Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBà Nancy Pelosi và chuyến thăm Đài Loan

Bà Nancy Pelosi và chuyến thăm Đài Loan

Những ngày này, kế hoạch tới thăm Đài Loan tháng 8 này của bà Nancy Pelosi – Chủ tịch Hạ viện Mỹ – đang gây sóng gió trong quan hệ Mỹ – Trung. Hồi kết có thể đến mau thôi, nhưng hiện thời, kết quả thế nào thì chưa thể rõ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Sóng gió là phải thôi. Trong quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc khổng lồ Mỹ – Trung Quốc hòn đảo Đài Loan nhỏ bé lại thành vấn đề không chỉ lớn, mà còn luôn nhạy cảm từ nhiều năm nay. Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời. Hơn cả sự khẳng định chủ quyền, Bắc Kinh còn không ngần ngại đe dọa sẽ thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, nếu hòn đảo này ương bướng không chịu khuất phục. Còn Đài Loan thì luôn khẳng định: tương lai hòn đảo thuộc về người dân. Đồng thời, nhiều lần, những nhà lãnh đạo Đài Loan tuyên bố: Đài Loan là một hòn đảo độc lập và tự trị vĩnh viễn.

Cùng với việc trở thành “hổ”, rồi “rồng” châu Á về mặt kinh tế, Đài Loan gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự. Bên cạnh đó, còn là một chính sách đối ngoại khôn khéo để Đài Loan nhận được cam kết bảo vệ từ các đồng minh, nhất là Mỹ. Nhà Trắng duy trì quan điểm và công nhận chính sách “một Trung Quốc”; thừa nhận đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng, như ông Biden, trong chuyến công du tới Châu Á dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ Tứ”, đã tuyên bố:
“Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan”.

Trở lại chuyến thăm của bà Nancy Pelosi. Câu chuyện đã ầm ĩ từ hồi đầu tháng tư năm nay, khi bà Nancy Pelosi cho biết, sẽ tới thăm Đài Loan và khiến Bắc Kinh nổi nóng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – ông Vương Nghị, khi đó, đã gọi chuyến thăm là hành động “khiêu khích ác ý”. Những cuộc đấu khẩu đang vào độ cao trào, thì may thay, con vi rus SARS-CoV-2 chen vào: bà Nancy Pelosi có kết quả xét nghiệm dương tính, chuyến đi bị hoãn. Những căng thẳng bỗng nhiên được hóa giải bất ngờ.

Trung Quốc hẳn hả hê về sự cố đó. Thậm chí, có người còn cho rằng, dính Covid-19 chỉ là tin vịt. Cái chính là tác động của những lời cảnh báo từ Trung Quốc, khiến bà Nancy Pelosi…sợ (?), nên phải bỏ cuộc.

Sau 4 tháng, chẳng biết có phải nghe được những xì xầm đầy tự đắc của xứ xở AQ hay không, mà lần này, bỗng thò ra cái tin trên tờ Financial Times hôm 19-7 về việc bà Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đến Đài Loan vào tháng 8. Nếu thành sự thật, bà Pelosi cũng sẽ là nhà lập pháp cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997. Thế nên, sự hiện diện của bà Pelosi tại Đài Loan, trong con mắt Trung Nam Hải, có ý nghĩa như sự vi phạm cam kết quan điểm của Washington về “một Trung Quốc”.

Cũng như lần trước, Bắc Kinh lập tức lồng lên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, ngay ngày 19/7, kêu gọi Mỹ không sắp xếp chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, hành động mà ông cho rằng sẽ “phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Thậm chí, ông này còn cảnh báo: “Nếu Mỹ không thay đổi, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Tội cho ông Biden. Là tổng thống quyền lực nhất, nhưng theo luật pháp Mỹ, ông đâu có thể can thiệp vào câu chuyện này. “Tôi nghĩ rằng quân đội cho rằng đó không phải là một ý kiến hay. Nhưng tôi không biết hiện tại kế hoạch chuyến thăm ấy đang như thế nào” – câu trả lời của ông Biden với các phóng viên sau khi trở về thủ đô Washington D.C từ bang Massachusetts, đã thể hiện, ông đang ở thế khó như thế nào trong việc xử lý quan hệ phức tạp và tế nhị tay ba: với ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc, bà Thái Anh Văn – tổng thống Đài Loan, trước những tác động về kế hoạch chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Mới chỉ rậm rịch, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã gây cấn, phức tạp, căng thẳng. Thậm chí, tới mức – theo hãng tin AP – Bộ Quốc phòng Mỹ, dù không hào hứng với sự kiện này, vẫn phải vất vả chuẩn bị kế hoạch cho trường hợp bà Pelosi quyết định thực hiện chuyến thăm Đài Loan bằng các phương án đặc biệt, tốn kém.

Thế nên, nhiều người quan ngại rằng, một khi đã đưa ra các cảnh báo cứng rắn đến thế, Bắc Kinh không “nói cho vui”. Tuy nhiên, nếu bà Pelosi cười khẩy trước những cảnh báo của Bắc Kinh, vẫn tới Đài Loan, thì liệu Bắc Kinh có đủ can đảm để mạo hiểm làm những gì như họ tuyên bố?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới