Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Phòng cứu hộ”: tin được không?

“Phòng cứu hộ”: tin được không?

Trung Quốc bố trí văn phòng cứu hộ và hàng hải thường trực ở Trường Sa. Thông tin này vừa xuất hiện trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Và ngay lập tức, nó khiến dư luận lo ngại.

Su Bi – một trong những đá Trung Quốc đặt Phòng cứu hộ trái phép.

Bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, ngày 23/7 cho biết: Phi đội Dịch vụ Bay số 2 trên Biển Đông mới được thành lập thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc, Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Hàng hải tại Quần đảo Trường Sa, cùng ba văn phòng thuộc Cơ quan An toàn Hàng hải, được triển khai tại bãi Chữ Thập, Subi và Vành Khăn – những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép.

Mặc cho cơ quan truyền thông hàng đầu này của Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu sự kiện là thúc đẩy hoạt động triển khai tàu cứu hộ thường trực đến Trường Sa; bổ sung không quân để cải thiện khả năng tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi rộng lớn, bao trùm khu vực phía Nam Biển Đông, thì dư luận vẫn có lý do để lo lắng.

Lo lắng là bởi, cùng trong bản tin nêu, bên cạnh việc cứu hộ, qua động thái trên, Bắc Kinh muốn thể hiện cho thiên hạ thấy, việc hiện diện của lực lượng tàu cứu hộ chính thức được triển khai thường xuyên và được “thể chế hóa” – nghĩa là có cơ sở pháp lý (của Trung Quốc) thay vì thi thoảng mới hiện diện kiểu “được chăng hay chớ” từ năm 2018 tới trước thời điểm này.

Câu chuyện buộc nhiều người, nhất là các chuyên gia quốc tế phải nhớ lại, cùng năm 2018, vị giáo sư Đại học Hàng hải Đại Liên – Trung Quốc là Shi Chunlin, trong một bài viết đề cập việc tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu nạn của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là bộ phận dịch vụ bay tại Trường Sa, đã nói toạc rằng: sự hiện diện đáng kể ở các vùng biển tranh chấp “nâng cao sự thống trị của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông”.

Nói cách khác, cứu nạn, đành thế, nhưng với Trung Quốc, có một điều còn quan trọng hơn, là cần biết khai thác, tận dụng, nhân danh điều tử tế này để khẳng định, hiện thực hóa yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” mà họ đơn phương áp đặt và đang bị các quốc gia láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt.

Câu chuyện mới này cũng đưa nhiều người trở về một việc chưa cũ, gắn với một dấu hỏi to tướng: cuối tháng 3/2020, truyền thông Trung Quốc hoan hỷ đưa tin: nước này đã xây trạm nghiên cứu tại đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Cho dù Tân Hoa xã trấn an dư luận là “hai trạm nghiên cứu trên đều được trang bị hệ thống giám sát dùng cho các dự án bảo tồn”, tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo: đây chỉ là thủ đoạn mượn “mác dân sự” để thực hiện các mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thông qua đó để thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, quân sự hóa các đảo nhân tạo đang nắm giữ (trái phép), nhằm mục tiêu chiếm trọn Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Cùng với chỉ ra động cơ, mục tiêu thật, thời điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu và dư luận còn tố cáo Trung Quốc đã hành xử một cách “bất lương”, rình khi thế giới quay cuồng với đại dịch Covid-19, để thực hiện những hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà họ là một thành viên.

Thế nên lần này, dư luận lại lo ngại: không chừng Bắc Kinh lại giở “trò mèo”, mượn “mác nhân đạo” để thực hiện một toan tính tội lỗi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới