Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao xe điện TQ phát triển nhanh như vũ bão

Vì sao xe điện TQ phát triển nhanh như vũ bão

BYD – hãng xe điện của Trung Quốc vừa soán ngôi doanh số của Tesla – đã công khai hàng chục khoản trợ cấp trong báo cáo mới đây. Các khoản trợ cấp này được cho rằng xuất phát từ chính sách “Made in China 2025”.

“Made in China 2025” đặt mục tiêu biến Trung Quốc thành siêu cường sản xuất vào năm 2049 (Ảnh: Reuters)

7 năm kể từ khi Bắc Kinh khởi động kế hoạch “Made in China 2025” (tiếng Trung: 中國製造 2025 – Trung Quốc Chế Tạo 2025) nhằm đẩy mạnh ngành sản xuất công nghệ cao của nước này, giờ đây cụm từ này gần như đã biến mất trong các cuộc thảo luận của người dân cũng như các văn bản chính thức.

Tuy nhiên, theo Kenji Kwase – trưởng ban tin tức kinh doanh của Nikkei Asia, ‘Made in China 2025’ vẫn chưa bị khai tử mà thực tế vẫn phát triển thông qua các khoản trợ cấp của chính phủ. Các khoản tiền này hướng tới các hãng chế tạo xe điện, nhà sản xuất chip, dù sức ép tài chính ngày càng đè nặng lên chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của Kenji Kwase về nội dung này.

“Made in China 2025” có màn ra mắt hoành tráng lần đầu tiên vào tháng 5/2015, đặt ra mục tiêu chuyển đổi Trung Quốc “từ một gã khổng lồ trong ngành sản xuất thành siêu cường sản xuất của thế giới” vào năm 2049.

Chính phủ các nước trên thế giới cung cấp nguồn tài chính để giúp cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ vì vô số lý do. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là khi lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong chính sách chiến lược có liên quan tới mục tiêu dài hạn mà ông Tập Cận Bình đặt ra, đó là tạo nên “một mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và thịnh vượng” vào năm 2049.

Kế hoạch này nhấn vào 10 lĩnh vực cần phải được tăng cường – từ công nghệ thông tin (IT), tự động hóa, công nghệ sinh học, cơ khí nông nghiệp cho tới không gian, hàng hải và trang thiết bị đường sắt – và hứa hẹn sẽ khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, dựa trên hướng tiếp cận định hướng thị trường và hướng dẫn của chính phủ.

Bắc Kinh đã ngừng sử dụng cụm từ này khi Mỹ dấy lên cuộc chiến thương mại với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhưng dựa trên số liệu của Fitch Ratings, nghiên cứu của Nikkei Asia đã chỉ ra rằng, những công ty hàng đầu được nhận nguồn vốn trợ cấp của chính phủ Trung Quốc chủ yếu vẫn là các công ty công nghệ có liên hệ chặt chẽ với “Made in China 2025.” Ngoài ra, còn có một vài ngoại lệ, cụ thể là một số công ty năng lượng, được hỗ trợ vì nhiều lý do, như: an ninh năng lượng và bình ổn giá.

Phía sau màn soán ngôi Tesla của BYD
Do không sẵn có dữ liệu chính thức của Trung Quốc về các công ty được trợ cấp, Fitch Ratings đã thu thập dữ liệu của 5.000 công ty của nước này để đưa ra kết quả.

SAIC Motor, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc, trong năm 2021 đã nhận được khoản tiền trợ cấp lớn nhất, khoảng 4,03 tỉ NDT (598 triệu USD), cao hơn 31% so với năm trước đó, vượt qua mức trợ cấp của Sinopec.

Có thêm 3 hãng sản xuất xe hơi khác cũng nằm trong top 10 công ty nhận được khoản trợ cấp lớn nhất – BYD, Great Wall Motor và Anhui Jianghuai Automobile Group (JAC). Việc trợ cấp cho ngành công nghiệp xe hơi cho thấy rằng ưu tiên của Bắc Kinh trong việc phát triển ngành chế tạo phương tiện sử dụng năng lượng mới, trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang xe chạy điện.

BYD, mới đây soán ngôi vị nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới của Tesla xét về doanh số, đã công khai hơn một chục khoản trợ cấp trong báo cáo thường niên mới nhất, trong đó bao gồm các khoản tiền lớn đến từ “2 quỹ phát triển công nghiệp,” rót cho hoạt động sản xuất xe điện và pin.

Great Wall, một hãng lớn chuyên sản xuất xe SUV, cũng được rót vốn trợ cấp tăng 73% so với năm trước đó, tăng gần gấp 4 lần nếu đem so với năm 2019. Phần lớn trong khoản tiền này đến từ một “quỹ hỗ trợ chính sách công nghiệp của chính phủ.” JAC, chủ yếu sản xuất xe thương mại, cũng báo cáo 20 khoản tiền trợ cấp, khoản lớn nhất là dành cho “một dự án chế tạo xe tải điện hạng nhẹ cao cấp.” Khoản tiền mà chính phủ trợ cấp cho JAC tăng gần gấp đôi trong vòng 3 năm qua, cao gấp 14 lần so với lợi nhuận ròng của công ty này.

Ngoài danh sách top 10, hãng sản xuất pin dành cho xe điện lớn nhất thế giới, Contemporary Amperex Technology (CATL), đứng ở vị trí thứ 11, với khoản tiền trợ cấp tăng đột biến 2,6 lần, lên mức 1,67 tỉ NDT trong vòng 3 năm qua. Chongqing Changan Automobiles và Guangchou Automobile Group cũng nằm trong top 20 công ty nhận trợ cấp.

Chip và màn hình, không thể thiếu đối với hàng loạt món đồ công nghệ, cũng được trợ cấp mạnh tay. Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC), đang dẫn đầu trong ngành sản xuất chip của Trung Quốc, và BOE Technology Group, hãng đi đầu trong sản xuất màn hình, thường xuyên lọt top 10.

Ngoài ra, còn có các hãng cung cấp dịch vụ 5G, ví dụ như China Mobile đứng ở vị trí thứ 9, China Telecom đứng ở vị trí thứ 19 trong năm 2021.

Một công ty con của Foxconn Đài Loan đã niêm yết ở đại lục cũng được cho là lại hưởng lợi lớn từ chương trình trợ giá của chính phủ Trung Quốc, vấn đề này trước đó đã từng gây căng thẳng chính trị tại thị trường Đài Loan

Nguồn tiền trợ cấp cũng được phân bổ cho các công ty nhỏ hơn. Một cuộc kiểm tra danh sách các công ty nhận được khoản tiền trợ cấp lớn của chính phủ Trung Quốc cho thấy có cả một số hãng dược phẩm công nghệ sinh học, như Shanghai Yizhong Pharmaceutical và Mabwell Bioscience.

Mối lo ngại về “Made in China 2025”
Chính phủ nhiều nước từng bày tỏ quan ngại về chính sách “Made in China 2025″ của Trung Quốc.

Sách trắng thường niên mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố tháng trước có một chương đề cập tới hoạt động trợ cấp của Trung Quốc, và thêm rằng xu hướng trợ cấp cho các công ty thuộc 10 lĩnh vực cốt lõi sẽ tiếp tục tăng.

Theo Sách trắng của Nhật, vào năm 2018, ngay khi cụm từ “Made in China 2025” đang dần phai nhạt, thì khoản tiền trợ cấp vẫn tiếp tục tăng. Tổng số tiền rót cho các công ty liên quan tới “Made in China 2025” đã lên tới con số 100 tỉ NDT trong năm 2020, gấp hơn 2 lần so với năm 2015.

“Hoạt động tổng quan của các công ty Trung Quốc nhìn chung đều chuyển dịch sang các lĩnh vực này,” báo cáo nói. “Mức hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực này ngày càng hào phóng hơn”.

Tổng số tiền trợ cấp của chính phủ Trung Quốc trong năm 2021, theo ước tính của Fitch Ratings, là 217,92 tỉ NDT, ít hơn 3,2% so với năm trước đó. Đây là mức giảm đầu tiên mà người ta chứng kiến kể từ năm 2009, thế nhưng tất cả các chuyên gia mà Nikkei Asia phỏng vấn đều tin rằng chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ các công ty công nghệ là không hề thay đổi, mức giảm trên chỉ là tạm thời và mang tính kỹ thuật.

Cũng có một vài trường hợp các khoản tiền trợ cấp của chính phủ không đến nơi, chủ yếu là do tình trạng khó khăn tài chính của chính quyền địa phương.

CPT Technology Group, hãng sản xuất màn hình LCD có trụ sở tại Phúc Kiến, trong hôm thứ Sáu tuần trước nói rằng do nguồn trợ cấp của chính phủ giảm đã khiến cho mức doanh thu âm tăng lên.

Công ty này đáng lẽ ra nhận được tổng cộng 2,64 tỉ NDT tiền trợ cấp từ chính quyền huyện Phúc Điền, được chia làm 6 gói thường niên, mỗi gói 440 triệu NDT, sau khi xưởng sản xuất màn hình LCD của họ bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2017. Thế nhưng công ty này chỉ nhận được đầy đủ trong năm đầu tiên. Lượng tiền giảm xuống còn 300 triệu NDT trong 2 năm tiếp theo và xuống còn 100 triệu NDT vào tháng 6/2021. Năm nay, khoản tiền họ nhận được là một số 0 tròn trĩnh.

Chính quyền Phúc Điền đã gửi một bức thư hứa hẹn sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của họ, công ty này nói trong năm 2020, nhưng bên chính quyền sau đó thừa nhận họ đang “căng thẳng tài chính.”

Visionox Technology, một hãng sản xuất công nghệ khác, cũng chưa nhận được đầy đủ khoản tiền trợ cấp 700 triệu NDT mà đáng lẽ ra phải được cơ quan quản lý khu phát triển công nghệ cao Jingan-Gu’an, tỉnh Hồ Bắc chuyển từ tháng 6/2020.

Khoản tiền trợ cấp này là để Visionox mở một nhà máy hoành tráng, sản xuất màn hình AMOLED cho smartphone. Cơ quan quản lý đã thêm 200 triệu NDT tiền trợ cấp trong tháng 12 năm đó, nhưng số tiền công ty nhận được chỉ chưa đầy 400 triệu NDT.

Cuối cùng, Visionox đã có một nước đi hiếm thấy là xin thôi không nhận khoản tiền 20 triệu NDT nữa. Và tương tự như CPT, Visionox vào thứ Sáu tuần trước tuyên bố rằng công ty dự kiến sẽ có mức lỗ ròng tăng gấp đôi trong nửa sau năm nay, với lý do chính là bị giảm 133 triệu NDT tiền trợ cấp.

Đây có thể là những trường hợp biệt lập, nhưng các điều kiện tài chính eo hẹp của chính quyền địa phương có thể ảnh hưởng tới lượng tiền được điều hướng tới các công ty công nghệ chiến lược.

Shinichi Seki, kinh tế gia kỳ cựu đến từ Viện Nghiên cứu Nhật Bản chuyên nghiên cứu nền kinh tế Trung Quốc, nói rằng “tốc độ tăng trưởng của các khoản tiền trợ cấp chính phủ sẽ thu hẹp do chính phủ địa phương thiếu vốn”.

Mặc dù các chiến lược được chính quyền ở Bắc Kinh vạch ra, nhưng một lượng đáng kể các khoản tiền được chi ra lại là ở cấp độ địa phương. Cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc cũng làm bay hơi nguồn thu quý báu, thường là từ việc bán đất hoặc quyền sử dụng đất cho các nhà phát triển địa ốc. Thêm nữa, chính sách zero-COVID cũng khiến các nguồn vốn cạn kiệt, bởi chính quyền địa phương phải chi tiền để xét nghiệm và thực hiện các quy trình liên quan.

Đợt giảm thuế mới đây, nhằm kích thích nền kinh tế, cũng khiến hầu bao của chính quyền địa phương thu hẹp.

Ông Seki nói rằng “trắng đen sẽ rõ ràng hơn” trong những năm sắp tới, có nghĩa rằng chính quyền địa phương sẽ trở nên sáng suốt hơn khi phát ra khoản tiền trợ cấp.

Zhang Hongyong, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ở Nhật BẢn, cũng dự báo về sự thay đổi trong cách trợ cấp của chính quyền địa phương, trong bối cảnh thiếu tiền kinh niên.

“Việc lựa chọn các công ty công nghệ để rót tiền sẽ kỹ lưỡng hơn, và sẽ không còn kiểu vung tiền hoang phí nữa trước nữa”, ông nói và thêm rằng tiền trợ cấp sẽ gắn liền với các khoản chi cho nghiên cứu và phát triển.

Bắc Kinh dường như vẫn còn sức sống, mặc dù chịu tác động của vấn đề tài chính suy yếu. Giữa tháng 6, Quốc vụ viện đã chỉ đạo chính quyền các cấp địa phương tiếp tục rót vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, ngay cả dưới tình hình tài chính khắc nghiệt, nhấn mạnh rằng có nhiều lĩnh vực “cần được tăng củng cố sức mạnh một cách hợp lý”.

Bên cạnh giáo dục, bảo hiểm y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, “nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ” được nhắc tới, điều cho thấy việc trợ cấp doanh nghiệp công nghệ sẽ còn được duy trì.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới