bắc Kinh có thể cảm ơn chính quyền hiện tại của Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã biến cuộc chiến Nga – Ukraine trở thành trọng tâm của sự chú ý mang tính chiến lược của Mỹ. Washington đã gần như duy trì sự im lặng đối với Trung Quốc, với một số ngoại lệ và một số hoạt động ngoại giao ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tóm lại, Washington đã không nghiêm túc đẩy lùi “chính sách ngoại giao sói chiến” và sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trở ngại chính đối với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và khả năng quân sự ở Nam Thái Bình Dương — và chính xác hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung — từ lâu đã là tầm ảnh hưởng và năng lực của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Biden rõ ràng đang phớt lờ khu vực này. Ngay cả trong cuộc họp ngày 24/05 tại Tokyo của Bộ Tứ (Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ), ông ​​Biden chỉ kêu gọi liên minh này ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng thất bại khi Ấn Độ từ chối tham gia cùng Mỹ.

Việc thành lập AUKUS vào tháng 09/2021 dường như là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với ĐCSTQ. Tuy vậy, điều đó là không đủ để ngăn Bắc Kinh cố gắng có được một thỏa thuận trên toàn Nam Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và các quốc gia độc lập nhỏ hơn trong khu vực. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kéo dài chuyến thăm các quốc gia trong khu vực sau khi ký kết thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Quần đảo Solomon hồi tháng 04/2022 – mà Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare mô tả là một hiệp ước – đang dần gặt hái kết quả. Tất nhiên cũng có phản đối; sự phản đối mạnh mẽ nhất chống lại Trung Quốc không đến từ Mỹ, Úc hay New Zealand, mà đến từ mối lo ngại của các chính phủ Nam Thái Bình Dương.

Gần đây, một số nước đã vui vẻ thu về lợi ích khi Bắc Kinh mâu thuẫn với chính phủ Úc và New Zealand (cũng như Mỹ); họ nhận được sự quan tâm tài chính tối đa từ tất cả các nhà tài trợ, nhà đầu tư và chủ nợ tiềm năng. Nhưng một số nước – đặc biệt là Fiji và Papua New Guinea – đã tỏ ra lo ngại về những nỗ lực có phần hung hăng của ĐCSTQ để tạo lập vị thế trong khu vực. ĐCSTQ đã giành được một vị trí quan trọng trong việc kiểm soát các cảng ở nhiều nước, trong đó có cảng Daru ở phía đông nam Papua New Guinea – cảng gần nhất với lục địa Úc.

Bắc Kinh không chỉ nắm giữ quyền kiểm soát các bến cảng trong khu vực, bao gồm cả cảng của Úc, mà còn bố trí “các đội tàu đánh cá”. Những đội tàu này không đánh cá, cũng không di chuyển, mà có nhiệm vụ xâm phạm lãnh hải của các quốc gia như Philippines và Úc. Một “hạm đội đánh cá” lớn của Trung Quốc dường như đang neo đậu ngay ngoài chuỗi đảo Norfolk của Úc, nơi nằm giữa vùng đất liền của Úc và bắc New Zealand.

Đó chỉ là một vài ví dụ về nỗ lực thâm nhập không ngừng nghỉ của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách sử dụng nhiều vỏ bọc khác nhau để che đậy. Đến năm 2022, vị trí địa chiến lược của Bắc Kinh bắt đầu mạnh mẽ tương đương với Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á của Đế quốc Nhật Bản vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940. Theo nhiều cách, điều này cũng phản ánh sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Lục địa châu Phi sau khi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây ở đó sụp đổ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Về cơ bản, Bắc Kinh đang chen chân vào những khoảng trống được tạo ra khi ảnh hưởng của phương Tây ở châu Phi và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giảm sút.

Trung Quốc đang có đà; trong khi Úc, New Zealand và Mỹ, trong nhiều thập kỷ, dường như đã coi sức ảnh hưởng của họ đối với Nam Thái Bình Dương là điều hiển nhiên.

Ngày 28/05, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận chiến lược khác trong khu vực – lần này là với Samoa. Chỉ vài ngày trước đó, ngày 24/05, chính phủ mới của Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên thệ nhậm chức với lời hứa rằng họ có một “kế hoạch toàn diện” sẵn sàng cung cấp cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Nhưng bất chấp các chuyến thăm ngay lập tức tới khu vực của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong, kế hoạch đó vẫn chưa có gì đáng chú ý.

Ngày 08/07, trong bài viết trên tờ Spectator Australia, chuyên gia hàng hải người Úc Stuart Ballantyne, với nhiều thập kỷ kinh nghiệm làm việc với các quốc gia Thái Bình Dương, đã thẳng thừng tuyên bố rằng các quốc gia nhỏ bé trong khu vực đã chán ngấy việc được Úc viện trợ; bởi những viện trợ đó không chỉ vô ích mà còn tốn kém để duy trì. Ông đặc biệt đề cập đến quà tặng của Úc là các tàu tuần tra Guardian 39,5 mét đắt tiền.

Ông Ballantyne lưu ý: “Ba năm trước, Úc đã trao cho Samoa một tàu tuần tra Guardian — Nafanua II — loại tàu một thân (monohull) nhỏ do Tây Úc thiết kế và đóng mới với chân vịt và bánh lái lộ ra ở hai bên sống tàu. Nó hoàn toàn vô dụng trong việc tiếp cận cảng nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Đường vào các cảng này chủ yếu được bao quanh bởi các mỏm san hô dễ bị hư hại. Sau khi được đưa trở lại tới tận Cairns (một thành phố cảng của Úc) bằng sà lan (với chi phí 2 triệu USD do người đóng thuế Úc chi trả), Nafanua II được xếp vào loại hàng bỏ đi”.

