Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ và Nhật Bản xúc tiến lập "NATO kinh tế" đối phó...

Mỹ và Nhật Bản xúc tiến lập “NATO kinh tế” đối phó TQ

Cả Mỹ và Nhật Bản đang tiến tới thành lập “NATO kinh tế” để đối phó với Trung Quốc. Hai nước có kế hoạch tập hợp ảnh hưởng kinh tế của mình để ngăn Trung Quốc biến các nguồn lực khổng lồ của mình thành các chiến thắng chiến lược.

Bộ Tứ bộ trưởng ngoại giao và kinh tế Mỹ-Nhật Bản 2022.

Quyết tâm của Mỹ-Nhật ứng phó với Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và những người đồng cấp Nhật Bản chưa trực tiếp nhắc đến khái niệm “NATO kinh tế” mà một số nghị sĩ Mỹ và đồng minh vừa đề xuất. Tuy nhiên, họ vẫn nhất trí rằng “các thực tế kinh tế của Trung Quốc” đòi hỏi họ phải có một sự phản ứng chung và được chuẩn bị kỹ càng.

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nói với các phóng viên rằng cần phải nghĩ đến ngoại giao, an ninh và kinh tế như một chỉnh thể thì mới mong phản ứng hiệu quả trước điều mà ông gọi là việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế một cách không công bằng và thiếu minh bạch.

Ông Hayashi cho rằng Mỹ và Nhật Bản cần thảo luận ở tầm chiến lược về các chính sách cần thực thi trong bối cảnh đó.

Cuộc gặp trên nằm trong khuôn khổ chương trình của Ủy ban tham vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản – một định dạng mới cho Bộ Tứ ngoại giao và kinh tế điều phối các nỗ lực làm cho nền kinh tế của hai nước thêm “cạnh tranh và dẻo dai”.

Ngoại trưởng Hayashi nhấn mạnh rằng họ không theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nhưng thông cáo chung của các bên được công bố sau cuộc họp đã chỉ rõ rằng sáng kiến này phần nào cũng hướng tới mục tiêu giành lấy ảnh hưởng trên thế giới.

Theo Thông cáo chung, các vị bộ trưởng nói trên đã nhất trí rằng với tư cách là hai nền kinh tế lớn hàng đầu, Mỹ và Nhật Bản có thể cung cấp mô hình tốt nhất về thịnh vượng, ổn định và an ninh.

Thông cáo có đoạn: “Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại lớn và phản đối việc sử dụng theo hướng có hại các ảnh hưởng kinh tế, bao gồm cưỡng ép kinh tế cũng như các thực tế cho vay không công bằng và mờ ám, theo những cách thức đe dọa lợi ích chính đáng của các quốc gia có chủ quyền cũng như của các cá nhân và các ngành nghề”.

Các mối quan ngại nói trên đều được Mỹ và Nhật Bản hướng về Trung Quốc.

Lo ngại về việc Trung Quốc gây sức ép bằng công cụ kinh tế

Theo Mỹ và Nhật Bản, vừa qua Trung Quốc không chỉ thực hiện các biện pháp cho vay để có được cơ sở hạ tầng ở các vị trí trọng yếu trên thế giới mà còn áp dụng các hình thức trừng phạt kinh tế nghiêm trọng lên Australia để trả đũa cho việc nước này yêu cầu điều tra về dịch bệnh. Mới đây, Bắc Kinh còn cố gắng ép các công ty Đức có đầu tư vào Trung Quốc phải cắt đứt quan hệ với các công ty Litva nhằm trừng phạt Litva vì quan điểm của họ ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng các thực tế kinh tế đó của Trung Quốc đã khiến các nước phải chấp nhận các lựa chọn có thể khiến họ mất an ninh, tài sản trí tuệ và sự độc lập về kinh tế.

“Các thách thức này đòi hỏi hai nước chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề kinh tế” – nhà ngoại giao Blinken nói.

Quan chức Mỹ-Nhật hoan nghênh việc Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật dành 52 tỷ USD đầu tư vào sản xuất các chất bán dẫn, coi đây là đại bước ngoặt về an ninh và kinh tế.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo nhất trí rằng luật trên sẽ cho phép “tái xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn tại Mỹ” và tạo không gian cho hoạt động nghiên cứu chung tiên tiến hơn.

Việc Trung Quốc gần đây gây sức ép với Litva đã thu hút sự chú ý của phương Tây trong điều phối các biện pháp ngăn ngừa.

Đối sách của Mỹ-Nhật và ý tưởng “NATO kinh tế”

Chủ tịch Ngoại vụ Hạ viện Mỹ Bob Menendez đã hỏi một phụ tá của Ngoại trưởng Blinken về việc “tạo ra một phiên bản kinh tế của Điều 5 NATO”. Ông này nhận ra rằng ý tưởng đó có thể là bức trường thành tiềm năng đối với áp lực gây ra cho Litva.

Jose Fernandez – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, trả lời trong một phiên điều trần mới đây của Ủy ban trên: “Chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta có một số công cụ mà chúng ta trước đây chưa nghĩ tới. Ngân hàng Xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi tín dụng xuất khẩu mà Trung Quốc trao cho Litva, chẳng hạn. Tôi biết, mọi người đã thảo luận ý tưởng về Điều 5. Đây là một ý tưởng thú vị. Tôi nghĩ chúng ta lúc này đang phát triển một bộ chiến thuật, đó là điều mà chúng ta sẽ tiếp tục xem xét hướng tới”.

Trong khi đó Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã phê chuẩn ý tưởng về một “G7 đóng vai trò như một NATO kinh tế”. G7 là khối 7 nước công nghiệp lớn nhất thế giới. Nhật Bản là quốc gia duy nhất nằm trong G7 nhưng không phải là thành viên của khối quân sự NATO.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hagiuda nói với báo giới: “Mô hình 2+2 sẽ không chỉ giới hạn vào quan hệ song phương Nhật-Mỹ mà còn sẽ làm nền tảng mang lại hòa bình và thịnh vượng rộng rãi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là nhận thức về thực hiện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở. Đó là niềm tin của chúng tôi”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới