Không thể phủ nhận một thực tế rằng chính cuộc khủng hoảng Ukraine lại có vai trò như một chất xúc tác khiến các cường quốc khẩn trương đánh giá lại các mối quan hệ đối tác của mình ở nhiều khu vực trên toàn thế giới như Châu u, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương; điểm này cũng đã đủ để minh chứng cho một trật tự quyền lực toàn cầu đang dần được phân bổ lại.
Từ tháng Năm đến tháng Bảy 2022, việc Mỹ tiến hành một cuộc ‘tấn công ngoại giao’, trong đó phải kể đến cuộc gặp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Bộ Tứ QUAD, nhóm các nước Mỹ Latinh, rồi G7 và Nato, đã khiến cho Moscow và Bắc Kinh có những nước cờ đối ứng.
Chính sự gián đoạn trong các luồng thông tin giữa các nước lớn đã khiến các quốc gia này phân cực và tạo thành các nhóm đối kháng; điều này được thể hiện rõ ở việc các bộ trưởng tài chính G20 đã không thông qua được bất kỳ một hiệp ước chung nào, ngay cả khi cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu cũng như rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn hơn.
Sau khi quần đảo Solomon ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào đầu năm nay, thì cả Mỹ và Trung Quốc đều ra sức tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn ở khu vực này. Rồi cả Moscow và Bắc Kinh đã cùng mở rộng quy mô hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách gia tăng các hoạt động trên biển và trên không xung quanh Nhật Bản.
Không chỉ không ủng hộ việc trừng phạt của Mỹ đối với Nga trên phương diện kinh tế, mà chính Trung Quốc đã cho thấy một điều trái lại, lượng nhập khẩu dầu thô của nước này từ Nga đã tăng 55% trong tháng Năm, so với trước đó một năm; và rõ ràng Nga đã thay thế Ả rập Saudi trở thành nhà cung ứng dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, giữa tháng Bảy, Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga đã báo cáo kỷ lục về khối lượng khí đốt hàng ngày được bơm tới Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia.
Việc tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, cùng các đợt nắng nóng gần đây ở châu u, khiến giá nhiên liệu tăng mạnh trên toàn thế giới; nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn đến các hoạt động của chính phủ; Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Nói cách khác, nguy cơ cho một khủng hoảng năng lượng toàn cầu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước sự thất vọng của người Mỹ về giá khí đốt cứ lập một kỷ lục mới mỗi tháng, và cũng kế hoạch cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu tới; trong tháng này tổng thống Joe Biden đã tiến hành chuyến công du Trung Đông đầu tiên, với điểm dừng chân là Israel và Ả rập Saudi.
Một thực tế là khu vực này đang dần trở thành võ đài chính trị giữa các ‘ứng viên nặng ký’ quốc tế. Ông Biden đã cam kết xây dựng một ‘sự lãnh đạo tích cực và có nguyên tắc kiểu Mỹ’ và sẽ cố gắng khiến Nga, Trung Quốc và Iran phải ra rìa.
Nhưng ‘với bản chất nhất của mình’, Trung Quốc không hề chịu lép vế, Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ đối tác của họ ở khu vực bằng cách tổ chức hội nghị các ngoại trưởng Hợp tác Vùng Vịnh vào tháng Giêng, rồi nâng cấp quan hệ an ninh với Iran vào tháng Tư, và tái khẳng định các cam kết với Ả rập Saudi về Sáng kiến Vành đai và Con đường cho tầm nhìn 2030.
Nhưng trớ trêu thay, bất chấp các nỗ lực nhằm hàn gắn các mối quan hệ rạn nứt với Ả Rập Saudi, tổng thống Mỹ đã trở về nước mà không có được một sự đảm bảo nào về việc tăng sản lượng khai thác dầu. Vương quốc này khẳng định rằng bất kỳ động thái nào như vậy phải được phối hợp trong khuôn khổ của OPEC+, một liên minh bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ do Ả Rập Saudi đứng đầu và một nhóm các nhà sản xuất dầu thô riêng biệt do Nga cầm trịch.
Vài ngày sau đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, đồng ý hợp tác hơn nữa với nỗ lực của nhóm nhằm ổn định thị trường dầu mỏ trước cuộc họp OPEC+ vào ngày 3/8.
Không lâu sau khi Biden kết thúc chuyến đi Trung Đông của mình, Putin đã bắt đầu chuyến du ngoạn tới Iran – quốc gia ngang hàng với Trung Quốc, hiện đang trở thành một cán cân kinh tế và chính trị quan trọng, có thể thay thế cho các đối tác phương Tây trước đây của Moscow.
Với chuyến công du đầu tiên bên ngoài Liên Xô cũ kể từ tháng 2, Putin đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Iran và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cả song phương và đa phương trong Tiến trình Astana nhằm giải quyết hòa bình ở Syria.
Trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang diễn ra tái cân bằng giữa một bên là Nga Trung, một bên là các ‘nền dân chủ cùng chí hướng’ do Mỹ dẫn đầu; việc tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát huy vai trò trung tâm trong việc ‘điều hoà’ một thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine được xem là một minh chứng sống động cho tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của các nước không phải phương Tây.
Tóm lại, chuyến công du của Putin có hai mục tiêu chính, thứ nhất là nhằm tìm cách thoát khỏi những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, thứ hai là tăng cường mạng lưới hợp tác trong khu vực, đặc biệt là tuyến đường dọc theo Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc Nam, và thành công trước đó là chuyến hàng trung chuyển đường sắt đầu tiên khởi hành từ St Petersburg đến Ấn Độ, đi qua Iran vào ngày 11/6.
Đấu trường tiếp theo của cuộc cạnh tranh Trung-Nga-Mỹ có thể sẽ là châu Phi. Mỹ đã công bố cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi vào giữa tháng 12, cuộc gặp đầu tiên kể từ chính quyền của Barack Obama. Nó diễn ra trong bối cảnh tranh chấp gia tăng với Trung Quốc về ảnh hưởng chiến lược và kinh tế trên lục địa. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị tương tự, thoả thuận Bắc Kinh cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD để tạo thuận lợi cho xuất khẩu của châu Phi.
Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh châu Phi đầu tiên vào năm 2019 và lần thứ hai đã được lên kế hoạch vào năm 2023, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Điện Kremlin muốn điều chỉnh lại các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình sau khi chia tay với phương Tây. Moscow đang chú ý nhiều hơn đến châu Phi, và đã cử một phái đoàn tới khu vực này vào tháng Sáu đón tiếp Tổng thống Senegal Macky Sall – chủ tịch của Liên minh châu Phi.
Giờ đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, hồi tháng Năm đã kêu gọi “những người bạn châu Phi” hãy yêu cầu phương Tây bãi bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga, đang có chuyến công du tới Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo để khai thác toàn diện hơn các “mối quan hệ đối tác với Các nước Châu Phi”.
Một bài báo trên tạp chí Foreign Policy gần đây cho rằng vào đầu năm 2022, “Vladimir Putin đã trở thành bậc thầy của trò chơi địa chính trị. Ông ấy… đã nỗ lực tìm cách để mở rộng ảnh hưởng của Moscow vượt ra ngoài phạm vi lân cận, hướng đến Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông”.
Vì vậy, ngày nay khi mà có nhiều dấu hiệu cho thấy trật tự toàn cầu đang dần được cơ cấu lại; thì các nỗ lực của Nga, Trung Quốc và Mỹ nhằm giành được thêm lợi thế chính trị và kinh tế chỉ khiến các xung đột khu vực càng dễ xảy ra hơn.
T.P