Ông Ballantyne nói thêm: “Chỉ riêng việc kích hoạt các tàu tuần tra Guardian 2x2000kW Caterpillar sẽ ảnh hưởng xấu đến GDP của 13 quốc gia tiếp nhận, nơi giá dầu diesel hiện gần 3 USD/lít. Vì vậy, tuần tra từng khu đặc quyền kinh tế rộng khoảng 125.000 dặm vuông [324.000 km vuông] nói chung là việc không thể chấp nhận được đối với ngân sách eo hẹp của họ, [do vậy] hầu hết thời gian các tàu này nằm im”.

“Có ai trong DFAT [Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc] đến thăm và hỏi các quốc gia Nam Thái Bình Dương này điều họ cần là gì không?”

Hầu hết người dân Nam Thái Bình Dương coi trọng việc họ có thể tự do đến thăm Úc và New Zealand, nơi nhiều người thân của họ đang sinh sống, làm việc và học tập. Tuy nhiên, họ cũng cảm nhận được những cơ hội mới đến từ các khoản đầu tư và cho vay của Trung Quốc; đồng thời họ thích thú với thực tế rằng cuối cùng thì họ đang nhận được sự chú ý từ Washington, Canberra (thủ đô Úc) và Wellington (thủ đô New Zealand).

Quần đảo Fiji, dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Frank Bainimarama – cựu tư lệnh hải quân, đã muốn thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. Ông Bainimarama từng có nhiều dịp đối đầu với Úc (mặc dù Úc liên tục cứu trợ thảm họa và dành các hỗ trợ khác cho Fiji). Tuy nhiên, ngay cả chính phủ Fiji hiện cũng đã trở nên lo ngại trước ý đồ can thiệp trong mọi khía cạnh của ĐCSTQ đối với Fiji và Nam Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được mời thực hiện một video để gửi tới Diễn đàn các Quần đảo tại Thái Bình Dương, được tổ chức ở thủ đô Suva của Fiji vào ngày 13/03. Vinh dự này đã không dành cho Trung Quốc; và Mỹ đã tận dụng tối đa điều đó với đề nghị tăng gấp 3 viện trợ của Mỹ cho các quốc đảo Thái Bình Dương, từ 20 triệu lên 60 triệu USD/năm trong thập kỷ tới.

Đáng chú ý, Tùy viên và Phó Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Suva đã không mời mà đến diễn đàn. Khi nước chủ nhà phát hiện ra điều này, cảnh sát Fiji đã áp giải 2 người họ ra khỏi phòng.

Trung Quốc lợi dụng chiến tranh Nga – Ukraine đánh lạc hướng phương Tây

“Trận chiến mới ở Thái Bình Dương” đã xảy ra; và cũng như trong Thế chiến II, phương Tây vẫn đến muộn, vẫn đang bị phân tâm về mặt chiến lược bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trên thực tế, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn đạn dược (với số lượng có hạn) và các nguồn lực cần thiết khác để xây dựng lực lượng nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiện nay, hầu như tất cả các lực lượng phòng vệ phương Tây không thể duy trì một cuộc chiến lâu dài với bất kỳ đối thủ nào.

Các kế hoạch phòng thủ mới của chính phủ Úc nhằm chống lại Trung Quốc đang chịu khó khăn về mặt kinh tế bởi các cam kết chi tiêu – vào thời điểm lạm phát leo thang – cho các chương trình xã hội và năng lượng xanh. Trong khi đó, tại Mỹ, tiền viện trợ, vũ khí và quân trang chuyển đến Ukraine (lấy từ nguồn ngân sách quốc phòng cạn kiệt do lạm phát) đã bằng gần gấp 2 tổng chi tiêu quốc phòng của Úc.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lấy màn khói mà chiến tranh Nga – Ukraine tạo ra để gia tăng xung đột chống lại Đài Loan. Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc vào ngày 13/07 cho biết “không có cái gì” gọi là đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan vì Đài Loan và đại lục đều thuộc về “một Trung Quốc ”.

Bà cho biết, tàu Cảnh sát biển mới hạ thủy của Trung Quốc – tàu Haixun 06 (6.600 tấn, có khả năng tuần tra trong 60 ngày với tầm hoạt động 10.000 hải lý) – được giao nhiệm vụ cứu hộ, điều tra và giám sát các vùng biển ven bờ ngoài khơi Phúc Kiến ở eo biển Đài Loan. Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) đã trả lời rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ những gì xảy ra tiếp theo.

Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ dường như đang có những luận điệu mới về vấn đề Đài Loan. Khi Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott (Cộng hòa – Florida) đến thăm Đài Loan vào ngày 08/07, cả người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Khu vực phía Đông của PLA đều tuyên bố rằng: “Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là chuyện nội bộ Trung Quốc. Sự thống nhất [của Đài Loan với đại lục] chắc chắn sẽ xảy ra”.

Ngày 13/06, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế. Giới quan sát cho rằng, có khả năng hải quân Trung Quốc đang trong tình trạng cảnh giác để hỗ trợ hoạt động của Haixun 06 ở eo biển Đài Loan. Nếu điều đó được chứng minh là đúng, nó sẽ là một công cụ cưỡng chế mới được chuẩn bị cho Đại hội ĐCSTQ và sau đó. Do vậy, ĐCSTQ dường như đã sẵn sàng cho leo thang căng thẳng.

Có thể thấy, cuộc chiến lớn đã bắt đầu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong khi chủ nhân Tòa Bạch Ốc Joe Biden hành động như thể chiến tranh Nga – Ukraine – trong đó Mỹ và NATO không chính thức tham gia – là điều quan trọng duy nhất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới